3 điểm nghẽn của giá điện
Tại tọa đàm “Bảo đảm điện cho tăng trưởng - yêu cầu và giải pháp" ngày 7/5, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - cho rằng, giá điện hiện nay có 3 bất cập lớn, mang tính bao trùm và có thể coi là điểm nghẽn.
Theo đó, giá điện chưa thực hiện theo cơ chế giá thị trường, trong nhiều năm qua không được tính đúng tính đủ các chi phí đầu vào để sản xuất ra 1 kWh, đồng thời chưa khắc phục được tình trạng mua cao bán thấp diễn ra trong nhiều năm.
Cùng đó, giá điện phải gánh quá nhiều mục tiêu. Thường giá điện phải bảo đảm để hỗ trợ ngành điện phát triển tăng trưởng ổn định, khuyến khích thu hút đầu tư nhưng cũng phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phải kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sử dụng điện tiết kiệm.
“Những mục tiêu này hội tụ trong giá điện lại không đồng thuận 100% với nhau mà có những xung đột, giằng co nhau trong quá trình thực hiện. Để xử lý mối quan hệ, bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu này trong giá điện là rất khó, một số mục tiêu không thực hiện được”, ông Thỏa nói.
![]() |
Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa chỉ ra 3 bất cập lớn của giá điện hiện nay. Ảnh: VGP. |
Đặc biệt, theo ông Thỏa, cơ chế bù chéo trong giá điện như bù chéo giữa các hộ sinh hoạt với nhau, giữa giá điện sinh hoạt và giá điện sản xuất, giá điện giữa các vùng miền khác nhau. Cơ chế này đã kéo dài quá lâu khiến Việt Nam không thể thực hiện được cơ chế giá thị trường đối với điện dẫn đến việc khó khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện. Đồng thời, không tạo áp lực mạnh để thực hiện chiến lược sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt trong sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ.
“Điều này còn khiến ngành điện luôn bị dòng tiền âm, có thể hiểu là lỗ. Điều đó có nghĩa là không cân đối được dòng tiền cho nên rất khó giúp ngành điện tái sản xuất, tái đầu tư và phát triển bền vững. Việc này cũng đe dọa đến mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng mà chúng ta đã đề ra”, ông Thỏa nhận xét.
Nguy cơ cung ứng điện không ổn định, thiếu bền vững
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn cho biết, nếu so sánh giá điện trung bình tại Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế, có thể thấy mức giá điện trung bình của Việt Nam đang ở ngưỡng tương đương với Trung Quốc và Ấn Độ. Mức giá này cao hơn một số quốc gia như Bangladesh hay Malaysia, những nước có lợi thế riêng như tài nguyên thủy điện (Bangladesh) hoặc dầu khí nội địa (Malaysia), từ đó có thể xây dựng cơ chế bù giá hiệu quả.
Ngược lại, nhiều quốc gia khác trong khu vực lại có giá điện cao hơn Việt Nam, ví dụ như Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Singapore và Philippines. Riêng Singapore, giá điện hiện đã tiệm cận mức của Nhật Bản. Tại Thái Lan, sau cải tổ cơ chế giá điện, đặc biệt chuyển sang mô hình tính theo giờ, giá điện trung bình đã tăng mạnh so với 3-4 năm trước, thậm chí cao gấp rưỡi.
![]() |
Chuyên gia Hà Đăng Sơn cho rằng, mức giá điện trung bình của Việt Nam đang ở ngưỡng tương đương với Trung Quốc và Ấn Độ. Ảnh: VGP. |
“Nếu Việt Nam duy trì mức giá điện thấp hơn chi phí thực tế trong thời gian dài, có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh tạm thời cho sản xuất hoặc an sinh xã hội. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng trong đầu tư hạ tầng, không đảm bảo cung ứng điện ổn định, thiếu bền vững về lâu dài”, ông Sơn nói.
Vị này cũng cho rằng giải pháp căn cơ để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư là cần có lộ trình điều chỉnh giá điện hợp lý, minh bạch, phản ánh đúng chi phí, đồng thời có chính sách giảm thiểu tác động xã hội khi điều chỉnh. Việc này đòi hỏi sự hài hòa giữa mục tiêu an sinh và cơ chế thị trường.
Ông Đoàn Ngọc Dương - Phó cục trưởng Cục Điện lực, Bộ Công Thương - cho hay, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025, nhu cầu điện tăng trưởng khoảng trên 12%. Để hoàn thành được mục tiêu Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã yêu cầu nhà máy điện, truyền tải phân phối đảm bảo kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, sẵn sàng cao nhất đáp ứng nhu cầu điện trong năm.
Cùng với đó, các nhà máy điện và đơn vị cung ứng như than, dầu, khí lên kế hoạch đảm bảo lượng lưu trữ trong nhà máy, kho chứa, đáp ứng giai đoạn cao điểm. Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng đôn đốc quyết liệt hoàn thành tiến độ công trình điện quan trọng, nhất là nguồn điện, truyền tải điện...
"Bộ Công Thương nhận định việc cung ứng điện năm 2025 là đảm bảo. Tuy vậy có thể xảy ra trường hợp cực đoan như tăng trưởng phụ tải đột biến, diễn biến thời tiết cực đoan, nước về hồ thủy điện giảm hoặc nắng nóng kéo dài, sự cố điện đầy tải. Với những trường hợp đó đã có kế hoạch ứng phó”, ông Dương nói.
Về nguyên tắc tính giá điện, ông Dương cho biết chi phí điện đã được nêu trong Luật Điện lực và Bộ Công thương tiếp tục thể chế hóa quy định. Cơ chế giá điện cần được xem xét với bước chuyển phù hợp, vừa đáp ứng xu hướng thị trường, nhưng cũng cần có sự ổn định cho người dân.