Tài chính

Tại sao giới chức Mỹ chỉ định SVB và Signature Bank là “rủi ro hệ thống”: Nỗ lực phi thường để ngăn khủng hoảng lan rộng?

Trong hai ngày qua, giới chức Mỹ liên tiếp nắm quyền kiểm soát ở Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Signature Bank. Cùng với đó, hàng loạt các biện pháp khẩn cấp cũng đã được thực hiện để ngăn chặn tác động tiềm tàng từ cú sập. Nhà chức trách cũng muốn bảo vệ những người gửi tiền không có bảo hiểm đồng thời cung cấp thêm tiền mặt cho hệ thống ngân hàng.

WSJ mô tả những gì mà các nhà chức trách Mỹ đang làm là "phi thường" để ngăn chặn rủi ro hệ thống với lĩnh vực tài chính. Cục Dự trữ Liên bang và Bộ Tài chính cũng đã sử dụng các cơ chế khẩn cấp nhằm đáp ứng nhu cầu rút tiền của người gửi.

Trong tuyên bố chung của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Chủ tịch Fed Jerome Powell và Chủ tịch Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Martin Gruenberg, nhà chức trách Mỹ khẳng định những người gửi tiền ở SVB sẽ có quyền rút toàn bộ số tiền của họ trong ngày 13/3. Điều tương tự cũng diễn ra với Signature Bank. Theo đó, Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi ngân hàng của Chính phủ Mỹ sẽ chi trả tất cả các khoản tiền gửi tại 2 ngân hàng này thay vì tối đa 250.000 USD theo tiêu chuẩn.

Các cơ quan quản lý Liên bang cũng khẳng định bất kỳ khoản lỗ nào nếu có đối với các quỹ của chính phủ sẽ được thu lại từ chính các ngân hàng này sau một đánh giá đặc biệt. Người nộp thuế ở Mỹ không phải chịu bất cứ tổn thất nào.

Trong tuyên bố riêng tối 12/3, FED nhấn mạnh họ "đang theo dõi chặt chẽ các điều kiện trên toàn hệ thống tài chính và sẵn sàng sử dụng đầy đủ các công cụ để hỗ trợ hộ gia đình và doanh nghiệp cũng như sẽ thực hiện các bước bổ sung khi thích hợp".

FED cũng nhấn mạnh họ sẽ cung cấp thêm nguồn vốn cho các ngân hàng để họ "có khả năng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của tất cả người gửi tiền" thông qua "chương trình cấp vốn có kỳ hạn của ngân hàng" mới được đưa ra. Trong chương trình này, tài sản cầm cố cho các khoản vay kỳ hạn 1 năm là Trái phiếu kho bạc, chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp và các tài sản khác.

Tuy nhiên, rất nhiều chứng khoán trong số tài sản mà các ngân hàng này mua vào đã mất giá trị sau khi FED tăng mạnh lãi suất hơn 1 năm qua. Trong trường hợp này, FED cho biết họ sẽ nhận thế chấp theo giá trị ban đầu của chúng.

Những thông báo từ các cơ quan hữu quan của Mỹ đã kết thúc một cuối tuần điên cuồng, trong đó các bên phải nỗ lực ngăn chặn cú sập của SVB có thể lây lan ra thị trường. Thậm chí, ông Powell đã phải hủy bỏ tham dự cuộc họp của các lãnh đạo Ngân hàng Trung ương tại Thụy Sĩ để ở lại Washington giải quyết vụ việc.

Và có vẻ, căng thẳng đã được xoa dịu, những tác động tới nền kinh tế cũng đã được hạn chế. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng báo hiệu họ đang cân nhắc các quy định về vốn và thanh khoản đối với các ngân hàng nhỏ để đảm bảo những điều tồi tệ sẽ không xảy ra.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden nhiều lần khẳng định các động thái đang được thực hiện nhằm bảo vệ người gửi tiền, cho phép họ có thể dùng chúng để trả lương cho người lao động…. Ngoài ra, những nỗ lực này cũng ngăn người gửi ồ ạt rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng.

Signature Bank và SVB hiện là những nạn nhân lớn nhất từ chính sách thắt chặt tiền tệ của FED. Chỉ trong 1 năm qua, cơ quan này đã tăng lãi suất thêm 4,5%, mức tăng chưa từng có kể từ năm 1980. Hiện tại, các quan chức vẫn báo hiệu khả năng có thể tiếp tục nâng lãi suất.

Tham khảo: WSJ

Cùng chuyên mục

Đọc thêm