Trong báo cáo mới công bố, CTCP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhấn mạnh hai yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới là việc Trung Quốc mở cửa trở lại và khả năng lạm phát hạ nhiệt ở Mỹ.
"Trong thời gian tới, việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa chống COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc là yếu tố chính cần theo dõi. Chúng tôi kỳ vọng thị trường này sẽ dần mở cửa trở lại vào quý I/2023. Bên cạnh đó, Chủ tịch Fed gần đây đã gợi ý về việc giảm tốc độ tăng lãi suất nhờ lạm phát có tín hiệu hạ nhiệt", báo cáo cho biết.
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang có sự suy giảm rõ rệt. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy xuất khẩu lũy kế 11 tháng 2022 ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Tốc độ này chậm lại khá đáng kể so với mức tăng 16% của 10 tháng 2022.
Xuất khẩu tháng 11 ước tính giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều đang phải đối mặt với tình trạng tiêu thụ chậm lại, đặc biệt là Mỹ và EU.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của lĩnh vực sản xuất (có mối tương quan với tăng trưởng xuất khẩu) đã tăng chậm lại đáng kể trong hai tháng qua (tháng 9 tăng 10,3%; tháng 10 tăng 5,5%; tháng 11 tăng 5,3%) do thiếu hụt nguyên vật liệu, chi phí đầu vào tăng, đơn hàng giảm.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI tháng 11 cũng giảm xuống 47,4 điểm - kết thúc chuỗi 13 tháng tăng trưởng. Theo giải thích của S&P Global, việc VND mất giá dẫn đến chi phí đầu vào tăng nhanh hơn trong khi triển vọng nhu cầu khá tiêu cực
CTCP Chứng khoán VNDirect mới đây nhận định việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là một cú hích lớn cho ngành du lịch Việt Nam, vì du khách Trung Quốc chiếm hơn 30% lượng khách nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2019 (trước dịch COVID-19).
Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, dịch vụ lưu trú ăn uống và hàng không sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của lượng khách du lịch từ Trung Quốc.
Việc giao thương qua biên giới hai nước dễ dàng hơn cũng sẽ hỗ trợ xuất khẩu nông sản Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu cao su, gạo, rau quả, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ xu hướng chi phí vận chuyển giảm và nhu cầu gia tăng từ thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng góp phần ổn định chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, nhất là ngành điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị và dệt may.
Về lạm phát ở Mỹ, dữ liệu gần đây của Mỹ cho thấy lạm phát đang bắt đầu hạ nhiệt. Cụ thể, Chỉ số giá tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ, chỉ số đo lường sự tăng/trượt giá các mặt hàng mà người tiêu dùng, doanh nghiệp và Chính phủ Mỹ phải chi trả, bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu, chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ trong quý III sau khi tăng 8,5% trong quý II. Ngoài ra, lạm phát theo năm của Mỹ tăng 8,2% so với cùng kỳ trong tháng 9, giảm từ mức 8,3% hồi tháng 8 và mức đỉnh là 9,1% vào hồi tháng 6.
Việc lạm phát ở Mỹ có tín hiệu hạ nhiệt sẽ mang theo kỳ vọng Fed bớt quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất trong năm 2023, qua đó sẽ có tác động đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam.