Tictag là Startup chuyên cung cấp những tiện ích không giới hạn cho khách hàng trong một lần chạm, hướng tới mô hình kinh doanh B2B (doanh nghiệp – doanh nghiệp).
Hiểu một cách đơn giản, khi người dùng muốn mở khóa cửa, xe, nhà hoặc sử dụng dịch vụ như thẻ membership tại các cửa hàng, họ chỉ cần làm một thao tác duy nhất là “chạm” thẻ vào đầu đọc là có thể thực hiện được.
Đến với Shark Tank, Đoàn Thiên Phúc - sáng lập kiêm CEO của Tictag muốn gọi vốn 6,820 tỷ đồng, tương đương 300.000 USD đổi lại 10% cổ phần.
Có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc với các Startup, bà Thái Văn Linh - Giám đốc vận hành & chiến lược Quỹ đầu tư VinaCapital – bình luận: Đây là mô hình con gà – quả trứng. Startup này cần cả khách hàng lẫn đối tác kinh doanh, mà một bên chưa có thì bên còn lại cũng sẽ không nhảy vào.
“Cách đây khoảng 5 - 6 năm, có một giai đoạn khoảng chừng 6 tháng, chị nói chuyện với mười mấy công ty chuyên giải quyết vấn đề y hệt em nói, nhưng trên nền tảng apps. Rồi khoảng 6 tháng sau, 100% công ty đó biến mất”.
“Rất khó để tạo ra hệ sinh thái như em nói. Hôm nay em mô tả chị thấy như 5 năm trước đang ngồi nghe các công ty đó. Chị quyết định không đầu tư”, Shark Linh từ chối.
Tictag cũng nhận về cái lắc đầu của Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group kiêm Chủ tịch HĐQT CEN Invest, và Shark Trần Anh Vương – CEO CTCP SAM Holdings, vì với mô hình kinh doanh này, 300.000 USD rót vào chỉ như “muối bỏ bể”.
Tương tự như Samsungpay, mô hình này cần “đốt” rất nhiều tiền để "educate" (hướng dẫn) người dùng.
“Máu” đầu tư rủi ro, Shark Phú chấp nhận rót vốn hơn 6 tỷ đồng vào lĩnh vực không hiểu gì, coi như học phí
3/5 Sharks lắc đầu. Chỉ còn Shark Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Sunhouse và Shark Trương Lý Hoàng Phi - GĐ Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) tỏ vẻ quan tâm tới dự án này.
Founder Tictag cam kết startup sẽ có lãi vào năm thứ 3, và năm thứ 5 công ty sẽ trị giá 16 – 63 triệu USD.
“Với một khoản đầu tư như bây giờ, 6 năm nữa 'exit' thì các anh chị sẽ lời 3 - 16 lần”, Phúc quả quyết.
“Anh chẳng hiểu gì về công nghệ thông tin, nhưng anh vẫn thích đầu tư vì anh muốn hiểu nó. Nếu không may anh mất tiền thì anh sẽ phải tự học. Anh muốn đầu tiên em tiêu hết 300.000 USD của anh để anh hiểu đã, lúc ấy anh mới đầu tư tiếp”, Shark Phú chia sẻ và cam kết đầu tư nếu như các con số Startup đưa ra là chính xác.
“Giả định mô hình của em sai…”, Shark Phú nói.
“… thì em có ở đợ cho anh được không”, Shark Vương cướp lời, ra điều kiện tương tự như phong cách của Shark Phú trong các tập Shark Tank trước.
Với phong cách đầu tư “ăn chắc”, Shark Phú yêu cầu Phúc nếu thất bại, thay vì làm chủ sẽ phải làm thuê cho ông trong 3 năm. Và ông sẽ đầu tư 300.000 USD đổi lấy 30% cổ phần.
Trong tâm thế không hài lòng khi số cổ phần đổi lại quá lớn, Phúc lại nhận được sự quan tâm thêm từ Shark Phi, với lời đề nghị 300.000 USD cho 20% cổ phần.
Tiết lộ kế hoạch gọi vốn vòng tiếp theo vào thời điểm cuối Quý 2/2018 với số vốn gọi dự kiến 1 triệu USD, Shark Phú ngỏ ý muốn bắt tay Shark Phi, cùng rót 300.000 USD đổi lấy 25% cổ phần của Tictag.
“Em muốn 550.000 USD cho 20% cổ phần”, Phúc quả quyết.
“Một mình chị thì sao?”, Shark Phi hỏi.
“Một mình chị phải cao hơn. Mức đầu tư 500.000 USD sẽ hợp lý”, Phúc nói.
Sau một hồi thương thuyết, các Sharks và Founder thống nhất mức đầu tư là 330.000 USD (Shark Phú đầu tư 150.000 USD, Shark Phi đầu tư 180.000 USD), đổi lại 20% cổ phần.
Các Sharks cũng chấp nhận ràng buộc kèm theo của Phúc, yêu cầu thời điểm thoái vốn tối thiểu phải sau 3 năm.
Tổng quan về thương vụ gọi vốn của Tictag
- Lĩnh vực: Công nghệ
- Mô hình kinh doanh: B2B
- Giá trị cốt lõi của Tictag dựa trên 3 yếu tố: Có khả năng thiết kế phần cứng, Có hệ thống phần mềm, Trải nghiệm xuyên suốt đối với người dùng
- Gọi đầu tư 6,820 tỷ đồng (tương đương 300.000 USD) đổi lấy 10% cổ phần
Kết quả: gọi vốn thành công 330.000 USD (tương đương 7,5 tỷ đồng), đổi lại 20% cổ phần, kèm ràng buộc thời điểm thoái vốn của các Sharks tối thiểu phải sau 3 năm.