Xã hội

8 năm thực hiện chủ trương cấm xe máy ở Hà Nội

Ngày 12/7, trong Chỉ thị 20 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, bảo đảm đến ngày 1/7/2026 không còn xe môtô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong vành đai 1.

Từ ngày 1/1/2028, ngoài cấm xe môtô, xe gắn máy chạy xăng dầu, ôtô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng bị hạn chế trong vành đai 1 và 2; đến năm 2030 áp dụng với toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi vành đai 3.

Phương tiện xe máy chạy xăng lưu thông trên phố Hàng Đào (trong vành đai 1). (Ảnh: Giang Huy).

Thực tế từ năm 2017, trước vấn nạn ô nhiễm không khí và ùn tắc giao thông, Hà Nội đã đặt ra lộ trình từng bước hạn chế hoạt động của xe máy ở một số khu vực và dừng hoạt động xe máy ở các quận cũ vào năm 2030 (Nghị quyết số 04 được HĐND TP Hà Nội thông qua ngày 4/7/2017).

Thực hiện Nghị quyết, thành phố đã giao các đơn vị chuyên môn xây dựng đề án liên quan. Trong đó có đề án "Phân vùng hạn chế xe máy, năng lực phục vụ của hệ thống vận tải công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030" do Sở Giao thông Vận tải (nay là Sở Xây dựng) và Viện chiến lược phát triển giao thông (Bộ Xây dựng) thực hiện.

Đề án đưa ra hai phương án phân vùng hạn chế xe máy. Thứ nhất là hạn chế xe máy theo quận (12 quận và 5 huyện chuẩn bị lên quận). Tuy nhiên, phương án này được cho có nhiều hạn chế, như: công tác tổ chức giao thông sẽ khó khăn vì không có vành đai kỹ thuật đảm bảo đủ điều kiện; khó xây dựng bãi đỗ xe, điểm trung chuyển để kết nối.

Phương án thứ hai là hạn chế xe máy theo vành đai. Viện Chiến lược giao thông cho hay trong 5 vành đai được Hà Nội xây dựng đến năm 2030, vành đai 3 đạt đầy đủ chỉ tiêu để hạn chế xe máy do là vành đai khép kín, mặt cắt ngang rộng, quy mô 8-10 làn xe, trên tuyến có một số đoạn cao tốc đô thị đảm bảo khả năng phân luồng lưu thông. Vành đai 3 có quỹ đất dự phòng lớn, thuận tiện xây dựng điểm đỗ xe, điểm trung chuyển, trạm dừng nghỉ hơn vành đai 2 vốn đã chật chội.

Ô nhiễm không khí ở khu vực Trung Hòa hồi đầu năm 2025. (Ảnh: Thanh Hải).

Trong những năm đầu thực hiện chủ trương hạn chế tiến tới cấm xe máy, lãnh đạo thành phố và Sở Giao thông Vận tải đều bày tỏ quyết tâm hoàn thành mục tiêu này trước năm 2030. Nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện tại cuộc làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội ngày 9/3/2019 nêu quan điểm "cấm được xe máy càng sớm càng tốt".

Hai tháng sau, phát biểu trong hội nghị đối thoại với công nhân, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung nói "nếu điều kiện phát triển giao thông công cộng tốt lên, thành phố có thể đẩy nhanh tiến độ cấm xe máy trước năm 2030".

Quyết tâm của lãnh đạo thành phố vẫn chưa thể thúc đẩy được chính sách. Cuối năm 2021, UBND TP Hà Nội gửi HĐND cùng cấp tờ trình về Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2021-2025. Theo đó, những năm tới thành phố tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thủ tục để phê duyệt đề án về phân vùng hạn chế hoạt động xe máy và tiến tới dừng hoạt động loại phương tiện này tại các quận. Nhưng đề án sau đó không được trình ra kỳ họp của HĐND thành phố.

Tới tháng 8/2024, trong báo cáo thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Sở Giao thông Vận tải thừa nhận còn một số nội dung chưa hoàn thành đúng thời hạn, như "Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận năm 2030".

Sở giải thích lý do: "Đây là nội dung khó, nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến người dân, do vậy Sở cần phải rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện tác động của Đề án đến xã hội, người dân, thận trọng đề xuất các phương án, giải pháp đảm bảo chặt chẽ các điều kiện về pháp lý theo quy định pháp luật vào thời điểm phù hợp".

Trong danh mục nội dung thực hiện về kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2025 do UBND báo cáo HĐND thành phố vào tháng 8/2024, Đề án phân vùng hoạt động của xe máy còn được ghi "xin dừng thực hiện".

Các vành đai 1, 2, 3 của Hà Nội. (Đồ họa: Hoàng Khánh).

Đến năm 2025, trong bối cảnh xe điện đã phát triển mạnh, ngày 9/6 tại buổi làm việc với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Chủ tịch thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định Hà Nội kiên định với chủ trương đã được HĐND thông qua từ năm 2017 về quản lý phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Hà Nội sẽ giữ nguyên lộ trình hạn chế xe máy tại các quận vào năm 2030, đồng thời từng bước chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện.

"Chủ trương này đã ban hành cách đây hơn 7 năm nên không có gì bất ngờ với doanh nghiệp hay người dân. Thành phố quyết tâm thực hiện lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch", ông nói.

Để thực hiện mục tiêu, Hà Nội sẽ có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi, đầu tư hệ thống trạm sạc, nâng tiêu chuẩn an toàn tại các khu vực sạc tập trung, đồng thời phát triển mạnh vận tải công cộng. Thành phố đặt mục tiêu chậm nhất đến năm 2030 sẽ chuyển toàn bộ xe buýt sang năng lượng sạch và đến năm 2035 hoàn thành 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài hơn 400 km.

Ông Trần Sỹ Thanh giao Sở Xây dựng làm đầu mối phối hợp với các bên liên quan xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. "Các doanh nghiệp sản xuất xe máy đã có mặt tại Việt Nam nhiều thập kỷ, vì vậy nên cùng thành phố hỗ trợ người dân chuyển đổi sang phương tiện xanh, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, xanh sạch hơn", ông nói.

(Nguồn: VnExpress).

Thống kê của Sở Giao thông Vận tải, đến hết năm 2024 Hà Nội có trên 9,2 triệu phương tiện các loại đang hoạt động trên địa bàn (chưa bao gồm xe của cơ quan trung ương). Trong đó thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện, gồm 1,1 triệu ôtô và trên 6,9 triệu xe máy. Ngoài ra, còn có khoảng 1,2 triệu ôtô, xe máy cá nhân từ các tỉnh, thành phố khác lưu thông trên địa bàn.

Tốc độ gia tăng phương tiện của Hà Nội nói chung khoảng 4-5%/năm, gấp từ 11 đến 17 lần tốc độ mở rộng đường sá. Đặc biệt, ôtô cá nhân đang tăng khoảng 10%/năm, cao gấp hơn 30 lần tốc độ gia tăng đất dành cho giao thông. Hoạt động giao thông, với lượng phương tiện chạy bằng xăng dầu lớn, là một trong 5 nguồn gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội.

Các tin khác

Xe máy xăng sắp rút khỏi Vành đai 1: Người dân được hỗ trợ gì?

Từ tháng 7/2026, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe máy chạy xăng dầu - PV) sẽ bị cấm lưu thông trong khu vực vành đai 1 Hà Nội. Người dân được hỗ trợ gì để không bị động trước bài toán an sinh, chi phí chuyển đổi phương tiện bởi sự thay đổi này?

Cấm xe máy xăng, Hà Nội giải 2 bài toán khó

Theo yêu cầu của Thủ tướng, Hà Nội sẽ phải cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 từ tháng 7.2026. Lộ trình từ tháng 1.2028 sẽ hạn chế cả xe máy và ô tô chạy xăng dầu trong Vành đai 1 và 2.

Tìm đường "cứu" vải, mận

Dù được đánh giá là những loại trái cây có tiềm năng, giá trị cao nhưng tỷ lệ chế biến ở mức thấp nên mùa vải, mùa mận năm nay ở các tỉnh miền Bắc 'kém vui' khi lặp lại câu chuyện 'được mùa mất giá'.

Bắt giang hồ mạng Tiến "bịp"

Tiến 'bịp' và đồng phạm bị bắt tạm giam ở Hải Phòng vì tổ chức sử dụng ma túy. Vụ án đang được Công an TP.Hải Phòng điều tra mở rộng.

Quản thị trường vàng sau khi bỏ độc quyền

Bộ Tư pháp mới đây công bố bảng tổng hợp ý kiến từ nhiều cơ quan ban ngành, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng. Ngoài bỏ độc quyền vàng miếng, nhiều kiến nghị bổ sung về quản lý vàng được đưa ra như quản lý số sê-ri vàng, thanh toán không tiền mặt từ 20 triệu đồng…