Thời sự

Ý kiến khác nhau về 2 phương án rút BHXH 1 lần

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, nội dung được nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm là quy định về rút BHXH 1 lần.

Chuyên gia nói gì?

Về quy định hưởng BHXH 1 lần, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi nêu ra 2 phương án.

Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, NLĐ sẽ được rút BHXH 1 lần.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Ý kiến khác nhau về 2 phương án rút BHXH 1 lần - Ảnh 1.

Đa số người lao động khi nghỉ việc thường chọn rút BHXH 1 lần để có vốn làm ăn hoặc giải quyết khó khăn đột xuất .Ảnh: HUỲNH NHƯ

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng cả 2 phương án mà ban soạn thảo đưa ra đều có ưu và nhược điểm. Phương án 1 sẽ tạo cơ hội cho NLĐ khi gặp khó khăn bởi về nguyên tắc, đó là tiền của họ và họ có quyền được rút. "Tuy nhiên nếu theo phương án này, lợi thì ít hại thì nhiều vì hệ thống an sinh xã hội thể hiện sự bảo đảm lâu dài khi NLĐ không còn khả năng lao động, về hưu. Lúc đó, họ phải có nguồn để sống, không thể dựa vào nhà nước hay nhờ vả con cái được" - ông Lợi phân tích.

Về phương án 2, theo ông Bùi Sỹ Lợi, có ưu điểm cơ bản là khi rất khó khăn, NLĐ vẫn rút được 50% để giải quyết vấn đề trước mắt, 50% còn lại bổ sung khi về già. "Chúng ta nên lấy ý kiến của NLĐ về vấn đề này. Tuy nhiên, theo tôi, phương án 2 có lẽ ưu việt hơn" - ông Lợi nhận xét.

Nêu quan điểm cá nhân, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho rằng trước tình trạng NLĐ rút BHXH 1 lần tăng cao, cần có giải pháp hạn chế nhằm bảo đảm khi về già, NLĐ được hưởng lương hưu.

Theo ông Quảng, so sánh với các phương án trước đây (chỉ cho rút BHXH 1 lần 8% tỉ lệ phần NLĐ đóng) thì phương án 2 trong dự thảo lần này phù hợp thực tiễn hơn. Phương án này linh hoạt giải quyết một phần khó khăn trước mắt cho NLĐ mà vẫn bảo đảm duy trì phần còn lại để họ có thể được hưởng lương hưu khi về già. Nhưng ông băn khoăn quy định này chỉ áp dụng với trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động sau 1 năm. "Vậy trường hợp bệnh hiểm nghèo, ra nước ngoài định cư, không thể tiếp tục tham gia BHXH thì xử lý thế nào?" - ông đặt vấn đề.

Để người lao động lựa chọn

Đề cập cách thức rút BHXH 1 lần, chị Phạm Thị Thủy Tiên, CN Công ty FAPV (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM), cho biết chị chọn phương án 1 - giữ nguyên quy định hiện hành.

Theo chị Tiên, đa số NLĐ khi nghỉ việc thường chọn rút BHXH 1 lần để có số vốn làm ăn hoặc giải quyết khó khăn đột xuất. "Ai cũng muốn hưởng lương hưu nhưng hoàn cảnh khiến chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc rút BHXH 1 lần" - chị bày tỏ.

Ông Huỳnh Tấn Tài, Chủ tịch Công đoàn Công ty Hong Ik Vina (KCX Tân Thuận, quận 7), cũng chọn phương án 1. Theo ông, bất cứ NLĐ nào cũng mong muốn làm đến tuổi nghỉ và được nhận lương hưu để cuộc sống đỡ khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, đây chỉ là mong ước bởi thực tế khác xa. Khi NLĐ bị mất việc làm, phải nghỉ việc ở tuổi 40-50 thì họ chỉ rút BHXH 1 lần để giải quyết khó khăn trước mắt như nợ nần, chữa bệnh, làm kế sinh nhai…

"Họ lấy gì để tiếp tục đóng BHXH khi đang không có việc làm? Nếu chỉ được rút 50% thì số tiền rất thấp, họ không giải quyết được gì. Thêm vào đó, nếu đủ 20 năm đóng BHXH thì NLĐ nào đợi được đến tuổi 60 để nhận được lương hưu?" - ông Tài băn khoăn.

Bà Bùi Thị Kim Thu, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Long Long Thành (Đồng Nai) - doanh nghiệp đang sử dụng khoảng 1.000 lao động, cho biết trước đây, số NLĐ nghỉ việc với mục đích hưởng BHXH 1 lần ít. Từ khi có thông tin về việc giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, NLĐ rủ nhau nghỉ việc để hưởng BHXH 1 lần tăng cao. Dù công ty đã tuyên truyền song từ tháng 2-2023 đến nay, khoảng 50-60 người đã xin nghỉ và dự kiến tình trạng này sẽ tiếp tục tăng.

Theo bà Thu, NLĐ đa phần khó khăn, khó thể làm việc đến tuổi nghỉ hưu vì nhiều lý do. Họ tính toán sau khi nghỉ việc sẽ xin làm thời vụ, hưởng bảo hiểm thất nghiệp và sau 1 năm sẽ hưởng BHXH 1 lần để có vốn tạo kế sinh nhai. Do vậy, số đông sẽ đồng tình với phương án 1 và lý do hưởng BHXH của NLĐ là chính đáng.

Bà Thu nhìn nhận: "Bản thân NLĐ cũng biết tự cân nhắc làm thế nào là tốt cho cuộc sống của họ. Thế nên, hãy để họ được lựa chọn sử dụng khoản đóng BHXH sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mình".

Làm rõ mục đích giữ lại 50%

Đề cập 2 phương án rút BHXH 1 lần mà Bộ LĐ-TB-XH đề xuất, thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng, giảng viên Khoa Luật - Trường Đại học Mở TP HCM, cho rằng đa số NLĐ sẽ chọn phương án 1 là giữ nguyên quy định hiện hành. Nguyên nhân là do đời sống NLĐ còn nhiều khó khăn, tuổi nghề ngắn, trong khi tuổi nghỉ hưu tăng cao, thời gian chờ hưởng lương hưu kéo dài.

Với phương án 2, theo bà Hồng, cơ quan soạn thảo nên nêu rõ mục đích việc giữ lại 50%. Hướng sử dụng phần quỹ giữ lại như thế nào? Quyền lợi hưởng của NLĐ ra sao, nhất là người có thời gian tham gia ngắn mà không có điều kiện tham gia BHXH tiếp?

Thêm vào đó, cần phân loại đối tượng NLĐ tương ứng với mức hưởng theo thời gian đã đóng, nhóm ngành nghề hoặc trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn, ngoài đối tượng bị ung thư, bệnh hiểm nghèo, suy giảm sức lao động trên 81%, đi nước ngoài định cư, nếu NLĐ có hoàn cảnh thật sự khó khăn (có xác nhận của địa phương) thì sẽ được giải quyết hưởng 100% BHXH 1 lần.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm