Tài chính

Áp lực vẫn "đè nặng" lên giá vàng?

Theo dữ liệu mới nhất từ Cục Dự trữ Liên bang New York, thị trường vàng đang bắt đầu tuần mới với đà ổn định. Ông Richard Deitz, Cố vấn nghiên cứu kinh tế tại FED New York bày tỏ sự lạc quan về triển vọng thị trường vàng tháng 6 trong bối cảnh việc làm tiếp tục bị thu hẹp và kế hoạch chi tiêu vẫn không thay đổi.

Áp lực vẫn

Giá vàng biến động mạnh trong thời gian gần đây (Ảnh minh họa: KT)

Mức tăng giá của vàng bị giới hạn quanh 2.345 USD/ounce?

Theo Kitco News, dữ liệu kinh tế mới nhất không tác động đáng kể đến giá vàng. Giá vàng vẫn bị giới hạn trong phạm vi giao dịch quen thuộc trên mốc 2.300 USD/ounce. Cụ thể, giá vàng tương lai tháng 8 được giao dịch ở mức 2.333,30 USD/ounce. Các nhà phân tích cho rằng vàng cần phải chứng kiến một lực đẩy vững chắc trên mức 2.350 USD/ounce trước khi tâm lý trung lập của thị trường bắt đầu thay đổi.

Giới phân tích thị trường cho rằng, mức tăng giá của vàng bị giới hạn quanh 2.345 USD/ounce. Trong ngắn hạn, giá vàng có thể ở ngưỡng 2.300 USD/ounce, hoặc cũng có thể rơi về mức rào cản tâm lý 2.250 USD/ounce.

Sự phục hồi của giá vàng sẽ hướng đến mức kháng cự 2.345 USD/ounce và tiến tới mức cao nhất được thiết lập ngày 24/5 là 2.364 USD/ounce, tiệp cận mức cao nhất ngày 7/6 là 2.388 USD/ounce.

Phân tích trên FXStreet cho thấy, giá vàng đã theo sát diễn biến của lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ từ đầu tuần đến nay, tạm dừng mức giảm trước đó trong bối cảnh lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm nhẹ.

Ngoài ra, nếu đồng đô la Mỹ phục hồi nhờ dữ liệu doanh số bán lẻ mạnh mẽ hoặc những nhận xét diều hâu từ các nhà hoạch định chính sách của FED, giá vàng có thể phải chịu áp lực bán mới.

Trong khi đó, một số quan chức của FED cho rằng, bất kỳ tín hiệu nào về lạm phát hoặc đẩy lùi việc cắt giảm lãi suất sẽ tiếp thêm sức mạnh mới cho đồng đô la Mỹ trước sự thiệt hại của giá vàng.

Áp lực vẫn

Vàng được xem là tài sản trú ẩn an toàn, đặc biệt là trong bối cảnh biến động về địa chính trị. (Ảnh minh họa: KT)

Dự trữ vàng dự kiến sẽ tăng trong năm tới

Theo dữ liệu mới do Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố ngày 19/6, hơn 4/5 số người tham gia khảo sát của các Ngân hàng trung ương cho biết họ kỳ vọng các nhà quản lý sẽ tiếp tục tăng lượng vàng dự trữ trong 12 tháng tới. Đây là mức cao nhất được ghi nhận kể từ khi bắt đầu tiến hành cuộc khảo sát hàng năm.

Cuộc khảo sát Dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương (CBGR) năm 2024 đã thu thập dữ liệu từ 70 ngân hàng trung ương trên thế giới, và gần 30% các ngân hàng trung ương có kế hoạch tăng lượng vàng dự trữ trong năm tới. Mặc dù giá vàng đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024 và khối ngân hàng trung ương liên tiếp mua vào trong hai năm qua, vàng vẫn được xem là tài sản dự trữ được ưa chuộng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.

Theo báo cáo của WGC, các nhà quản lý dự trữ cho biết họ tìm đến vàng để giảm thiểu rủi ro và đối phó với những bất ổn chính trị và kinh tế trong tương lai trên toàn cầu. Mặc dù 7 trên 10 nhà quản lý (chiếm 71%) vẫn xem tính kế thừa của vàng như một lý do để nắm giữ nhưng năm nay đã có những lý do khác chiếm ưu thế hơn. Ba lý do hàng đầu để nắm giữ vàng hiện nay gồm giá trị trong dài hạn của vàng (chiếm 88%), hiệu suất trong thời kỳ khủng hoảng (chiếm 82%) và vai trò của vàng như một công cụ hiệu quả giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư (chiếm 76%).

Các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDE) duy trì triển vọng tích cực về tỷ trọng tương lai của vàng trong danh mục dự trữ. Đáng chú ý, quan điểm này nhận được sự đồng tình của các ngân hàng trung ương có nền kinh tế phát triển hiện có cái nhìn tích cực hơn về vàng: Hơn một nửa (57%) nhóm ngân hàng này cho biết vàng sẽ chiếm tỷ trọng dự trữ cao hơn trong 5 năm tới, tăng đáng kể so với năm 2023 (khi 38% số người được hỏi có cùng quan điểm).

Các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế phát triển cũng trở nên bi quan hơn trong việc đánh giá về tỷ trọng của đồng đô la Mỹ trong dự trữ toàn cầu, dù quan điểm này thường phổ biến hơn ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi. Hơn một nửa (56%) người đại diện cho các nền kinh tế phát triển tin rằng tỷ trọng của đồng đô la Mỹ trong dự trữ toàn cầu sẽ giảm (tăng 10 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước), trong khi 64% người đại diện cho EMDE có cùng quan điểm.

Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới cho rằng: Áp lực thị trường bất thường, sự bất ổn kinh tế chưa từng có và những biến động chính trị trên khắp thế giới đã khiến vàng luôn nằm trong tâm trí của các ngân hàng trung ương. Phần nhiều trong số các tổ chức này đã nhận thức rõ hơn về giá trị của vàng như một cách để quản lý rủi ro và đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Đáng chú ý, ông Shaokai Fan cho biết, mặc dù nhu cầu cao kỷ lục được ghi nhận từ các ngân hàng trung ương trong hai năm qua cùng với giá vàng tiếp tục leo thang, nhiều nhà quản lý dự trữ vẫn duy trì sự hào hứng với vàng. Trong khi những yếu tố ảnh hưởng như giá cả có thể tạm thời làm chậm hoạt động mua vào trong thời gian tới thì xu hướng rộng hơn vẫn tồn tại khi các nhà quản lý nhận ra vai trò của vàng như một tài sản chiến lược trong bối cảnh bất ổn đang diễn ra.



Cùng chuyên mục

Đọc thêm