Khởi nghiệp

Bán tô mì Ramen giá 114.000 đồng, startup gọi vốn 2,5 tỷ từ hai "cá mập"

Startup Seichou Machi Ramen xuất hiện tại Shark Tank Việt Nam mùa 7 với sản phẩm mì ramen thủ công và đông lạnh. Nhà sáng lập Nguyễn Văn Duy, từng có 4 năm kinh nghiệm trong ngành thực phẩm tại Nhật Bản, kêu gọi 2,5 tỷ đồng cho 12,5% cổ phần.

Với mục tiêu địa phương hoá món mì đến từ Nhật Bản, giúp giảm giá thành và đưa mì ramen tiếp cận nhiều người Việt hơn, ông Duy đã quyết định mở cửa hàng mì ramen thủ công tại Hà Nội, sử dụng các loại nông sản Việt để giảm giá thành sản xuất và localize (địa phương hóa) hương vị món ăn cho phù hợp khẩu vị của người bản địa.

Nhà sáng lập Machi Ramen trình bày hai định hướng kinh doanh: chuỗi cửa hàng và mì đông lạnh. Theo đó, mô hình cửa hàng cần 600-800 triệu đồng đầu tư cho diện tích 90m2, phục vụ 45 khách, giá bán 84.000-114.000 đồng/tô, lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng/tháng.

 Seichou Machi Ramen gọi vốn từ Shark Bình và Shark Phi Vân. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Với sản phẩm, mì đông lạnh có giá bán 50.000-55.000 đồng/bát, giá vốn 15.000-17.000 đồng. “Mì Ramen của bọn em là mì tươi được cấp đông, đóng gói và bán. Khi dùng chỉ cần đun lên hoặc rã đông bằng lò vi sóng… So với mì khô thì mì cấp đông có hương vị gần giống mì thủ công phục vụ tại các nhà hàng”, ông Nguyễn Văn Duy chia sẻ.

Về kế hoạch sử dụng vốn, ông Duy dự định dùng 1,5 tỷ đồng mở hai nhà hàng mới, 1 tỷ đồng phát triển sản phẩm đông lạnh. Ngoài ra, Machi Ramen dự kiến kêu gọi thêm 1,5 triệu USD vào năm 2025 từ một doanh nghiệp Nhật Bản.

Khi được Shark Minh Beta đặt câu hỏi lý do lợi nhuận 1,2 tỷ một năm nhưng định giá doanh nghiệp lên đến 20 tỷ đồng, ông Duy giải thích rằng mức định giá này dựa trên doanh thu dự kiến năm 2024 là 4 tỷ đồng, nhân với EV/S trung bình ngành là 5 lần. Lợi nhuận dự kiến tăng 350% vào năm 2025. 

Enterprise Value to Sales ratio (Tỷ lệ Giá trị Doanh nghiệp trên Doanh thu) là một chỉ số tài chính dùng để so sánh giá trị của một công ty với doanh thu của nó. EV/S được sử dụng để đánh giá một công ty đang được định giá cao hay thấp so với doanh thu của nó. Tỷ lệ này thường được so sánh giữa các công ty trong cùng ngành để xác định giá trị tương đối.

Cách lập luận này chưa đủ sức thuyết phục Shark Minh Beta nên ông quyết định không đầu tư. Shark Hưng cũng từ chối thương vụ bởi không có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm đông lạnh đóng gói.

Shark Nguyễn Văn Thái, với thế mạnh bán hàng online và kết nối KOC, đề nghị 2,5 tỷ đồng cho 35% cổ phần mảng sản phẩm đông lạnh. Còng Shark Bình, với kinh nghiệm về thực phẩm cấp đông và hệ sinh thái D2C, đưa ra 2,5 tỷ đồng cho 25% cổ phần.

Shark Phi Vân, với kinh nghiệm phát triển chuỗi và nhượng quyền quốc tế, đề xuất 2,5 tỷ đồng cho 35% cổ phần, hỗ trợ ký hợp đồng nhượng quyền trị giá 500.000 - 1 triệu USD.

Ông Nguyễn Văn Duy đàm phán với Shark Bình giảm xuống 13,5% cổ phần nhưng không thành công. Sau đó, nhà sáng lập Machi Ramen đề nghị Shark Phi Vân và Shark Bình cùng đầu tư. Thỏa thuận cuối cùng là Shark Phi Vân và Shark Bình cùng đầu tư 2,5 tỷ đồng cho 25% cổ phần (mỗi Shark 12,5%). 

Nguyễn Văn Duy cho biết ông có thể chấp nhận con số này với điều kiện có văn bản thỏa thuận rất rõ ràng về KPI, đưa startup ra quốc tế cũng như các vấn đề khác.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm