Trước khi nói đến chuyện kêu gọi đầu tư, hãy nghĩ về tính khả thi của mô hình
Sinh năm 1991, Nguyễn Khôi hiện là nhà sáng lập, CEO của WeFit, mô hình được coi như “Uber” trong lĩnh vực tập luyện thể dục, thể hình tại Việt Nam.
Bình thường, khách hàng sẽ phải trả phí và chỉ được tập tại một phòng tập duy nhất, hoặc một vài phòng tập của cùng một chuỗi. Tuy nhiên với WeFit, họ sẽ chỉ trả một mức phí nhất định nhưng được tập luyện tại hàng trăm phòng tập khác nhau; đó có thể là những phòng tập gần nhà riêng, gần cơ quan hay có chất lượng phục vụ tốt nhất.
Ra mắt tháng 9/2016 nhưng đến nay WeFit đã trở thành nền tảng kết nối hơn 500 phòng tập phân khúc trung và cao cấp ở Việt Nam, bao gồm cả chuỗi phòng tập cao cấp như Elite. Gần đây, startup này còn tuyên bố đã kêu gọi thành công nguồn vốn đầu tư có tổng giá trị hơn 150.000 USD từ quỹ ESP Capital, VIISA và nhà đầu tư thiên thần Nhân Nguyễn.
Tuy nhiên theo CEO WeFit, trước khi nói đến chuyện kêu gọi đầu tư, startup cần xác định tính khả thi của mô hình.
“Các startup Việt thường ‘chết’ vì chưa xác định được mô hình có khả thi hay không mà đã tập trung vào làm. Kiểu như ‘tôi gặp vấn đề; tôi nảy ra hướng giải quyết; tôi thấy hướng đi của mình rất hay; tôi bắt tay vào làm; cuối cùng tôi nhận ra chỉ có 3 người gặp vấn đề như tôi’ và thất bại kéo đến”, Nguyễn Khôi giải thích.
Để xem một mô hình có khả thi hay không, startup hãy bắt đầu bằng những câu hỏi đơn giản. Câu hỏi đầu tiên là trên đời đã có ai nghĩ ra chưa? Nếu có thì phải tìm hiểu xem mô hình của họ đã phát triển đến mức nào rồi, còn có điểm nào chưa hợp lý? Nếu chưa ai nghĩ ra thì tại sao? Có phải bạn là người thông minh duy nhất trên đời nghĩ ra ý tưởng này hay ý tưởng có điểm gì “tử huyệt” khiến những người đã nghĩ ra không dám bắt tay vào làm?
Sau khi trả lời những câu hỏi này, startup mới tiếp tục phân tích và mang ý tưởng đi “thử”. Quá trình thử được xác định bằng cách hỏi ý kiến chuyên gia, tổ chức khảo sát hay như WeFit lựa chọn cách bán “thử” sản phẩm cho khách hàng.
“Mình coi như đã có sản phẩm rồi, đã nghĩ ra trong đầu sản phẩm hoạt động như thế nào rồi và mang sản phẩm đi bán. Nếu có người đồng ý mua thì lúc ấy mình mới bắt tay triển khai làm thật”, anh Nguyễn Khôi cho biết.
Khi mô hình đã hoạt động tốt, làm sao để kêu gọi đầu tư?
Cũng theo CEO của WeFit, đầu tư với startup rất quan trọng, đặc biệt các startup công nghệ vì cần có tốc độ phát triển nhanh. Do đó, để kêu gọi đầu tư, các startup cần chứng minh thông qua 3 yếu tố: đội ngũ nhân sự tốt, mô hình có tiềm năng và những gì làm được trong quá trình hoạt động.
Tuy nhiên không phải cứ gọi vốn đầu tư là đã thành công, quan trọng là phải tìm được nhà đầu tư phù hợp.
“Về mặt bản chất, kêu gọi vốn đầu tư là hoạt động bán cổ phần, nghĩa là nhà sáng lập cắt một phần sở hữu của mình cho những người khác. Câu chuyện khi đó chuyển sang tất cả cùng lên một chiếc thuyền, quan trọng nhất là những người trên thuyền hướng đến cùng một đích”.
Lý giải cụ thể hơn về điều này, anh Nguyễn Khôi cho biết các nhà đầu tư có thể thuộc vào nhiều trường phái khác nhau. Có trường phái đầu tư sẽ mong muốn vào những công ty có lãi ngay và nhận cổ tức hàng năm. Có trường phái không cần cổ tức ngay mà nhắm đến việc công ty lớn mạnh lên nhiều, khoản tiền của họ sẽ được dùng để tái đầu tư tiếp. Khi công ty lớn gấp vài trăm lần, họ sẽ thu tiền về qua hoạt động IPO hoặc thoái vốn cho một công ty khác.
“Vậy nên startup phải xác định đích của mình trước, sau đó xem đích của những người định rót tiền vào có giống đích của mình không”.
“Ví dụ có những người sáng lập xây dựng startup theo mục tiêu ‘build to sell’, làm xong sẽ mang đi bán. Khi có nhà đầu tư rót vốn và nuốt trọn công ty, nghĩa là họ đã thành công, đạt được mục đích thu tiền về chứ không phải thất bại”, CEO WeFit khẳng định.
Một điểm đáng chú ý là hiện nay, nhiều startup e ngại vấn đề nhà đầu tư sẽ vào nắm quyền kiểm soát, đẩy con thuyền đi lung tung. Tuy nhiên từ quan điểm của mình, anh Nguyễn Khôi cho biết phần lớn nhà đầu tư là những người nhiều tiền ít thời gian, họ không quá quan tâm đến việc tham gia sâu vào startup mà chỉ cần tìm người thích hợp để gửi gắm đồng vốn của mình.
“Như vậy, câu câu chuyện vẫn quay về việc hai bên phải nói chuyện rõ ràng với nhau xem mục tiêu của mỗi bên là gì, nều phù hợp thì mới đi xa được còn không sẽ có xung đột”.