Công nghệ

40 năm đầy cảm xúc của biểu tượng mặt cười

Trên bảng tin nội bộ của Đại học Carnegie Mellon (Mỹ), giáo sư khoa học máy tính Fahlman đề xuất dùng chuỗi ký tự :-) khi viết nội dung nào đó vui vẻ, còn nếu là chuyện không vui, có thể sử dụng :-(.

Khi đó, Fahlman đã cố gắng giải quyết một vấn đề quen thuộc với người dùng Internet ngày nay: truyền tải thông điệp có cảm xúc. "Khi bạn trao đổi bằng văn bản trên Internet, mọi người không thể biết bạn đang đùa hay thật. Không có ngôn ngữ cơ thể, không có biểu cảm khuôn mặt", ông nói về lý do tạo ra icon mặt cười 40 năm trước. Ngày nay, chúng đã trở thành một phần không thể thiếu trong các buổi trò chuyện trực tuyến và đôi khi cả ngoài đời thực.

Từ khuôn mặt cười ra đời cách đây 40 năm, thế giới đã có thêm 3.600 biểu tượng cảm xúc khác nhau và con số này sẽ tiếp tục tăng.

Từ khuôn mặt cười cách đây 40 năm, thế giới đã có thêm 3.600 biểu tượng cảm xúc và vẫn tiếp tục tăng. Ảnh: CNN

Từ mặt cười ban đầu, đến nay có hơn 3.600 icon ra đời để người dùng dễ dàng tìm kiếm một biểu tượng cảm xúc phù hợp với ngữ cảnh, dù chỉ là một cái vẫy tay, một khuôn mặt nhăn nhó hay một nhân vật tò mò.

"Biểu tượng cảm xúc giúp người dùng thể hiện được những điều mà ngôn ngữ bình thường không thể. Nó truyền đi thông điệp một cách nhanh chóng, rõ ràng khi ai đó muốn nói 'không sao', 'mọi thứ đều ổn'. Chúng có chức năng như một phương thức giao tiếp tương tự ngôn ngữ cơ thể, ngữ điệu, âm lượng hay giao tiếp bằng mắt", Jennifer Daniel, người đứng đầu nhóm Biểu tượng cảm xúc của tổ chức phi lợi nhuận Unicode Consortium, cho hay.

Hành trình 40 năm từ một mặt cười thành hơn 3.000 emoji

Không mất nhiều thời gian để biểu tượng cảm xúc đầu tiên lan rộng ra ngoài Carnegie Mellon. Từ những ngày đầu, nhiều biến thể đã ra đời như khuôn mặt nháy mắt, nụ cười không ngớt, há hốc miệng... Các dấu gạch ngang, ngoặc đơn cổ điển được mã hóa thành những nụ cười với nhiều sắc thái khác nhau.

"Một tháng sau, tôi nhận được thư từ hãng nghiên cứu Xerox PARC rằng những ký tự này đang gây hiệu ứng mạnh", giáo sư Fahlman kể. "Tôi không rõ có phải người đầu tiên gõ ba ký tự đó liền nhau không, nhưng tôi tin gợi ý của tôi khi đó đã khiến nó lan truyền khắp thế giới".

Giữa những năm 1990, công ty điện thoại Nhật Bản Docomo đưa một trái tim nhỏ màu đen vào máy nhắn tin. Năm 1997, SoftBank tung ra bộ biểu tượng với 90 ký tự nhưng đồ họa khá xấu. Năm 1999, Docomo cũng phát hành bộ sưu tập với 176 ký tự.

Đến đầu những năm 2000, khi công cụ chat bùng nổ, trên Yahoo Messenger hay Facebook Messenger tràn ngập các khuôn mặt màu vàng với đủ mọi tâm trạng vui buồn. Thành viên trên khắp các diễn đàn cũng sáng tác và chia sẻ những bộ ký tự riêng như d(*_*)b (đeo tai nghe), T_T (khóc lóc)...

Mặt cười (smiley) về sau mở rộng thành chuỗi biểu tượng sắc thái (emoji) khác nhau. Đó là vào năm 2010 khi Unicode, chuyên thiết lập tiêu chuẩn công nghệ quốc tế để hỗ trợ ngôn ngữ khác nhau, đã nhận nhiệm vụ chuẩn hóa biểu tượng cảm xúc theo yêu cầu của các công ty công nghệ lớn như Apple và Google.

Jeremy Burge, người sáng lập Emojipedia, nói với CNN: "Ngày nay có rất nhiều quy tắc và chúng được ghi chép khá đầy đủ. Các biểu tượng cảm xúc mới phải trải qua một quy trình xét duyệt khá nghiêm ngặt".

Năm 2015, icon khuôn mặt "cười ra nước mắt" được Từ điển Oxford vinh danh là "Từ của năm". Biểu tượng này có tên kỹ thuật là "Tears of Joy" (nước mắt hân hoan) nhưng được người dùng diễn giải theo nhiều nghĩa, như vừa khóc vừa cười, cười ra nước mắt, dở khóc dở cười... Theo thống kê của tổ chức Unicode Consortium, 92% người dùng mạng toàn cầu sử dụng biểu tượng cảm xúc, trong đó 5% từng dùng Tears of Joy. Đứng thứ hai là biểu tượng trái tim.

Danh sách emoji được sử dụng nhiều nhất thế giới năm 2019 và 2021. Ảnh:Unicode Consortium

Danh sách emoji được sử dụng nhiều nhất thế giới năm 2019 và 2021. Ảnh:Unicode Consortium

"Chỉ với một cú chạm trên màn hình, bạn có thể chọn 3.600 biểu tượng cảm xúc khác nhau để đưa vào cuộc hội thoại. Khi bạn đang loay hoay chưa biết nói gì, một biểu tượng cảm xúc sẽ là lựa chọn tốt nhất. Thật khó tưởng tượng thế giới ra sao nếu không có icon", Burge nói.

Tương lai của biểu tượng cảm xúc

Dù có đến 3.600 biểu tượng cảm xúc, các chuyên gia cho rằng con số này vẫn chưa đủ. Cũng như ngôn ngữ đang phát triển từng ngày, biểu tượng cảm xúc sẽ không bị giới hạn về số lượng.

Unicode đưa ra các bản cập nhật biểu tượng cảm xúc vào tháng 9 hàng năm sau khi chọn lọc từ các đề xuất đáp ứng xu hướng toàn cầu. Phiên bản 15.0.0, được phát hành tuần trước, đã thêm 20 biểu tượng mới, trong đó có những cập nhật về các bộ tóc của icon.

Unicode từng đối mặt với những lời chỉ trích vì thiếu sự đa dạng chủng tộc, giới tính trong các bộ biểu tượng trước đó. Đến 2015, tổ chức này phải bổ sung các tùy chọn tông màu da trong Emoji 2.0. Một năm sau, họ cung cấp hai tùy chọn giới tính cho từng ngành nghề. Các biểu tượng cặp đôi theo từng nhóm giới tính được bổ sung từ năm 2019.

Dù hiện có hàng nghìn biểu tượng cảm xúc, cách sử dụng vẫn trung thành với mục tiêu ban đầu cách đây 40 năm là thêm nụ cười và sự nhẹ nhàng vào các icon. Keith Broni, tổng biên tập của Emojipedia, nói với CNN: "Những gì bạn đang thấy là hàng loạt biểu tượng cảm xúc phổ biến nhất, được dùng để giải trí hoặc biểu lộ sắc thái hài hước, tình cảm. Nhưng khuôn mặt cười của Fahlman luôn mang tính biểu tượng".

(CNN)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm