Việt Nam có mức tiêu thụ giày dép khoảng 180 triệu đôi/năm, trung bình 2 đôi/người/năm, nhưng đến nay, 50% các loại giày dép trên thị trường đến từ nguồn nhập khẩu.
Cả nước đang có khoảng 800 DN hoạt động trong ngành giày dép, hầu hết là DN nhỏ. Thị phần trong nước không lớn, các DN chưa có kỹ năng nghiên cứu, đánh giá thị trường một cách chuyên nghiệp nên việc đầu tư sản xuất cho thị trường nội địa gặp nhiều khó khăn, chưa tạo được thương hiệu nổi tiếng.
Trong đó, việc “sính ngoại” của người tiêu dùng cũng là một yếu tố làm cho giày dép trong nước sản xuất không được dùng nhiều.
Tất nhiên, có những lý do khách quan. Chẳng hạn, như với đối tượng người tiêu dùng trẻ Việt Nam, ở phân khúc bình dân, giày dép Thái Lan, Trung Quốc chiếm trọn “tình cảm” bởi mẫu mã phong phú, giá bán rẻ. Trong khi ở tầm giá cao, những cái tên như Nike, Adidas, Puma lại làm mưa làm gió nhờ tạo ra được xu hướng thời trang, đi kèm với nhãn hiệu danh tiếng.
Khó khăn là vậy, tuy nhiên, vẫn còn đấy một “cánh cửa hẹp” dành cho các DN nội muốn chuyển mình, trong bối cảnh hàng ngoại đang ngày một lấn át hàng nội như hiện tại.
Nguyễn Mạnh Cường – founder startup giày Bentoni cho hay: “Trong khi phân khúc giày cao và thấp cấp tại Việt Nam đều đã có chủ, thì thị trường giày tầm trung (khoảng 500.000 – 1.500.000 đồng/ đôi giày) vẫn còn dễ thở. Có thể xem đây là một miếng bánh hấp dẫn dành cho các DN giày nội”.
Theo anh Cường, vấn đề của dòng giày tầm trung, đó là nhà sản xuất phải cân đối giữa 2 yếu tố: giá bán và chất lượng. Sản phẩm không được quá đắt, đồng thời chất lượng và mẫu mã luôn phải đa dạng, hợp xu hướng. Ra mắt thương hiệu Việt – Bentoni từ tháng 9/2017, bán được khoảng 1.000 đôi giày các loại, anh Cường khẳng định, tuy “béo bở” nhưng đây là một cuộc chơi không hề dễ dàng.
Khởi nghiệp từ gian hàng online của Muare, Enbac
Năm 2008, Nguyễn Mạnh Cường cùng người anh họ của mình là Ngô Bá Đạt bắt đầu kinh doanh giày online với 2 diễn đàn sơ khai là Muare và Enbac. Thời kì đầu, 2 thanh niên trẻ chủ yếu bán ra các mẫu giày Việt Nam xuất khẩu của các thương hiệu Nike, Adidas, Puma…
Dù chưa có nhiều kinh nghiệm trong ngành này, nhưng Cường và Đạt đã biết tạo ra sự “khác biệt” bằng cách đẩy mạnh hình ảnh, cũng như quảng bá các mẫu sản phẩm của mình.
So với các shop online cùng thời, gian hàng mà họ sở hữu rất chú trọng vào việc đăng tải ảnh thật của sản phẩm, chụp nhiều góc độ, có mô tả chi tiết, đồng thời, hướng dẫn tỉ mỉ cho người mua. Trong khi các shop online khác chỉ chăm chăm lấy ảnh có nguồn từ nước ngoài.
Tới năm 2010, Cường và Đạt thuê được một mặt bằng trên phố hàng Bông, Hà Nội với ý tưởng kết hợp vừa bán online, vừa bán lẻ. Tuy nhiên, thời gian này cũng trùng vào thời điểm nguồn hàng VNXK bắt đầu khan hiếm. Các shop bán hàng VNXK rơi rụng nhiều, hoặc một số shop dùng chiêu trò “trộn hàng” nhằm bán kiếm lời.
Cho rằng thị trường này không còn màu mỡ, họ chuyển sang kinh doanh giày xách tay từ 2011. Nhờ đó, sau mặt bằng ở hàng Bông, họ mở được thêm 2 điểm bán nữa ở các phố sầm uất như Cát Linh, Kim Mã.
Nguyễn Mạnh Cường cho biết, so với hàng VNXK trước kia, giày xách tay có mẫu mã hấp dẫn hơn, size giày đầy đủ hơn. Nhưng bù lại, Cường và Đạt cần nhiều vốn hơn do giày xách tay có giá bán cao. Thêm vào đó, vì luôn phải chờ mùa sale để nhập hàng, nên họ cũng không chủ động được số lượng bán ra.
“Giá bán cao, lượng hàng bị hạn chế khiến người kinh doanh giày xách tay tại Việt Nam rất khó mở rộng quy mô. Vì muốn đi theo hướng bền vững, chủ động về nguồn hàng, nên chúng tôi quyết định tạo ra thương hiệu giày Việt - Bentoni”, anh Cường chia sẻ.
Ra mắt từ tháng 9/2017, Bentoni tiêu thụ được vài chục đôi giày mỗi ngày với cửa hàng duy nhất đặt tại số 30 Kim Mã. Phân khúc mà thương hiệu giày Việt Nam tham gia là quãng tầm trung, nghĩa là cao hơn hàng bình dân, nhưng không đắt như giày ngoại.
Mỗi đôi giày mà Bentoni bán ra giao động trong khoảng 500 ngàn tới 1,5 triệu đồng, được lên ý tưởng hoàn toàn bởi người Việt. Đó là dòng sneaker, loafer, hay slip-on với phong cách tối giản, trẻ trung, linh hoạt, hướng tới đối tượng người đã đi làm, ưa thích sự năng động.
“Sau gần 10 năm kinh doanh giày ở Việt Nam, sự am hiểu thị trường chính là lợi thế của chúng tôi. Nhưng ngược lại, vì tham gia vào ngành nghề mới, nên đau đầu nhất với Bentoni vẫn là chất lượng sản phẩm. Do đó, chúng tôi cần thêm thời gian để kiểm thử “khẩu vị” của người tiêu dùng”, founder thương hiệu giày Bentoni cho hay.
Theo anh Cường, trong thời gian đầu, Bentoni chủ yếu sẽ học theo mẫu mã của các thương hiệu giày ngoại. Do bản thân họ không thể tạo ra xu hướng, nên việc học theo là điều tất nhiên. Nghĩa là Bentoni sẽ vừa bán ra, vừa đo lường sự hài lòng của khách. Mẫu nào bán chạy sẽ được Bentoni biến tấu lại, đưa tính nội địa vào, và bán ra với mức giá phù hợp.
Ngành thời trang nói chung, giày dép nói riêng rất cần nắm bắt xu hướng, đặc biệt là các dòng sản phẩm dành cho giới trẻ. Nên nếu không thể “bắt đúng trend”, thì thương hiệu giày dù là tây hay ta đều sẽ rất khó thành công. Và đây cũng là rủi ro chung của ngành giày.
Founder Bentoni cho hay, thời điểm hiện tại, thương hiệu này sẽ vừa đi vừa dò đường, tung thật nhiều mẫu mã để chắt lọc ra những sản phẩm đặc trưng, ăn khách nhất. Khi đã tìm ra được hình mẫu lí tưởng, họ sẽ đẩy mạnh sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm.
Dự kiến, tới cuối năm nay, Nguyễn Mạnh Cường và Ngô Bá Đạt sẽ mở thêm 3 cửa hàng nữa mang thương hiệu Bentoni. Sau 3 năm, họ sẽ xuất khẩu giày Việt ra nước ngoài. Xa hơn là việc kết hợp Bentoni với các thương hiệu đồ nam khác tạo thành một hệ sinh thái. Để người tiêu dùng thay vì phải đi lựa từng món đồ tại mỗi nơi khác nhau có thể thuận tiện chọn mua đồ tại một địa điểm gần nhất.