1. Nữ doanh nhân Thái Hương
Bà Thái Hương sinh năm 1958 tại Nghệ An, là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất của giới doanh nhân Việt Nam. Bà Hương hiện là Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á (Mã CK: BAB).
Trong các năm 2015 - 2016, bà Thái Hương liên tục góp mặt trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á do Forbes bình chọn. Năm 2019, bà Thái Hương tiếp tục được vinh danh là nữ doanh nhân quyền lực ASEAN.
Ngoài ra, bà Thái Hương còn là nữ doanh nhân Việt Nam đầu tiên giành được giải vàng hạng mục “nữ doanh nhân của năm” của International Bussiness Awards thuộc hệ thống giải Stevie và được Forbes xếp vào danh sách người phụ nữ châu Á trên 50 tuổi có tầm ảnh hưởng nhất 2022.
Năm 2020, bà Thái Hương đã được Nhà nước trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới.
Bằng khát vọng cống hiến mãnh liệt, bà Thái Hương đã tìm ra 'chìa khoá vàng' cho nông nghiệp Việt Nam là công nghệ cao kết hợp với khoa học quản trị đan xen nhau, mở đầu là dự án “Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa” có tổng vốn đầu tư 1,2 tỉ USD.
Trên cương vị thuyền trưởng của Tập đoàn TH, bà Thái Hương đã dẫn dắt tập đoàn này theo hướng xây dựng hệ sinh thái thực phẩm sạch và kiên trì theo đuổi những giá trị thực, vì sức khỏe và hạnh phúc con người.
Bà Thái Hương cũng có công lớn trong việc đưa thương hiệu TH ra thế giới, kiến tạo những dự án ở Liên bang Nga và Úc.
2. Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo
Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội, hiện là Tổng Giám đốc của VietJet Air, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng HDBank. Trước khi về Việt Nam lập nghiệp, bà Thảo có gần 20 năm kinh doanh ở nước ngoài. Bà Phương Thảo từng khởi nghiệp với vai trò đại lý phân phối hàng điện tử, máy văn phòng, hàng tiêu dùng, cao su tự nhiên...để tích lũy số vốn ban đầu.
Trở về quê hương, bà xây dựng VietJet Air với mong muốn vừa mang Việt Nam ra thế giới, vừa kéo thế giới lại gần hơn với Việt Nam. Chuyến bay đầu tiên của hãng cất cánh vào ngày 24/12/2011, từ TP.HCM đi Hà Nội. Đến nay, Vietjet Air nắm giữ thị phần lớn trong vận chuyển hàng không nội địa và đang phát triển mạnh mạng bay quốc tế.
Trong những doanh nhân Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong số ít người nhiều lần được vinh danh trên phạm vi toàn cầu.
Ngày 9/3/2017, tạp chí Forbes công bố danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới, ghi nhận bà Phương Thảo là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với khối tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ USD. Tính đến ngày 7/3/2021, Forbes ước tính bà Thảo sở hữu 2,8 tỷ USD.
Trên sàn chứng khoán Việt, bà Thảo luôn trong top đầu những người giàu tại Việt Nam. Bà Thảo đồng thời là phụ nữ giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt.
Ngoài ra, Bloomberg từng đánh giá bà là một trong 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu.
3. Doanh nhân Mai Kiều Liên
Được mệnh danh là “Nữ tướng sữa” hay “Margaret Thatcher của Việt Nam”, bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc của Vinamilk là một trong những vị doanh nhân khiến ai cũng ngưỡng mộ. Trong hành trình 46 năm xây dựng nên vị thế thương hiệu Vinamilk, không thể không kể đến vai trò của bà Mai Kiều Liên.
Tham gia vào Vinamilk từ những ngày đầu thành lập sau khi du học trở về nước, bà Mai Kiều Liên đã gắn bó cùng doanh nghiệp qua nhiều giai đoạn phát triển. Tại mọi cương vị, vai trò, sự ảnh hưởng của nữ doanh nhân ngành sữa này vẫn luôn rõ nét, không chỉ với Vinamilk mà còn với các thế hệ doanh nhân trẻ sau này.
Năm 2022 cũng là tròn 30 năm bà Mai Kiều Liên đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc của Vinamilk, gây dựng và phát triển nên một doanh nghiệp sữa lớn nhất của đất nước và ngày càng gia tăng giá trị thương hiệu trong ngành sữa toàn cầu.
Bà Mai Kiều Liên đã được trao Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (2005), Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì (2006, 2001), được vinh danh trong chương trình Vinh quang Việt Nam – Dấu ấn 30 năm đổi mới (2017). Bà cũng nhiều lần được các tổ chức quốc tế uy tín như Nikkei, Forbes châu Á bình chọn là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á trong nhiều năm liền và là người duy nhất được Forbes Việt Nam trao tặng danh hiệu “Thành tựu trọn đời” ghi nhận sự cống hiến và tầm ảnh hưởng tại Việt Nam cũng như quốc tế.
4. Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga
Với bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, “luôn chủ động trước mọi sự thay đổi” là chìa khóa để vững vàng trước mọi thử thách, cũng là cách để thành công.
Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT SeABank - là một trong những nữ doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam. Vị “nữ tướng” này đã đưa Tập đoàn BRG đi lên từ hoạt động xuất nhập khẩu trước khi đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, khách sạn, sân golf và nhiều lĩnh vực khác.
Bà Nga góp mặt liên tục trong danh sách các phụ nữ có ảnh hưởng của Forbes Việt Nam. Bà Nga khởi nghiệp kinh doanh từ đầu những năm 1990. Đến năm 1993, bà cùng chồng thành lập Tập đoàn BRG (BRG Group), tập đoàn đầu tư đa ngành và là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Bà Nga cũng nổi tiếng với các thương vụ M&A, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, doanh nghiệp tư nhân và liên doanh.
Dưới sự dẫn dắt của bà, BRG Group đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực như golf, khách sạn, bất động sản. Ngoài ra, bà còn đầu tư trải rộng trên các lĩnh vực từ tài chính - ngân hàng, xuất nhập khẩu, bán lẻ, du lịch và cả nông nghiệp.
Bà Nga được xem là người truyền cảm hứng cho những nữ doanh nhân thế hệ sau, rằng phụ nữ có thể tự tin xây dựng doanh nghiệp, vượt qua những khó khăn để đưa doanh nghiệp của mình vươn xa, đóng góp cho kinh tế - xã hội của đất nước.
“ Đối với tôi, việc trở thành một doanh nhân nữ là một niềm tự hào vô cùng lớn. Niềm tự hào khi chúng ta không chỉ trở thành một người phụ nữ của gia đình mà còn là niềm cảm hứng và là người truyền lửa cho một đại gia đình mang tên BRG với gần 22.000 cán bộ nhân viên ”, Chủ tịch BRG Group Nguyễn Thị Nga phát biểu tại Hội nghị Doanh nhân Nữ Asean (Women of Impact Award).
“ Hãy kiên trì theo đuổi đam mê và khát vọng của mình, không ngừng cống hiến cho sự tiến bộ của cộng đồng và sự phát triển của tổ quốc. Hãy chinh phục khát vọng bằng cả khối óc và trái tim. Tôi làm được và phụ nữ chúng ta làm được ”, bà Nga từng phát biểu trên báo chí.
Năm 2006, sau khi thoái vốn khỏi Techcombank, bà Nga đầu tư và trở thành Chủ tịch HĐQT SeABank.