Sàn giao dịch tài chính Tima vừa ra mắt sáng nay, chính thức đánh tiếng sự có mặt của một Startup Fintech trên thị trường Việt Nam sau 2 năm hoạt động.
Tima hoạt động theo mô hình kết nối tài chính giữa người có nhu cầu vay vốn với các đơn vị cho vay một cách nhanh chóng và tiện lợi nhờ ứng dụng công nghệ. Mô hình được hoạt động thử nghiệm từ năm 2015 và đã nhận được đầu tư hàng triệu đô từ quỹ đầu tư Singapore vào tháng 10/2016.
Hiểu đơn giản, Tima vận hành tương tự như mô hình của Uber, nhưng trong lĩnh vực tài chính, lĩnh vực đòi hỏi ứng dụng công nghệ phức tạp hơn nhiều so với lĩnh vực vận tải.
Khi có 1 tài khoản muốn vay tiền, hệ thống đẩy đơn của Tima sẽ đẩy đơn vay ấy cùng một lúc tới nhiều đối tác cho vay.
Các đối tác sẽ nhìn được họ tên, địa chỉ của người vay, điểm tín nhiệm, nhưng không nhìn được số điện thoại và các thông tin cá nhân khác.
Trang chủ của Tima.
Khi có một đối tác nhận đơn vay, đơn vay ấy thuộc “quyền sở hữu” của đối tác đầu tiên ấn nhận, và đối tác ấy có toàn bộ thông tin của khách hàng để có thể trực tiếp tư vấn cho khách hàng, thẩm định, và giải ngân cho khách hàng.
“Ai nhận đầu tiên đơn vay ấy sẽ là của đối tác ấy. Nếu đối tác hủy đơn vay thì hệ thống tự động đẩy một vòng nữa cho các đối tác khác”, ông Nguyễn Văn Thực – Tổng Giám đốc Tima – giải thích cơ chế hoạt động của sàn giao dịch này.
Giá trị cốt lõi của Tima, theo lời Tổng Giám đốc Thực, là việc sử dụng công nghệ chấm điểm tín dụng tự động dựa trên mô hình máy học và dữ liệu lớn giúp các đơn vị cho vay có thể nhanh chóng phê duyệt khoản vay và quản trị rủi ro.
Trong khi ngân hàng đánh giá tín nhiệm dựa trên lịch sử tín dụng của khách hàng, sàn giao dịch tài chính này đánh giá tín nghiệm của khách hàng dựa trên các dữ liệu đa chiều như lịch sử tín dụng, thông tin từ mạng xã hội, các dữ liệu từ điện thoại...
Từ các dữ liệu lớn thu thập được, hệ thống chấm điểm của Tima sẽ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động phân tích và đưa ra các thuật toán tối ưu nhất để tìm kiếm đối tượng vay/cho vay phù hợp.
Việc này giúp đối tác giảm được thời gian quyết định cho vay, thời gian thẩm định, tiết kiệm được chi phí vận hành và kiểm soát được rủi ro.
Hiện mỗi ngày Tima xử lý hơn 1.000 đơn vay mới, tiến tới mở rộng quy mô trên toàn quốc và nâng cao năng lực xử lý 10.000 đơn vay/ ngày. 100% khoản vay hiện nay đều được kết nối trực tuyến qua điện thoại hoặc máy tính.
Có gần 5.000 đơn vị trên toàn quốc tham gia cho vay trên sàn tài chính Tima, với hơn 800.000 khách hàng, tổng số tiền luỹ kế đã được kết nối thành công là hơn 15.000 tỷ đồng (gần 700 triệu USD Mỹ).
Hiện Tima đang thí điểm mô hình cửa hàng Online to Offline, nhằm tiếp cận các khách hàng chưa có thói quen tiếp cận online. Tima dự kiến sẽ mở 63 cửa hàng Online to Offline như vậy trên toàn quốc, nhắm tới mục tiêu trở thành nền tảng cho vay ngang hàng (P2P lending) có quy mô giao dịch lớn nhất tại Việt Nam.