Ngày 18-10, phiên tòa xét xử 22 bị cáo sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (giai đoạn 2) gây thiệt hại cho nhà nước 460 tỉ đồng tiếp tục với phần xét hỏi.
Theo cáo buộc, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, do Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140km.
Trong đó, giai đoạn 2 dài hơn 74km, từ Tam Kỳ đến TP Quảng Ngãi, thông xe tháng 9-2018, nhưng khi vừa đi vào sử dụng, đường cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, an toàn giao thông.
Đại diện đơn vị giám định tại phiên tòa. Ảnh: T.P
Tại tòa, đại diện các nhà thầu không đồng ý với kết quả giám định, không đồng ý yêu cầu bồi thường của chủ đầu tư. Họ cho rằng con đường vẫn vận hành bình thường, không bị đình chỉ để sửa chữa, kết quả giám định không chính xác, không khách quan…
Phản bác lại ý kiến của các nhà thầu, đại diện đơn vị giám định khẳng định đơn vị này đã sử dụng nhiều phương pháp giám định, trong đó mỗi phương pháp đều có giá trị trưng cầu giám định, mục tiêu thí nghiệm, chỉ tiêu đánh giá thi công, chất lượng vật liệu...
Về tần suất lấy mẫu, giám định viên khẳng định, đây là giám định cho Bộ Công an, nên đã phải lấy rất nhiều số liệu. Đơn vị tổng thầu đi thuê nhiều nhà thầu khác, giám định đã thống kê rất chi tiết từng trạm trộn bê tông nhựa để phân đoạn và đánh giá, so sánh quy trình, quy phạm, quy định và tham khảo giá trị thiết kế của từng trạm để đánh giá kết quả thực địa.
Vị này cho biết thêm, phương pháp lấy mẫu là lấy xác suất trên toàn đoạn tuyến. “Chúng tôi rất vất vả với giai đoạn 2 của dự án này, bởi dự án giao cho 1 tổng thầu nhưng sau đó họ đi thuê rất nhiều đơn vị khác nhau, lớp này một đơn vị, lớp khác một đơn vị... Chúng tôi phải thực hiện giám định phân bổ phân đoạn theo kết cấu dự án đã thực hiện”.
Tại phiên tòa, một số bị cáo như Nguyễn Văn Thuật (cựu giám đốc Ban điều hành liên danh của nhà thầu thi công gói thầu A1), Nguyễn Thiên Nam (cựu Giám đốc chất lượng của nhà thầu thi công gói thầu A1) cho rằng sai sót chỉ là cục bộ, thực tế con đường không hư hỏng.
Nhà thầu Lotte E&C gửi 3 video do nhà thầu thực hiện tháng 10-2022 và tháng 5-2023 cho thấy con đường vận hành bình thường không có sai sót gì và đề nghị HĐXX trình chiếu các video này.
Còn nhà thầu Posco E&C nhấn mạnh phản đối 100% yêu cầu bồi thường của chủ đầu tư, phản đối phương pháp thực hiện giám định. Về vấn đề chất lượng gói thầu, qua 5 năm kể từ khi thông xe, Posco E&C không nhận được công văn từ các đơn vị vận hành yêu cầu sửa chữa liên quan gói thầu A5.
Trước ý kiến này, giám định viên khẳng định đã giám định cả một hệ thống đa lớp để quản lý chất lượng, theo quy trình của Nhà nước.
“Chúng tôi kiểm tra xác suất ngẫu nhiên, bất kỳ. Nhưng lấy chỗ nào cũng thấy bất thường”- đại diện đơn vị giám định nói.
Đại diện đơn vị giám định nhấn mạnh, việc có bị cáo tại đây cho rằng đoạn đường nhà thầu đó thi công không hư hỏng, “nhưng ở đây không phải hư hỏng mới sai, mà thi công sai thì là sai”.
Theo giám định viên, cách thực hiện là chọn lấy mẫu tại các vị trí không có xe đi (khu vực giáp ranh làn khẩn cấp) để trưng cầu giám định. Cũng không có quy định về phải lấy mẫu trong bao lâu để giám định.
Ngoài ra, chúng ta có quy định về đánh giá chất lượng trong quá trình khai thác, chứ không chỉ trong quá trình thi công; đơn cử như độ nhám có thể tốt hơn hoặc xấu đi sau quá trình sử dụng, thường là tốt lên. Kiểm tra độ chặt không đạt ở nhiều vị trí sau một thời gian sử dụng, chứ chưa nói đến việc càng đi vật liệu càng nén chặt. Việc ảnh hưởng của tải trọng là chính, chứ không phải đưa ra lý do ảnh hưởng do độ ẩm, do thời tiết.