Tài chính

VPB và TPB tăng giá mạnh giữa lúc thị trường đỏ rực

Thị trường kết thúc phiên giao dịch đầu tuần với mức giảm "như có như không" nhờ lực kéo đến từ cặp đôi VHM và VPB. Tuy nhiên, sắc đỏ vẫn chiếm đa số trên bảng điện tử với số mã giảm gấp đôi mã tăng.

Kết phiên toàn ngành ngân hàng ghi nhận 20 mã giảm, 5 mã tăng và 2 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, VPB của VPBank diễn biến đầy ấn tượng khi bật tăng 6% đi cùng thanh khoản cao nhất trong hơn 2 tháng qua. Với diễn biến trên, VPB là mã tăng mạnh nhất nhóm VN30 và góp phần kìm hãm đà giảm của Vn-Index.

Cổ phiếu VPB bật tăng mạnh mẽ sau khi hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn tin thân cận cho biết, VPBank đang trong giai đoạn cuối của thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui của Nhật Bản với giá khoảng 1,4 tỷ USD.

Theo đó, VPBank sẽ bán hơn 1 tỷ cổ phiếu cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC, một đơn vị trực thuộc Sumitomo Mitsui, với giá 32.000 - 33.000 đồng/cổ phiếu. Thỏa thuận dự kiến ​được ký kết vào cuối tháng này.

Cùng với VPB, TPB của TPBank cũng bật tăng 1,3% và là mã ngân hàng niêm yết hiếm hoi có được sắc xanh trong phiên hôm nay. Cổ phiếu TPBank diễn biến có phần tốt hơn thị trường trong những ngày gần đây khi có tới 5/6 phiên gần nhất đóng cửa trong sắc xanh. Tính từ đầu năm, cổ phiếu này đã tăng tổng cộng hơn 15% và là một trong những mã có tỷ suất sinh lời cao nhất nhóm ngân hàng.

Mới đây, ngân hàng này cho biết sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 21/3 để trả cổ tức 25% bằng tiền mặt, tương ứng 2.500 đồng/cp. Thời gian chi trả dự kiến là ngày 3/4.

Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với các cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu TPBank. Trước đó, sau nhiều năm tạm dừng theo yêu cầu của NHNN, TPBank đã tiên phong trong hoạt động trả cổ tức bằng tiền mặt khi thông tin về kế hoạch này cách đây không lâu.

Trong năm 2022, TPBank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tiền gửi nhanh nhất hệ thống, lên tới gần 40%.

Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tăng trưởng huy động khách hàng của TPBank cao vượt trội so với trung bình nhóm ngân hàng quan sát (11,0%) trong bối cảnh hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn về thanh khoản trong năm 2022.

Với mức tăng trưởng huy động tốt, đáp ứng các yêu cầu về thanh khoản của hệ thống, TPBank có lợi thế hơn so với nhóm các ngân hàng khác dựa trên các yếu tố: (1) Có dư địa để tăng trưởng tín dụng, không bị chặn bởi các chỉ tiêu về thanh khoản; (2) Áp lực tăng lãi suất huy động thấp. Lãi suất huy động tháng 12/2022 với kì hạn 12 tháng trả lãi cuối kì của TPBank tăng 1,1% so với tháng 9/2022, là mức tăng thấp thứ 2 trong nhóm ngân hàng quan sát và tại thời điểm hiện tại đã giảm 0,1% trong tháng 2/2023; (3) Kì vọng CASA hồi phục nhờ tệp khách hàng tăng trưởng tốt trong thời gian vừa qua và mặt bằng lãi suất đầu vào ổn định trở lại.

Ngoài VPB và TPB thì CTG cũng đóng cửa trong sắc xanh tăng giá, cùng với hai mã giao dịch trên thị trường UPCoM là KLB và SGB.

Ở chiều ngược lại, STB là mã diễn biến tiêu cực nhất nhóm ngân hàng khi giảm 3,8% xuống còn 25.000 đồng/cp. Một loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng chìm trong sắc đỏ như EIB (-2%) BID (-1,9%), OCB (-1,9%), SHB (-1,6%), MSB (-1,6%), ACB (-1,6%), TCB (-1,5%),…

Thanh khoản nhóm ngân hàng hôm nay có sự cải thiện so với phiên trước. Trong đó, VPBank dẫn đầu về thanh khoản với khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt gần 41,4 triệu đơn vị. Đứng kế sau lần lượt là STB (29,6 triệu cp), SHB (15,6 triệu cp), LPB (13,5 triệu cp), MBB (8,5 triệu cp), TPB (6,6 triệu cp),…

Khối ngoại hôm nay tiếp tục mua ròng mạnh tại cổ phiếu HDB với giá trị đạt gần 32,8 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng thứ 10 liên tiếp của khối ngoại tại cổ phiếu này với tổng khối lượng đạt hơn 9,4 triệu đơn vị, giá trị hơn 172 tỷ đồng.

Khối ngoại liên tục mua gom cổ phiếu HDB trong những tuần gần đây, sau khi HDBank điều chỉnh tỷ lệ tối đa sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (hay còn gọi là room ngoại) từ 18% lên 20% từ ngày 30/1. Tính đến hết ngày 13/3, room ngoại tại HDBank chỉ còn trống hơn 28 triệu cổ phiếu.

Bên cạnh HDB, khối ngoại cũng mua ròng tại một loạt mã ngân hàng như CTG (28 tỷ đồng), TPB (9,6 tỷ đồng), EIB (9,5 tỷ đồng),… trong khi bán ròng mạnh tại STB (52,6 tỷ đồng).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm