Trong Báo cáo kết quả 2022 và triển khai nhiệm vụ 2023 ngày 18/12, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết mục tiêu được đặt ra là giảm số thuê bao 2G còn dưới 5% vào cuối năm tới. Hạn cuối cho việc dừng công nghệ 2G tại Việt Nam là tháng 9/2024.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, lộ trình dừng công nghệ 2G được đưa ra "trên cơ sở phân tích xu hướng phát triển thị trường, công nghệ di động, kết hợp với các mục tiêu quản lý nhà nước và việc thống nhất với các doanh nghiệp di động". Theo số liệu đến tháng 9 của Cục Viễn thông, Việt Nam hiện có hơn 127 triệu thuê bao di động nói chung.
Thực tế từ hai năm nay, việc dừng công nghệ di động 2G đã diễn ra. VNPT xác nhận từ 2021 đã thực hiện tắt gần 2.000 trạm 2G có số thuê bao và lưu lượng thấp. Việc này "nhằm tối ưu hóa công tác vận hành, khai thác mạng lưới và chuẩn bị cho lộ trình dừng công nghệ 2G".
Viettel cũng cho biết đang tích cực chuyển dịch thuê bao 2G, 3G lên 4G, nhằm nâng tỷ lệ hoạt động trên mạng 4G đạt 75% tổng số thuê bao. Nhà mạng này đặt mục tiêu trong 2023 tiếp tục mở rộng vùng phủ 4G tương đương với 2G, phủ được 99% dân số để sẵn sàng cho việc tắt 2G.
Trước đó, từ 1/7/2021, Việt Nam dừng nhập khẩu điện thoại 2G, 3G. "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - phần truy cập vô tuyến" chính thức có hiệu lực từ 1/7, quy định tất cả điện thoại di động được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu vào Việt Nam phải tích hợp công nghệ E-UTRA (4G).
Để đạt mục tiêu đặt ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã định hướng người dùng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone. Các doanh nghiệp di động được giao xây dựng kế hoạch hỗ trợ người sử dụng chuyển đổi, đồng thời các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối thay đổi định hướng kinh doanh, tập trung sang thiết bị hỗ trợ mạng thế hệ mới như 4G, 5G.
2G là công nghệ di động đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, từ năm 1993. Theo một nhà mạng lớn tại Việt Nam, những công nghệ mới hơn như 3G, 4G hiện đã có vùng phủ gần tương đương mạng 2G, cùng lợi thế về khả năng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet tốc độ cao. Việc dừng 2G sẽ giúp các nhà mạng tiết kiệm chi phí vận hành, dành tần số và hạ tầng kỹ thuật cho các công nghệ di động thế hệ tiếp theo.
Trong kế hoạch hoạt động của ngành Viễn thông năm 2023, một trong những nhiệm vụ được đưa ra tăng cường phủ sóng 4G, triển khai 5G, thúc đẩy mục tiêu mỗi người dân một smartphone.
Đến tháng 12, Viettel cho biết cho mở rộng triển khai thử nghiệm 5G tại 35 tỉnh thành, dự kiến thử nghiệm trên 63 tỉnh thành trong năm 2023. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định sẽ thương mại 5G vào năm tới.