Doanh nghiệp

Tìm đường "cứu" vải, mận

Nhiều năm phụ thuộc bán tươi

Mùa mận năm nay gia đình ông Hoàng Văn Hòa (xã Vân Hồ, tỉnh Sơn La) coi như "lấy công làm lãi". Vườn có 150 gốc mận, ông Hòa đầu tư gần 40 triệu đồng tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công… Sau khi bán xong gần 10 tấn mận, giá từ 4.000 - 6.000 đồng/kg, tiền lãi thu về không được bao nhiêu.

Tìm đường 'cứu' vải, mận- Ảnh 1.

Mận Vân Hồ được mùa, có thời điểm giá xuống 4.000 đồng/kg

Ảnh: Phan Hậu

Theo ông Hòa, mận năm nay được mùa, sản lượng cao gấp 2 - 3 lần so với năm 2024 nhưng cả bản chẳng hộ nào vui vì giá quá rẻ, nhiều vườn bị lỗ vốn. 

Để hỗ trợ người dân, một tổ chức quốc tế đã tặng bà con dây chuyền sấy mận. Công suất mỗi mẻ sấy chỉ được 300 kg/ngày/đêm, không đủ "giải quyết" hết số mận tươi nên các nhà vườn chỉ ngóng thương lái đến thu mua, chấp nhận bán giá thấp để gỡ vốn.

Khảo sát tại tỉnh Sơn La cho thấy, quả mận được nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến thành các sản phẩm: mứt, ô mai, rượu, nước hoa quả… Nhưng theo ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19.5 (P.Mộc Châu), so với sản lượng quả tươi thì tỷ lệ chế biến rất thấp.

Dù có nhà xưởng rộng gần 4.000 m2 nhưng HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19.5 chỉ tiêu thụ khoảng hơn 700 tấn quả tươi (khoảng 40 - 50% chế biến). Để chia sẻ với bà con, đơn vị này thu mua mận tươi giá 5.000 - 8.000 đồng/kg,đảm bảo cho người trồng mận có chút lãi nhưng chỉ bao tiêu sản lượng cho gần 30 ha.

Giống quả mận Sơn La, mùa vải ở Bắc Ninh năm nay cũng lâm cảnh "được mùa mất giá". Đầu vụ, giá vải hơn 30.000 đồng/kg, nhưng từ ngày 25.6 đến nay giảm chỉ còn 11.000 - 22.000 đồng/kg, có loại xuống 7.000 đồng/kg. Đến hết ngày 4.7 vừa qua, Bắc Ninh tiêu thụ được trên 168.000 tấn, trong đó gần 60% tiêu thụ trong nước, còn lại là xuất khẩu.

Chia sẻ với Thanh Niên, anh Lê Quang Dũng (trú tại P.Phượng Sơn, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, nhiều năm nay, người dân trồng vải phụ thuộc vào thương lái thu mua vải tươi. Bình thường những năm trước, người dân đi bán vải lúc 4 - 5 giờ sáng. Nhưng năm nay sản lượng vải nhiều và chín rộ nên để bán được vải tươi, nhiều người phải đi từ 11 - 12 giờ đêm hôm trước xếp hàng chờ vào điểm cân.

Cũng theo anh Dũng, có thời điểm, giá vải giảm còn 7.000 - 10.000 đồng/kg, nếu nhà vườn phải thuê nhân công bẻ vải giá 50.000 đồng/tiếng thì sẽ lỗ vốn. Nhưng khi vải chín rộ, không thu hoạch mà để trên cây 1 - 2 ngày là quả bị xuống mã và giải pháp đưa vào chế biến vải sấy là phù hợp để giảm áp lực bán tươi, chủ động thời gian thu hoạch. Năm nay, gia đình anh Dũng đầu tư xây lò sấy khoảng 40 triệu đồng, công suất mỗi lần sấy khoảng 3 - 4 tấn, đáp ứng sấy vải cho 3 - 4 hộ gia đình lân cận.

"Các hộ gia đình, HTX hiện nay chủ yếu là chế biến vải sấy khô. Giá bán trong mùa vụ từ 30.000 - 45.000 đồng/kg, cuối vụ giá sẽ cao hơn và thị trường tiêu thụ rất ổn định, thương lái thu mua nhiều. Đặc biệt, với những hộ gia đình chủ động đầu tư thiết kế bao bì, đóng gói bán lẻ, giá vải sấy loại "có bảo hành chất lượng" lên tới 95.000 đồng/kg", anh Dũng chia sẻ.

Thu hút đầu tư, đa dạng công nghệ chế biến

Ông Nguyễn Xuân Đức, Phó giám đốc Công ty Vifoco, đại diện doanh nghiệp nhiều năm chế biến vải thiều đóng lon, đông lạnh xuất khẩu, cho biết với công suất nhà máy hiện tại, mỗi năm doanh nghiệp này thu mua 1.200 - 1.500 tấn vải tươi để xuất khẩu và đưa vào chế biến. 

Vải đóng lon đang được xuất khẩu đến thị trường châu Âu. Ngoài ra, thị trường trong nước có nhu cầu lớn đối với vải chế biến, đặc biệt là ngành đồ uống rất ưa chuộng sản phẩm dạng puree (nghiền nhuyễn) dùng làm nguyên liệu chế biến thành nhiều món khác nhau.

Tìm đường 'cứu' vải, mận- Ảnh 2.

Tỷ lệ chế biến vải rất thấp, phần lớn sản lượng vẫn phụ thuộc bán tươi

Ảnh: VIFOCO

Tuy nhiên, lý giải vì sao nhiều năm nay quả vải chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp chế biến, ông Đức cho rằng, mùa vụ vải ngắn, chỉ kéo dài khoảng hơn 1 tháng nếu không có thị trường tiêu thụ ổn định thì doanh nghiệp rất rụt rè đầu tư.

"Công nghệ chế hiện nay không thiếu nhưng vấn đề đặt ra là phải đồng bộ từ trồng trọt, phải tạo thành những nông trại lớn, còn hiện tại chỉ là các HTX nên quy trình kiểm soát không thống nhất, nguyên liệu không đồng đều, thu hoạch nhỏ lẻ…, rất khó để doanh nghiệp đầu tư", ông Đức nói.

Ông Mai Đức Thịnh cho rằng, để phát triển công nghiệp chế biến trái cây ngắn ngày như mận, vải…, các địa phương cần tập trung nguồn lực hỗ trợ những đơn vị trọng điểm, nâng cấp dây chuyền công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Thực tế vài năm trở lại đây, thị trường sản phẩm chế biến rất lộn xộn, cơ sở chế biến nhỏ lẻ sử dụng bao bì, tem nhãn "nhái" các thương hiệu uy tín, cạnh tranh không lành mạnh khiến sản phẩm chế biến "dễ mang tiếng" chưa hấp dẫn, ấn tượng với người tiêu dùng.

Theo ông Thịnh, ứng dụng công nghệ chế biến của Pháp, HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19.5 đã chào hàng thành công mận chế biến đến thị trường Nga, Mỹ, Đức… và đang tiếp tục đầu tư nâng công suất, xuất khẩu chính ngạch đến các thị trường nói trên.

Ông La Văn Nam, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Ninh, khẳng định chế biến là giải pháp vô cùng quan trọng để giảm sức ép tiêu thụ quả tươi thời điểm chính vụ, nâng cao giá trị quả vải. Thế nhưng nhiều năm nay, Bắc Ninh chỉ có 3 doanh nghiệp chế biến vải thành các sản phẩm: cùi vải đông lạnh, vải tách hạt đóng lon, đóng hộp; các sản phẩm đồ uống từ vải… Song tổng sản lượng chế biến mỗi vụ chỉ đạt vài nghìn tấn, ngoài ra còn có các cơ sở sấy vải thủ công được UBND tỉnh Bắc Giang trước đây hỗ trợ từ năm có dịch Covid-19.

Để nâng cao tỷ lệ chế biến vải, ông Nam cho hay, UBND tỉnh Bắc Giang trước đây tích cực vận động, mời gọi doanh nghiệp nhưng thực tế gặp nhiều khó khăn nếu dây chuyền công nghệ không tích hợp nhiều loại nguyên liệu rau quả, trái cây khác để duy trì sản xuất quanh năm. 

Vừa qua, khi sáp nhập vào tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn tiếp tục giao Sở Công thương thúc đẩy nhiệm vụ này và thực tế đã có những tín hiệu tích cực. Hiện nay, ngoài quả vải, địa bàn các huyện Lục Ngạn, Lục Nam trước đây đều là vùng sản xuất lớn nhiều loại trái cây như: cam, bưởi, ổi, táo, nhãn… cung cấp nguồn nguyên liệu đa dạng cho chế biến.

"Không chỉ quả vải, chúng tôi sẽ tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến nhiều loại rau quả và hiện có một số doanh nghiệp lớn đã liên hệ, lên kế hoạch khảo sát chuẩn bị lập dự án. Từ kinh nghiệm xúc tiến tiêu thụ thành công quả tươi trước đây, Bắc Ninh sẽ xây dựng thị trường tiêu thụ, thương hiệu cho các sản phẩm chế biến", ông Nam nói.

Các tin khác

Xe máy xăng sắp rút khỏi Vành đai 1: Người dân được hỗ trợ gì?

Từ tháng 7/2026, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe máy chạy xăng dầu - PV) sẽ bị cấm lưu thông trong khu vực vành đai 1 Hà Nội. Người dân được hỗ trợ gì để không bị động trước bài toán an sinh, chi phí chuyển đổi phương tiện bởi sự thay đổi này?

Bắt giang hồ mạng Tiến "bịp"

Tiến 'bịp' và đồng phạm bị bắt tạm giam ở Hải Phòng vì tổ chức sử dụng ma túy. Vụ án đang được Công an TP.Hải Phòng điều tra mở rộng.

Quản thị trường vàng sau khi bỏ độc quyền

Bộ Tư pháp mới đây công bố bảng tổng hợp ý kiến từ nhiều cơ quan ban ngành, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng. Ngoài bỏ độc quyền vàng miếng, nhiều kiến nghị bổ sung về quản lý vàng được đưa ra như quản lý số sê-ri vàng, thanh toán không tiền mặt từ 20 triệu đồng…

7 giải pháp tự nhiên giúp loại bỏ sỏi thận

Sỏi thận có thể gây ra những cơn đau dữ dội và làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày. Một số giải pháp tự nhiên có thể giúp làm tan và đào thải những viên sỏi nhỏ, đồng thời ngăn ngừa những sỏi mới hình thành.