Phần nói lời sau cùng đầy cảm xúc của ba anh em ông Trịnh Văn Quyết khi nhận thấy những sai lầm của họ đã để lại hậu quả lớn với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Nhiều bị cáo nói lời sau cùng nghẹn ngào và không ít lần cựu chủ tịch Tập đoàn FLC cúi đầu, gạt nước mắt khi nghe những người thân, bạn bè, đồng nghiệp vì “quá tin tưởng” vào thuyền trưởng để rồi phải đứng lên bục khai báo.
Việc đặt niềm tin quá mức cộng với thiếu hiểu biết pháp luật, hạn chế kiến thức trong lĩnh vực kinh tế chứng khoán là bài học mà đa phần những bị cáo nhắc đến khi nói lời sau cùng.
Nhưng ngay cả với những lãnh đạo của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán, có kinh nghiệm lâu năm, vụ án cũng là một bài học đắt giá. Ông Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) nói rằng, “con virus lừa đảo” chui qua các cửa khiến ông phạm tội.
Theo ông Sinh, “con virus lừa đảo” như covid tràn vào làm mất lòng tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Để rồi ông phải ân hận dù từng đứng trong hàng ngũ xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam từ con số 0 đến khi trở thành “thị trường chiếm nhiều % GDP, được các nước Asean ngưỡng mộ, quý trọng”.
“Sự việc xảy ra đó là lỗi lầm của bản thân cá nhân tôi. Tôi thấy rằng vụ án này đẻ ra quá nhiều bài học mà khi tôi đương chức, làm việc suốt một thời gian dài không bao giờ tưởng tượng được nó có những hành vi gian lận lừa đảo rất kinh khủng và có ý đồ rất sâu sắc”, ông Sinh thừa nhận trong lời nói lời sau cùng.
Không chỉ đau xót khi phải đứng trên bục khai báo ở độ tuổi đã cao và mang trong mình nhiều bệnh lý, cựu chủ tịch HOSE bày tỏ tiếc nuối và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho ba cấp dưới khác tại sở này vì đây là những người trẻ, gắn bó lâu năm với thị trường được đào tạo bài bản trong và ngoài nước.
Để xảy ra vụ án này, ông Trần Đắc Sinh lần thứ ba nhắc lại việc đã bị “con virus” chui qua các chốt chặn mà chính ông và các thuộc cấp đã không đủ trình độ để ngăn chặn.
Do đó, cựu chủ tịch HOSE đưa kiến nghị để hoàn thiện chính sách cho thị trường chứng khoán, “để anh em những người kế thừa sau có thể làm việc được, khỏi bị vi phạm pháp luật”.
Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp phải xem xét việc quản lý vốn điều lệ. Thứ hai, các công ty kiểm toán phải có hành lang chặt chẽ hơn để siết chặt, không bị những sai phạm. Thứ ba, các cơ quan thanh tra giám sát như Ủy ban Chứng khoán cũng cần có luật pháp rõ ràng hơn về quản lý, theo dõi các công ty kiểm toán, cũng như phải để cấp phép cho công ty tại chúng. Cuối cùng là hoàn thiện khung khổ pháp lý cho Sở Giao dịch Chứng khoán là có thể thuê một công ty kiểm toán khi cảm thấy nghi ngờ, cái này luật pháp chưa có.
Còn với ông Lê Hải Trà, cựu Phó Tổng Giám đốc thường trực của HOSE, lĩnh vực thị trường chứng khoán là một lĩnh vực phức tạp, trong đó việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của công chúng đầu tư luôn luôn là một yêu cầu tối thượng được đặt ra đối với thể chế cấu trúc của thị trường. Xét một cách tổng thể, hệ thống luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và thị trường chứng khoán có xây dựng hệ thống chốt chặn để bảo vệ cấu trúc đó.
“Có lẽ chính vì tin vào chuỗi chốt chặn như vậy, tôi đã chủ quan tin vào, thiếu tính cẩn trọng cần thiết để xảy ra vụ việc như chúng ta đã thấy như phiên tòa ngày hôm nay”, ông Trà nói về bài học đắt giá dù cho rằng bản thân đã được trao nhiều cơ hội, có nhiều nỗ lực làm việc, học tập trong và ngoài nước.
“Việc tham gia vào quá trình phát triển HOSE và chứng kiến thành quả đạt được càng thấy sự lớn mạnh của HOSE tôi cảm thấy xót xa và hối tiếc về những gì đã xảy ra trong vụ án này. Không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín mà HOSE đã dày công gây dựng trong suốt 25 năm qua mà cũng lấy đi của tôi khát vọng được cùng HOSE chinh phục đỉnh cao tiếp theo trong sự nghiệp của mình”.
Giống như ông Sinh, ở góc độ của một người gắn bó lâu năm với chứng khoán Việt Nam, từ lúc chuẩn bị triển khai hệ thống giao dịch đầu tiên, cho đến khi HOSE trở thành địa chỉ lựa chọn của hàng trăm doanh nghiệp đại diện cho nền kinh tế Việt Nam, ông Lê Hải Trà cho thấy việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là cần thiết.
Theo đó, hành lang pháp lý sớm hoàn thiện sẽ giúp người làm công tác quản lý vận hành thị trường chứng khoán cũng như người làm chứng khoán nói chung giảm thiểu rủi ro không đáng có khi tham gia vào thị trường.
C – Trầm Tuấn Vũ, cho biết “cống hiến cả tuổi thanh xuân” cho thị trường chứng khoán cũng coi vụ án là bài học đắt giá cho bản thân.
Để xảy ra vụ việc, ông Vũ nói trong lời sau cùng: “nguyên nhân xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ cũng như chưa có nhiều kinh nghiệm, và không có nhiều kiến thức chuyên môn trong quá trình kiểm toán để từ đó phát hiện ra được những sai phạm, gian dối trong bộ hồ sơ niêm yết của công ty Faros”.
Nhưng dù lý do nào, có thể sai phạm xuất phát từ hệ thống, cá nhân hay một hoàn cảnh nào khác, những cựu lãnh đạo cơ quan quản lý chứng khoán cho biết vẫn mong muốn được tiếp tục cống hiến những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy để phát triển thị trường. Đó là lý do các bị cáo này đều kiến nghị HĐXX xem xét công tội, lượng hình nhẹ để đưa ra một bản án nhân văn.
Sau phiên tranh luận, Viện kiểm sát đề nghị giảm mức án đề nghị với ông Trần Đắc Sinh từ 8 – 9 năm tù xuống còn 7 – 8 năm tù. Ông Lê Hải Trà và ông Trầm Tuấn Vũ bị giữ nguyên mức án đề nghị 6 – 7 năm tù. Bản án chính thức sẽ được Tòa tuyên vào ngày 5/8 tới đây.