Doanh nghiệp

Quản thị trường vàng sau khi bỏ độc quyền

Định danh vàng miếng

Góp ý dự thảo, Bộ Công an cho rằng chưa có quy định cụ thể về việc quản lý số sê-ri vàng miếng (số sê-ri sản xuất mới, số sê-ri vàng miếng móp méo được gia công lại, số sê-ri trong các giao dịch mua/bán, số sê-ri vàng miếng chuyển thành nguyên liệu...). Việc ghi nhận bắt buộc thông tin về số sê-ri vàng miếng tại chứng từ trong các giao dịch trên có thể giúp hạn chế các rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng, giúp xác minh tính hợp pháp và nguồn gốc vàng giao dịch, giúp việc quản lý và kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng chặt chẽ và an toàn hơn, đồng thời đảm bảo quyền lợi khách hàng trong giao dịch vàng miếng. Tiếp thu ý kiến này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc ghi nhận thông tin số sê-ri tại chứng từ giao dịch.

Dự thảo Nghị định 24 cũng quy định nội dung thanh toán mua, bán vàng có giá trị từ 20 triệu đồng trong ngày trở lên phải được thực hiện thông qua tài khoản nhằm xác thực thông tin khách hàng. Quy định này cũng nhằm tăng tính công khai, minh bạch trong giao dịch mua, bán vàng. Đồng thời, quy định rõ giá trị 20 triệu đồng trong ngày trở lên của một khách hàng để tránh tình trạng "lách luật" qua việc chia nhỏ các giao dịch (dưới 20 triệu đồng).

Quản thị trường vàng sau khi bỏ độc quyền- Ảnh 1.

Sẽ ghi số sê-ri trên hóa đơn vàng

ẢNH: NGỌC THẮNG

Thực tế từ mấy năm trở lại đây, khi khách hàng mua vàng tại các doanh nghiệp (DN), ngân hàng thương mại (NHTM) cũng phải xuất trình căn cước công dân, một số đơn vị sẽ ghi cả số sê-ri miếng vàng bán ra cho khách hàng trên hóa đơn lưu trên hệ thống. Số sê-ri trên mỗi miếng vàng được xem như gắn với mã số định danh khách hàng.

Quản thị trường vàng sau khi bỏ độc quyền- Ảnh 2.

ẢNH: NGỌC THẮNG

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cho rằng quy định này sẽ khiến mỗi miếng vàng có giấy khai sinh, truy xuất nguồn gốc vàng miếng, xác định được người bán và người mua. Quy định này là hợp lý vì chống rửa tiền, chống tham nhũng, cũng như phát hiện trộm cướp vàng khi truy xuất số sê-ri... Đồng thời, ghi sê-ri cũng sẽ tránh tình trạng giả thương hiệu vàng miếng sản xuất từ nước ngoài mang về khi chênh lệch giá trong và ngoài nước ở mức cao. Điều này đã từng xảy ra trong thực tế. Dù ủng hộ nhưng ông Khánh cũng cho rằng thực tế sẽ phát sinh những tình huống cần giải quyết. Chỉ tính riêng lượng vàng miếng SJC lưu thông trên thị trường hiện nay hơn 20 triệu miếng. Trước đây, không có quy định ghi số sê-ri trên hóa đơn thì số vàng người dân đang nắm giữ sẽ phải giải quyết như thế nào? Hơn nữa, vàng không giống như xe, nhà nên trong trường hợp cho tặng thì có cần thay đổi thông tin trên hóa đơn cho trùng khớp dữ liệu hay không?

Bỏ độc quyền, cấp hạn mức nhập khẩu vàng

Ngoài ra, dự thảo Nghị định 24 bỏ độc quyền vàng miếng và bổ sung điều kiện cấp giấy phép sản xuất vàng miếng. Theo đó, cho phép các DN kinh doanh vàng bạc có vốn điều lệ từ 1.000 tỉ đồng trở lên và các NHTM có vốn điều lệ từ 50.000 tỉ đồng trở lên được cấp phép sản xuất vàng miếng. NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức hằng năm đối với xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, nhập khẩu vàng nguyên liệu của tổ chức tín dụng, DN.

Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích việc quy định ghi số sê-ri vàng miếng trên các hóa đơn mua bán là hợp lý nhưng NHNN phải dựa trên số lượng vàng được cung ứng ra nền kinh tế. Ví dụ NHNN hằng năm cấp phép nhập khẩu 10 tấn vàng miếng và vàng nguyên liệu cho các đơn vị nào thì sẽ quản lý trên số lượng này. Riêng đề xuất cho phép NHTM tham gia sản xuất vàng miếng, được thuê sản xuất, gia công vàng miếng ở các đơn vị khác cần phải xem xét cẩn thận. 

TS Hiếu nhấn mạnh: Các NHTM với chức năng chuyên môn chính là lĩnh vực tiền tệ trong khi vàng không phải là tiền tệ. Vì vậy chỉ nên cấp phép cho các NHTM tham gia nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu để tận dụng được nguồn lực tài chính, tình trạng ngoại tệ của các NH để cung ứng cho các DN sản xuất, mua bán vàng trong nước. Bản thân các NH không có chuyên môn nghiệp vụ về vàng bạc nếu chuyển sang đầu tư sản xuất kinh doanh vàng cũng sẽ có những rủi ro tác động đến hoạt động chính của hệ thống NH. Chính vì vậy, cũng không nên cho phép các NH và DN xuất khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu mà chỉ được nhập khẩu. Bởi khi có hoạt động xuất nhập khẩu hai chiều thì vô hình các NHTM và DN lớn sẽ chạy đua đẩy mạnh đầu cơ, làm ảnh hưởng nhiều đến thị trường và cả chính sách tỷ giá hối đoái của VN.

"Trong thời gian đầu khi mở rộng cấp phép nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu cho các DN và NHTM, NHNN có thể yêu cầu thực hiện thủ tục cấp phép từng lần một. Thế nhưng sau một thời gian nên bỏ thủ tục này. Khi đó, NHNN chỉ cấp phép hạn ngạch một lần cho cả năm để các đơn vị tự chủ động phân bổ, sắp xếp thực hiện theo nhu cầu và biến động của thị trường thế giới. Điều này cũng phù hợp khi VN tiến tới thành lập sàn giao dịch vàng. Hơn nữa, điều đó cũng giúp cả NHNN không phải tốn quá nhiều nguồn lực cho việc này và đơn giản hóa thủ tục trên thị trường", TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ thêm.

Ông Huỳnh Trung Khánh cho biết Hiệp hội Kinh doanh vàng cũng đã có ý kiến về việc NHTM không nên tham gia sản xuất vàng miếng mà chỉ là đơn vị kinh doanh vàng. Bởi trước năm 2012 (thời điểm ban hành Nghị định 24), có một số NHTM tham gia sản xuất vàng miếng nhưng không bán ra thị trường nhiều, chỉ chiếm thị phần nhỏ. Trong trường hợp NHTM được cấp phép sản xuất nhưng đưa đơn vị khác gia công, hay chuyển ra nước ngoài gia công thì sẽ phát sinh chi phí cao. Cụ thể, chi phí gia công mỗi lượng vàng ở DN tại Singapore vào khoảng 15 USD/lượng, đó là chưa kể chi phí sửa quy trình, khuôn đúc; hơn nữa họ cũng yêu cầu khối lượng sản xuất tối thiểu mới nhận. Khi tái xuất lượng vàng này ra nước ngoài thì phải nấu lại, giá thu mua cũng sẽ thấp hơn nhiều. 

Chính vì vậy, khi cho phép DN, NHTM được thực hiện sản xuất vàng miếng, đặc biệt gia công ở nước ngoài thì cũng phải rất thận trọng. Ngoài ra, ông Huỳnh Trung Khánh đề nghị cần cấp hạn mức vào đầu năm cho cả năm để đơn vị kinh doanh chủ động hơn trong hoạt động, thay vì cấp hạn mức từng lần. "Dự thảo Nghị định 24 đã cởi mở hơn rất nhiều, giải quyết các vấn đề bất cập tồn tại trên thị trường trong hơn 13 năm qua. Tuy nhiên, dự thảo cũng nên bỏ bớt các giấy phép con, có quy định về sàn giao dịch vàng để huy động vốn trong dân", ông Huỳnh Trung Khánh cho hay.

NHNN cấp hạn mức xuất nhập khẩu vàng hằng năm

NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức hằng năm đối với xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, nhập khẩu vàng nguyên liệu cho NHTM, DN. Tổng hạn mức cấp dựa trên tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ; quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước; tình hình thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu. Trên cơ sở tổng hạn mức hằng năm, NHNN thực hiện cấp hạn mức hằng năm cho DN, NHTM theo quy mô vốn điều lệ; tình hình xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu của các năm trước (nếu có) và nhu cầu của DN, NHTM. Thống đốc NHNN quy định cách thức phân bổ hạn mức hằng năm cho các DN, NHTM.

Các tin khác

Xe máy xăng sắp rút khỏi Vành đai 1: Người dân được hỗ trợ gì?

Từ tháng 7/2026, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe máy chạy xăng dầu - PV) sẽ bị cấm lưu thông trong khu vực vành đai 1 Hà Nội. Người dân được hỗ trợ gì để không bị động trước bài toán an sinh, chi phí chuyển đổi phương tiện bởi sự thay đổi này?

Bắt giang hồ mạng Tiến "bịp"

Tiến 'bịp' và đồng phạm bị bắt tạm giam ở Hải Phòng vì tổ chức sử dụng ma túy. Vụ án đang được Công an TP.Hải Phòng điều tra mở rộng.

7 giải pháp tự nhiên giúp loại bỏ sỏi thận

Sỏi thận có thể gây ra những cơn đau dữ dội và làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày. Một số giải pháp tự nhiên có thể giúp làm tan và đào thải những viên sỏi nhỏ, đồng thời ngăn ngừa những sỏi mới hình thành.

Những dự án khu dân cư không một bóng người

Hàng loạt khu dân cư ở phường Chánh Phú Hòa (TP.HCM) được xây dựng hạ tầng khi chưa đủ điều kiện pháp lý rồi bán đất nền từ nhiều năm nay, nhưng hiện vẫn không có một bóng người ở, có khu làm chỗ thả bò.