Những năm gần đây, các kịch bản lừa đảo trực tuyến biến tấu không ngừng khiến không chỉ người dân mất cảnh giác, rơi vào bẫy của kẻ gian mà còn khiến ngay cả các chuyên gia cũng khó kịp thời cảnh báo tới người dùng. Mới đây nhất, cơ quan công an TP.HCM đã phát đi cảnh báo về chiêu thức lừa đảo mới của tội phạm công nghệ cao nhằm kích động tâm lý để người dùng nhấn vào đường dẫn (link) giả mạo, từ đó đánh cắp tài khoản cũng như nhiều thông tin cá nhân có trên máy điện thoại, máy tính.

Kịch bản lừa đảo trực tuyến tiếp tục biến tấu để tấn công điện thoại nạn nhân
Ảnh: Future
Cụ thể, kẻ gian sẽ đóng giả "tiểu tam" (người thứ 3 xen vào tình cảm giữa 2 người khác) sử dụng số điện thoại lạ không có trong danh bạ để nhắn tin cho vợ hoặc chồng trong gia đình, hoặc cho bạn trai/bạn gái của người nhận, tố cáo họ có hoạt động bất chính bên ngoài. Thời điểm nhắn tin chủ yếu vào buổi tối, khoảng thời gian mọi người trong nhà thường ở gần nhau để cho đối phương của người nhận có thể đọc được thông tin giả mạo, với nội dung tự giới thiệu bản thân là "tiểu tam", sử dụng lời lẽ khiêu khích nhằm thao túng tâm lý nạn nhân.
Thậm chí, chúng có thể mạo danh "người lạ tốt bụng" để gửi thông tin tương tự cho bố, mẹ của nạn nhân để tố cáo con dâu hoặc con rể của họ có hành vi ngoại tình. Những người lớn tuổi, ít am hiểu về công nghệ và các chiêu trò lừa đảo trực tuyến là nhóm nạn nhân dễ sập bẫy lừa đảo nhất.
Trong tin nhắn thường đính kèm một đường dẫn, nói rằng đó là bằng chứng hình ảnh hoặc video quan hệ riêng tư của 2 người, nếu muốn xem hãy nhấn vào để có bằng chứng ngoại tình từ "nửa kia" của mình. Vì bị kích động tâm lý, tò mò kèm theo nghi ngờ sự chung thủy của bạn đời, nạn nhân có thể dễ dàng nhấn vào đường link mà đối tượng mạo danh đính kèm để kiểm chứng. Bên cạnh đó, nạn nhân cũng có thể bị chính vợ/chồng hoặc bạn trai/bạn gái của mình thúc ép, yêu cầu mở đường dẫn đó ra để làm rõ vấn đề.
Lừa đảo chat sex và tống tiền trực tuyến: Thủ đoạn tinh vi và cách phòng tránh
Tuy nhiên, theo cơ quan công an, khi nhấn vào đường dẫn này, điện thoại của nạn nhân sẽ bị chiếm quyền kiểm soát. Từ đó, kẻ gian có thể đánh cắp thông tin cũng như trộm tiền từ tài khoản ngân hàng. Đường link gửi kèm tin nhắn không chứa video hay hình ảnh nào mà chỉ có mã độc được cài sẵn, chỉ nhờ "con mồi" nhấn vào sẽ tự động thực thi lệnh tấn công từ xa.
Theo các chuyên gia công nghệ, kẻ gian sẽ không ngừng tìm kiếm các kịch bản lừa đảo trực tuyến khác nhau, nhưng đa phần vẫn thao túng tâm lý người dùng, khiến họ bị cảm tính lấn át lý trí. Để tránh trở thành nạn nhân của các chiêu trò tấn công tài khoản, thông tin cá nhân hay lừa tiền trên mạng, người dùng phải luôn ghi nhớ các nguyên tắc an toàn hàng đầu, là quy tắc "6 KHÔNG":
1. KHÔNG cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho đối tượng không quen biết; thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền.
2. KHÔNG kết bạn và nói chuyện với người lạ, đặc biệt là những tài khoản có hình ảnh ngoại hình đẹp và bắt mắt. Tuyệt đối không nhận lời mời tham gia các hội nhóm mà không rõ mục đích đối tượng.
3. KHÔNG truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website, ứng dụng hoặc mở tệp đính kèm đến từ người gửi không xác định, không rõ nguồn gốc.
4. KHÔNG cán bộ cơ quan nhà nước, bộ công an, viện kiểm sát, tòa án hay đơn vị tài chính... nào gọi điện để điều tra qua điện thoại, yêu cầu phải cung cấp thông tin cá nhân hay đóng tiền.
5. KHÔNG thực hiện chuyển khoản trước, tuyệt đối không đặt cọc, chuyển khoản tiền cho các đối tượng lạ trong bất cứ trường hợp nào.
6. KHÔNG tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận "phi thực tế" mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ "việc nhẹ lương cao"...