Ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc của tôi bị ảnh hưởng, kéo theo đó thu nhập cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh hạn chế về tài chính, tôi vẫn quyết tâm phải tuân thủ nguyên tắc tiết kiệm của mình. Thực chất, nguyên tắc này đã được tôi áp dụng từ thời sinh viên tới giờ (tính ra cũng chừng hơn 5 năm). Quan điểm của tôi rõ ràng: Tuyệt đối phải duy trì những thói quen tốt để làm nền tảng phát triển cho bản thân. Trong đó, thói quen tiết kiệm tiền là một trong những ưu tiên được đặt lên hàng đầu.
Ý thức điều đó, thu nhập của tôi hiện tại là 15 triệu, trừ tất cả chi phí sinh hoạt, tiền nhà, tiền học thêm kỹ năng, tiền mua sách... mỗi tháng tôi vẫn tiết kiệm được 7,6 triệu. Thậm chí tôi từng tự đưa ra slogan cho bản thân: "Tiết kiệm hay là... chết" nhằm ép bản thân học cách chi tiêu ĐÚNG với số tiền mình kiếm được. Tiền làm ra không dễ dàng, nên nhất định phải sử dụng chúng xứng đáng. Tôi mạnh miệng bảo tôi tiết kiệm được "bộn" tiền, cái Bộn ấy là so với chính bản thân tôi thôi, chứ biết rằng so với nhiều người mình chỉ là hạt cát bé nhỏ. Nhưng dù sao, đó là chút "thành tựu" nho nhỏ mà tôi cố gắng có được.
Dưới đây là 8 nguyên tắc tôi đã áp dụng trong tiết kiệm tiền. Và tôi chưa từng ân hận khi đưa bản thân vào kỷ luật tiết kiệm như hiện tại.
1. Tự nấu ăn
Giảm bớt bữa ăn tại các quán ăn, nhà hàng sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản kha khá. Hơn nữa việc tự nấu ăn cũng đảm bảo các bữa ăn đủ dinh dưỡng và hợp vệ sinh. Mỗi tháng chỉ nên dành 1-2 bữa ăn ngoài cùng bạn bè, người thân. Nếu muốn tổ chức ăn uống sang trọng, đầy đủ... thay vì ra hàng đắt đỏ, hãy tự mua đồ về và chế biến, tôi dám đảm bảo vừa ngon miệng, vừa tiết kiệm, lại cực kỳ ấm cúng, thân tình.
Ngoài ra, bạn nên từ bỏ những thói quen như đi ăn uống nhậu nhẹt khi buồn, hút thuốc, rượu bia, chè chén hoặc quà vặt. Hãy thử từ bỏ thói quen này trong 30 ngày, sau khoảng thời gian thử thách này, bạn sẽ thấy, chỉ cần quyết tâm thì bỏ đi thói quen xấu là không quá khó.
2. Cất giữ tiền lẻ
Những đồng tiền lẻ đôi khi bị vứt bừa bãi hoặc ít được quan tâm đến. Tuy nhiên hãy thử cho hết số tiền lẻ không dùng đến vào lợn tiết kiệm, sau một thời gian bạn sẽ bất ngờ với số tiền mình để dành được. Tôi đã bỏ tiền lẻ mỗi lần đi chợ thừa vào một chiếc hộp, sau vài tháng mang ra kiểm kê và gom được một khoản nho nhỏ để mua rau, mua gia vị...
3. Mang theo tiền có mệnh giá nhỏ
Hãy mang theo tiền có mệnh giá nhỏ, vừa đủ ra đường với những nhu cầu cơ bản. Đừng mang tất cả những gì mình có ra đường để rồi trở về với một chiếc ví "xẹp lép". Mang nhiều tiền sẽ khiến bạn ra đường tự tin (tất nhiên rồi), nhưng đồng thời cũng dễ khiến bạn "vung tay quá trán" vì sẵn tiền trong ví. Do đó, muốn tiết kiệm tiền, hãy tỉnh táo khi bước chân ra đường và chỉ nên mang theo tiền có mệnh giá nhỏ.
4. Tập thể thao miễn phí
Thay vì mua thẻ tập tại phòng tập đắt tiền, đi spa, học lớp yoga… hãy chạy bộ, đạp xe đạp hoặc đơn giản là lên youtube và xem các hướng dẫn để tập theo. Chỉ cần một cặp tạ, tấm thảm tập và bộ dây nhảy, bạn có thể làm săn chắc cơ thể của mình ngay tại nhà.
Ngoài ra, nên tăng cường thư giãn bằng cách tham gia các hoạt động công cộng miễn phí như đến các lễ hội, buổi ca nhạc ngoài trời, đi dạo công viên hoặc đến thư viện địa phương để đọc sách… thay vì bỏ tiền vào khu vui chơi, bạn sẽ tiết kiệm được kha khá đấy.
5. Mua đồ giảm giá và lên danh sách cụ thể
Khi mua sắm đừng "cưỡi ngựa xem hoa". Việc mua hàng theo danh sách giúp bạn đảm bảo về chi tiêu và không mất tiền cho những thứ không cần thiết.
Hãy tận dụng những chương trình giảm giá cuối năm hoặc sale trên mạng để mua sắm. Bạn sẽ tiết kiệm được khoản tiền kha khá so với việc trả giá gốc. Một gợi ý khác là hãy đi mua đồ đông/ hè khi hết mùa, như vậy cũng dễ dàng kiếm được những món hời. Nghe đầy mùi thực dụng, nhưng bạn hãy thử đi, sẽ thấy đồ đẹp vẫn được sở hữu và tiền thì không bị "chảy ra khỏi ví" quá nhiều đâu.
6. Ở một ngôi nhà nhỏ và tập sửa chữa những món đồ hư hỏng
Một ngôi nhà nhỏ khiến bạn không có không gian để bày bừa, đồng thời cũng giúp bạn tiết kiệm thời gian dọn dẹp.
Còn đối với đồ đạc có dấu hiệu hỏng hóc, hãy cố gắng sửa chữa nó trước khi quyết định thay cái mới. Đương nhiên bạn nên xem xét việc sửa chữa so với mua mới có lợi nhiều hay không.
7. Áp dụng quy tắc 30 giây
Bất cứ khi nào bạn định mua đồ, hãy dừng lại khoảng 10s để tự hỏi tại sao bạn lại mua món hàng đó và liệu bạn có thực sự cần nó hay không. Nếu như bạn không tìm thấy một câu trả lời thuyết phục, hãy trả món đồ này trở lại. Quy tắc này giúp chúng ta không phải bỏ tiền ra để mua những vật dụng không cần thiết.
8. Lên ngân sách
Hãy thực hiện tiết kiệm tiền hiệu quả bằng cách ghi lại những khoản chi – thu trong tháng. Sau một thời gian bạn hãy đặt cho mình mức ngân sách phù hợp và cố đừng "vung tay quá trán".
Ngoài những mẹo nhỏ này, bạn còn cần có ý chí mạnh mẽ để tránh "cám dỗ", mua những món đồ không cần thiết. Ban đầu có thể rất khó nhưng nếu bạn quyết tâm, dần dần bạn có thể thay đổi thói quen chi tiêu của mình.