Bất chấp những biến động lên xuống của thị trường chung kể từ đầu năm, cổ phiếu của Tập đoàn FPT (Mã: FPT) vẫn duy trì xu hướng tăng. Cổ phiếu kết phiên 28/5 tăng 3% lên 137.000 đồng/cp. So với đầu năm, thị giá đã tăng gần 43%. Khối lượng giao dịch bình quân phiên khoảng 2,9 triệu cp.
Với diễn biến khả quan, vốn hóa thị trường của công ty nâng lên thành 173.986 tỷ đồng, xấp xỉ 6,96 tỷ USD (tạm tính 1 USD đổi 25.000 đồng). Con số này tạm thời vượt qua Vinhomes, VietinBank, Vingroup, Hòa Phát hay Techcombank.
Xét trên HOSE, vốn hóa của FPT đang xếp thứ 4, sau VCB, BID và GAS. Nếu xét cả HOSE, HNX và UPCoM thì FPT đứng thứ 6 (xếp sau VGI (275.465 tỷ đồng), ACV (221.614 tỷ đồng)).
Không chỉ FPT, cổ phiếu của thành viên trong hệ sinh thái là FRT cũng ghi nhận diễn biến tích cực. Cổ phiếu ngành bán lẻ kết phiên 28/5 tại 162.400 đồng/cp, tăng 52% kể từ đầu năm. Khối lượng giao dịch bình quân phiên khoảng 740.000 cp.
Ở lĩnh vực chứng khoán, FTS cũng tăng 47% kể từ đầu năm (tính đến 28/5). Khối lượng giao dịch bình quân phiên khoảng 1,8 triệu cp.
Quay lại với FPT, ông lớn ngành công nghệ đang duy trì đà tăng trưởng kinh doanh. Trong 4 tháng đầu năm, FPT báo doanh thu 8.989 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.447 tỷ đồng, tăng lần lượt 20,6% và 19,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 2.455 tỷ đồng, tăng 21,6% so với 4 tháng đầu năm 2023.
Năm nay, tập đoàn lên kế hoạch doanh thu 61.850 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng; tăng trưởng lần lượt 17,5% và 18,2% so với năm 2023. Như vậy, sau 4 tháng, FPT đã thực hiện được gần 31% chỉ tiêu doanh thu và 32% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Ở diễn biến khác, FPT nằm trong danh sách thoái vốn đợt hai năm 2024 của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố, với tổng cộng 31 doanh nghiệp.