Giữa vô vàn quảng cáo về các loại “thần dược” trên mạng và qua mách bảo của người quen, một số người cao tuổi vô tình trở thành nạn nhân của những cái bẫy nguy hiểm. Lời hứa hẹn “chữa khỏi nhanh chóng” chỉ bằng vài viên thuốc đã khiến họ đặt trọn niềm tin, bất chấp cảnh báo từ con cái và bác sĩ. Hậu quả là không ít trường hợp rơi vào tình trạng tiền mất, tật mang, thậm chí đe dọa tới tính mạng.
Báo VietNamNet đăng tải loạt bài: Con cái bất lực vì bố mẹ già mắc bẫy "thần dược", phản ánh thực trạng đáng lo ngại trên.
Bài 1: Bố mẹ chi 20-25 triệu ‘chữa bệnh’ trên mạng mỗi tháng, con bất lực khuyên can
Từ những cơn đau nhức tuổi già tới ngồi xe lăn
Mười năm trước, bà N.T.T (69 tuổi, Lâm Đồng) bắt đầu cảm nhận được những cơn đau nhức ở đầu gối. Ban đầu, bà nghĩ đó chỉ là dấu hiệu bình thường của tuổi tác. Nhưng theo thời gian, cơn đau trở nên dữ dội hơn, đặc biệt khi trời lạnh hay thời tiết thay đổi.
Sau thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bà T. bị thoái hóa khớp gối. Lẽ ra, bà có thể được điều trị đúng cách nếu nghe theo lời khuyên của con cái và bác sĩ. Tuy nhiên, từ một lời giới thiệu của người hàng xóm đã thay đổi tất cả.
Hàng xóm mách bà T. về một loại thuốc Đông y “giảm đau nhanh, rẻ tiền, không cần đi bệnh viện”. Tin lời, bà T. bắt đầu mua những hộp thuốc giá 80.000 - 85.000 đồng để uống mỗi khi đau.
“Cơn đau dịu đi nhanh lắm, còn thuốc con mua thì uống mãi không dứt”, bà T. từng nói với con trai. Dần dần, bà không chỉ dùng thuốc khi đau mà tự ý tăng liều, uống liên tục suốt nhiều năm.
Thời gian gần đây, đôi chân bà T. ngày càng yếu đi, đầu gối vẹo vào trong, cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường: Mặt tròn, bụng phình to, chân tay teo nhỏ, vết thương lâu lành, huyết áp tăng cao, đường huyết dao động.

Từ chỗ đi lại khó khăn, bà T. phải chống gậy, rồi cuối cùng một buổi sáng thức dậy, bà phát hiện đôi chân không còn đủ sức nâng cơ thể và buộc phải ngồi xe lăn, phụ thuộc hoàn toàn vào người thân.
“Tôi chỉ có thể lết quanh nhà, các con phải quét sạch sẽ mọi nơi. Tôi ân hận lắm vì không nghe lời con cái. Giờ đây, tôi chỉ nghĩ tới việc chết và dặn các con nếu mẹ tôi mất, hãy sống hòa thuận”, bà T. nghẹn ngào chia sẻ, nước mắt lăn dài.
Bác sĩ Võ Văn Mẫn (chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình, TPHCM) cho biết, loại thuốc bà T. dùng chứa corticoid đây là thành phần giảm đau nhanh nhưng cực kỳ nguy hiểm nếu sử dụng dài ngày mà không có chỉ định y khoa. Bà T. mắc hội chứng Cushing, loãng xương, đái tháo đường, tăng huyết áp. Ca phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo cho bà là một hành trình khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ chỉnh hình và nội khoa.
Cạm bẫy nguy hiểm trên mạng xã hội
Không chỉ bà T, nhiều người cao tuổi khác cũng rơi vào vòng xoáy của những lời quảng cáo từ người quen hoặc mạng xã hội. Vợ chồng chị Ngô Thị Tuyết (điều dưỡng tại Bình Chánh, TPHCM) bất lực khi bố mẹ chồng chỉ tin vào những thông tin trên mạng, bỏ ngoài tai lời khuyên của con cái. Từ khi được con trang bị điện thoại thông minh, ông bà dành cả ngày để lướt mạng, tiếp nhận đủ loại tin từ đời sống đến sức khỏe.
Bố chồng chị Tuyết bị sỏi thận kích thước nhỏ. Thay vì nghe theo bác sĩ chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt, ông lại tin vào quảng cáo “nhà 3 đời gia truyền chữa sỏi thận” trên mạng. Ông gọi điện đến hotline, nhận tư vấn từ người bán hàng và chi tiền mua thực phẩm chức năng.
“Mỗi tháng, tổng tiền lương hưu và tiền con gửi biếu khoảng 20-25 triệu đồng, ông bà đều đổ vào mua đồ, chữa bệnh trên mạng”, chị Tuyết than thở.
Dù chị Tuyết làm trong ngành y, những lời khuyên can của chị vẫn bị gạt đi. “Ông bà còn mắng rằng có bệnh chả lẽ không chữa, chúng mày không bệnh nên không hiểu, khi nào già sẽ biết khổ như thế nào”, chị Tuyết kể.
Tuy nhiên, khi các con bảo ông bà đến bệnh viện thì đều nhận được câu trả lời né tránh: “Chúng tôi khỏe re sao phải đi bệnh viện”.
Bác sĩ Đoàn Dũng Mạnh (Hội Bệnh Lý Mạch máu Việt Nam) cho biết, các loại thuốc trên mạng không được kiểm chứng, đặc biệt là thuốc mang danh Đông y giả bán tràn lan thường chứa corticoid hoặc thuốc giảm đau, không có tác dụng chữa trị dứt điểm.
“Người cao tuổi ngại chia sẻ bệnh tật, ngại phiền con cái nên trở thành khách hàng tiềm năng của những sản phẩm này”, ông nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Mạnh, con cái cần dành thời gian trò chuyện, giải thích và đồng hành cùng cha mẹ lớn tuổi trong việc tìm kiếm thông tin y tế đáng tin cậy. Sức khỏe không thể mua bằng tiền, nhưng có thể giữ gìn bằng sự cẩn trọng và niềm tin đúng đắn.
Quá tin vào những lời quảng cáo "thổi phồng" trên mạng xã hội, người già không chỉ có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe khi làm theo mà còn trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Bác sĩ Mẫn khuyến cáo, khi có các dấu hiệu bất ổn sức khỏe, người già nên được đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị kịp thời trước khi tình trạng trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng đến khả năng vận động về lâu dài.
Kỳ tới: Con điện thoại từ nước ngoài khóc van nài bố mẹ ở quê đừng 'chữa bệnh' trên mạng