Góp ý cho luật Cán bộ công chức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Tạ Thị Yên đồng tình với điều khoản nhà nước cần cơ chế, chính sách đặc biệt thu hút, trọng dụng người tài.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên
ẢNH: GIA HÂN
Tuy vậy, đại biểu cho rằng cần làm rõ hơn chính sách trọng dụng, đãi ngộ cũng như nguồn lực tài chính để làm việc này. Bởi trong thực tế có nhiều trường hợp thu hút được người tài, nhưng không bố trí được công việc hoặc bố trí nhưng không phù hợp, khiến người ta lại bỏ đi.
"Đãi ngộ không tương xứng với công sức người ta bỏ ra, hiệu quả công việc, để người ta phải tự bươn trải cuộc sống, lo cho gia đình nên cũng không được bền lâu", bà Yên băn khoăn. Do đó, ngoài việc xác định những ngành, lĩnh vực cần ưu tiên người tài, cần gắn với khả năng chi trả của ngân sách địa phương, đơn vị.
Đánh giá các quy định về tuyển dụng công chức có nhiều điểm mới đáng ghi nhận, theo bà Yên, không thể thu hút một sinh viên tốt nghiệp xuất sắc hay một nhà khoa học trẻ từ nước ngoài về bằng một mức lương khởi điểm hệ số 2,34. Cũng không thể yêu cầu một chuyên gia giỏi từ một doanh nghiệp chuyển qua khu vực nhà nước phải có đầy đủ các quy trình, thủ tục để trở thành một công chức quản lý.
"Những quy định của dự thảo luật lần này sẽ tạo ra những cơ chế mở, thông thoáng và tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập thực tế hiện nay trong việc thu hút và trọng dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ", Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu nêu.
Trong khi đó, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, cần phân định chính sách thu hút nhân tài với chính sách trọng dụng nhân tài là hai chính sách. Thu hút thì phải trọng dụng, trọng dụng thì mới thu hút. Đồng thời, nên quy định điều riêng về nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự luật.
"Cán bộ vi phạm bao lâu đi nữa vẫn cần bị kỷ luật"
Dự thảo luật Cán bộ công chức quy định đánh giá công chức căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao của tháng, quý, 6 tháng, thể hiện bằng số lượng, chất lượng và tiến độ của sản phẩm theo vị trí việc làm. Theo đại biểu Tạ Thị Yên, cách tiếp cận này hiện đại, chuyển từ các tiêu chí định tính sang tiêu chí định lượng như kiểu KPI của khu vực doanh nghiệp.
Đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết, đại biểu Yên cho rằng, có các tiêu chuẩn định lượng sẽ tránh được tình trạng đánh giá cán bộ “thiếu công bằng” so bì, ganh tỵ, “bè phái”, “dĩ hòa vi quý” ngại va chạm, nhụt ý chí đấu tranh. Một bộ phận công chức thực sự có năng lực, tận tụy với công việc, sẽ cảm thấy bất công khi không được đánh giá đúng mực, làm mất đi động lực phấn đấu, vươn lên.
Bà cũng tán thành với ý kiến của cơ quan thẩm tra về việc dự luật cần “đưa việc kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập vào tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu” như Kết luận số 105 năm 2024 của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, về quy định thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm với vi phạm chịu kỷ luật khiển trách, 10 năm với vi phạm khác theo bà "chưa thật sự thuyết phục". Đại biểu cho rằng, bất kỳ loại vi phạm nào cũng không nên áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật, sẽ công bằng hơn và mang tính răn đe cao hơn.
Khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức dù có lâu bao nhiêu đi nữa vẫn phải bị xử lý kỷ luật, không phải là cố dấu diếm đi cho hết thời hiệu xử lý rồi được cho qua.
"Như vậy, người cán bộ, công chức mới giữ được cái tâm sáng để phụng sự nhân dân, nhất là khi vụ việc sai phạm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hay thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng…", bà Yên nêu.