Xã hội

CSGT quản lý sát hạch bằng lái xe: Vì sao nhiều người thi rớt?

Đây là số liệu thống kê của Cục CSGT (C08, Bộ Công an) sau hơn 4 tháng tiếp nhận nhiệm vụ quản lý sát hạch bằng lái xe.

Thí sinh quên bài

Anh Liêu Hữu Tài (ngụ TP.HCM) thi tốt nghiệp bằng lái xe hạng B ngày 21.6 vừa qua và vừa nhận lịch thi sát hạch vào ngày 26.7 tới đây. Theo quy định, anh Tài thuộc nhóm thí sinh phải thi bộ đề mới do Cục CSGT ban hành. Học đề cũ, thi đề mới, trung tâm không tổ chức ôn tập lại nên anh phải tự học.

CSGT quản lý sát hạch bằng lái xe: Vì sao nhiều người thi rớt? - Ảnh 1.

Một thí sinh thi sát hạch bằng lái xe do CSGT tổ chức

Ảnh: Vũ Phượng

"Khi học, thầy dạy bộ đề cũ, có chỉ một số mẹo làm bài. Còn đề mới thay đổi nhiều, câu hỏi có thể ứng dụng nhiều vào thực tế hơn, không học mẹo được nên tôi phải tự hệ thống lại kiến thức cho dễ nhớ. Nhưng học cả 2 bộ đề, một số thay đổi về phân hạng bằng lái xe dễ nhầm lẫn", anh nói.

Còn anh H.A (ngụ TP.HCM) thi rớt phần lý thuyết bằng lái hạng C tại Trung tâm sát hạch lái xe Củ Chi trong tháng 6 vừa qua với kết quả 38/40, nhưng sai câu điểm liệt.

Ông Võ Thế Hùng, giáo viên dạy lái Trường Trung cấp nghề nghiệp Bình Dương, nhận xét tỷ lệ thi rớt bằng lái xe từ khi CSGT tiếp nhận không chênh lệch quá nhiều so với trước đây. Cán bộ giám sát, chấm thi không can thiệp được vì tất cả đều do máy chấm, nếu học viên và trường dạy lái làm đúng theo chương trình đào tạo thì thí sinh khó thi rớt.

Với kinh nghiệm 20 năm dạy lái, ông Hùng cho rằng khi CSGT giám sát, một phần thí sinh bị yếu tố tâm lý, lúng túng khi xử lý tình huống. Bên cạnh đó, chờ đợi lịch thi quá lâu khiến thí sinh quên bài.

"Trước đây, đào tạo xong học viên thi tốt nghiệp, 1 - 3 tuần sau là thi sát hạch. Lúc này, thí sinh còn đang nhớ bài và đang sốt sắng vì hai kỳ thi với các nội dung giống nhau, tổ chức liên tiếp. Còn giờ có những thí sinh phải đợi hơn nửa năm vẫn chưa được thi, kiến thức gần như quên sạch", ông Hùng dẫn chứng.

Hiện nay, nhiều thí sinh tốt nghiệp đào tạo bằng lái xe từ tháng 12.2024 nhưng chưa có lịch thi sát hạch. Cả nước có hơn 700.000 người chờ thi sát hạch, trong khi số thí sinh tốt nghiệp mỗi ngày một tăng. Các trường dạy lái kiến nghị cơ quan chức năng sớm gỡ vướng, cấp bách giải quyết hồ sơ chờ thi.

Dù vậy, ông Hùng đánh giá, bộ 600 câu hỏi thi lý thuyết do Cục CSGT ban hành để thi bằng lái xe sát với thực tế hơn, câu điểm liệt đúng là câu hỏi về xử lý tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng, tránh học mẹo, học tủ, qua đó nâng cao chất lượng người lái xe.

Trên mạng xã hội, một số thầy dạy lái chia sẻ các mẹo làm bài thi lý thuyết sát hạch, các clip thu hút đông đảo lượt xem. Tuy nhiên, nhiều thầy "bó tay", khẳng định thí sinh sẽ "bao rớt" khi học mẹo nếu các bộ đề của Cục CSGT đảo đáp án.

Giải mã lý do tỷ lệ rớt cao

Ông Nguyễn Minh Anh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp lái xe Hóc Môn (TP.HCM), cho biết thi sát hạch bằng lái ô tô, thí sinh phải trải qua các phần thi gồm: lý thuyết, mô phỏng, sa hình, đường trường. Thi rớt nội dung nào thì thí sinh vẫn được tiếp tục thi tiếp các nội dung còn lại, không phải đi về như trước đây. Do vậy, tỷ lệ đỗ toàn phần thấp hơn. Ông nhận xét thêm: "Tỷ lệ đỗ, rớt hiện nay không so sánh được với trước kia vì cách thi đã khác, công thức tính khác. Còn về tâm lý thì tùy mỗi thí sinh, có thể vì hồi hộp, thấy CSGT nên một số người căng thẳng".

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Gia Nguyễn, cho hay tỷ lệ đỗ sát hạch ngay lần đầu tại trung tâm dao động 56 - 60%. Số liệu này không thay đổi nhiều so với khi Sở GTVT (nay là Sở Xây dựng) phụ trách sát hạch.

Bà Hằng dẫn chứng: "Trước kia, tỷ lệ thi đỗ lần đầu tại trung tâm từ 62 - 65%, nay thấp hơn đôi chút. Nguyên nhân là thí sinh thi rớt lý thuyết vẫn được thi thực hành, thi rớt 2 - 3 nội dung vẫn được thi phần còn lại nên tỷ lệ rớt cộng lại sẽ cao hơn. Trong đó, nhiều thí sinh rớt phần thi sa hình vì khi thi bị tâm lý, không tự tin thực hiện thao tác như khi ôn luyện".

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ở phần sa hình, có những thí sinh bị rớt khi chưa thực hiện hết bài thi hoặc ngay từ vạch xuất phát vì không thực hiện đúng các thao tác theo quy định.

Đại diện Cục CSGT cho biết từ khi CSGT tiếp nhận nhiệm vụ sát hạch lái xe đến nay, cả nước ghi nhận có 165.612/ 237.211 thí sinh thi đỗ sát hạch bằng lái xe máy (khoảng 70%), 111.481/ 230.133 thi đỗ sát hạch bằng lái ô tô (48,4 %). Sự đổi mới ở cách thi, bộ câu hỏi lý thuyết khiến thí sinh phải thay đổi hoàn toàn cách học truyền thống. 

Các tin khác

Xe máy xăng sắp rút khỏi Vành đai 1: Người dân được hỗ trợ gì?

Từ tháng 7/2026, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe máy chạy xăng dầu - PV) sẽ bị cấm lưu thông trong khu vực vành đai 1 Hà Nội. Người dân được hỗ trợ gì để không bị động trước bài toán an sinh, chi phí chuyển đổi phương tiện bởi sự thay đổi này?

Bắt giang hồ mạng Tiến "bịp"

Tiến 'bịp' và đồng phạm bị bắt tạm giam ở Hải Phòng vì tổ chức sử dụng ma túy. Vụ án đang được Công an TP.Hải Phòng điều tra mở rộng.

Quản thị trường vàng sau khi bỏ độc quyền

Bộ Tư pháp mới đây công bố bảng tổng hợp ý kiến từ nhiều cơ quan ban ngành, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng. Ngoài bỏ độc quyền vàng miếng, nhiều kiến nghị bổ sung về quản lý vàng được đưa ra như quản lý số sê-ri vàng, thanh toán không tiền mặt từ 20 triệu đồng…

7 giải pháp tự nhiên giúp loại bỏ sỏi thận

Sỏi thận có thể gây ra những cơn đau dữ dội và làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày. Một số giải pháp tự nhiên có thể giúp làm tan và đào thải những viên sỏi nhỏ, đồng thời ngăn ngừa những sỏi mới hình thành.

Những dự án khu dân cư không một bóng người

Hàng loạt khu dân cư ở phường Chánh Phú Hòa (TP.HCM) được xây dựng hạ tầng khi chưa đủ điều kiện pháp lý rồi bán đất nền từ nhiều năm nay, nhưng hiện vẫn không có một bóng người ở, có khu làm chỗ thả bò.