Chiều 29/7, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM tổ chức họp báo thông tin về điều chỉnh bảng giá đất theo khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, ngày 18/1, Quốc hội thông qua Luật đất đai 2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, ngày 29/6, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Theo đó, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8.
Tại khoản 1, Điều 257, Luật Đất đai 2024 quy định, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2024 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.
Tuy nhiên, bảng giá đất theo quyết định số 02/2020/QĐ-UBND của UBND TPHCM bị khống chế bởi quy định tại điểm 6 phụ lục IX của Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ, quy định về khung giá đất (tối đa 162 triệu đồng/m2) nên phải thực hiện điều chỉnh giảm so với thông tin thị trường đã thu thập được dẫn đến giá đất chưa tiệm cận giá đất thị trường nên cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2024.
Ngoài ra, Luật Đất đai năm 2024 quy định bảng giá đất được áp dụng cho 12 trường hợp (được nêu tại mục phạm vi điều chỉnh của bảng giá đất) để thực hiện các thủ tục hành chính nên có tầm quan trọng đối với đời sống xã hội. Do đó, nếu không triển khai bảng giá đất điều chỉnh để áp dụng trên địa bàn thì dẫn đến ách tắc trong giải ngân đầu tư công và thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và các tổ chức.
Do điều chỉnh về thời gian, công việc rất gấp rút, ngày 3/7, UBND TPHCM có công văn yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng bảng giá đất, tham mưu kế hoạch để thực hiện Điều 257 Luật Đất đai.
So với quy định cũ, toàn bộ nội dung xây dựng bảng giá đất được quy định rõ tại điều 17, Nghị định 71. Bảng giá mới không còn hệ số, chỉ quy định 12 trường hợp chứa đựng trong bảng giá đất.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong về việc, tại sao phải gấp rút xây dựng bảng giá đất mới chỉ trong 9 ngày mà không chờ đến ngày 1/1/2026 mới áp dụng, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, từ ngày 1/8 không còn hệ số K nên phải điều chỉnh bảng giá đất. Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM muốn chờ cũng không thể được, vì quy định từ ngày 1/8 phải có bảng giá tái định cư, nếu không xây dựng thì các dự án đầu tư công sẽ bị đình trệ.
“Đây là quy định pháp luật, không thể nào không thực thi. Bảng giá đất này sẽ được áp dụng đến ngày 31/12/2025. Từ ngày 1/1/2026 sẽ thực hiện việc điều chỉnh theo quy định mà pháp luật cho phép. Có thể đến cuối năm 2024, chúng tôi sẽ sơ kết và đánh giá lại việc tác động của bảng giá đất”, ông Thắng nói.
Trả lời về việc, xác định giá đất trong dự thảo bảng giá đất căn cứ vào đâu, ông Thắng cho biết, dựa trên dữ liệu thị trường và cơ sở giá đất, qua các năm đều có dữ liệu từ Cục thuế TPHCM, Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM. Dự thảo bảng giá này là cập nhật dữ liệu đã được giao dịch trên thực tế và Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM còn cân chỉnh lại, sẽ không làm tăng giá bất động sản.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM khẳng định, thời gian xây dựng bảng giá đất gấp gáp, chỉ thực hiện trong 30 ngày. Các các quận huyện, sở, ban ngành, đơn vị tư vấn làm việc không quản ngày đêm để ra được dự thảo bảng giá đất nhưng không làm sai trình tự vì văn bản được xây dựng theo thủ tục rút gọn.
Tuy nhiên, việc xây dựng bảng giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã làm rất nhiều chứ không phải bây giờ mới bắt tay vào làm với nguyên tắc là từ nhiều nguồn, nhiều khâu, chắt lọc và cập nhập dữ liệu giá đất.
Hôm nay (29/7) là ngày cuối cùng để các đơn vị góp ý cho dự thảo bảng giá đất . Sau khi tổng hợp, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM sẽ trình Hội đồng thẩm định thông qua và UBND TPHCM ban hành bảng giá đất mới.