Những em bé Do Thái từ tuổi mẫu giáo đã tập “Chạm tay tới bầu trời”
“Israel được mệnh danh là quốc gia khởi nghiệp. Một trong những lý do nước chúng tôi được gọi như vậy là vì hệ thống giáo dục rất đặc biệt”, ông Doron Lebovich - Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển mô hình đào tạo khởi nghiệp từ giáo dục phổ thông” mới đây.
“Hàng nghìn năm trước đây, người Do Thái đã đặt chân lên đất nước Israel mà một nửa là hoang mạc. Chúng tôi không có dầu, không có bất cứ thứ gì, nguồn lực duy nhất chúng tôi có là con người. Cho nên, chúng tôi phải quyết đầu tư vào giáo dục”.
Trong những năm gần đây, người Israel tập trung vào khuyến khích học sinh học các môn Khoa học và Công nghệ, bên cạnh các môn Toán, Lý, Hóa và Kỹ thuật.
Chương trình học của Israel hiện tập trung vào STEM (viết tắt của các môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học). Người Do Thái tin rằng đây là những môn cơ bản để có thể học các môn khởi nghiệp.
Hãy xem một chương trình STEM được thiết kế ở Israel như thế nào?
- Mẫu giáo: Các em mẫu giáo được học các môn Khoa học, Công nghệ, Toán
- Tiểu học: Các em được học đủ 4 môn trong STEM
Nguồn: Slide thuyết trình của Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam Doron Lebovich tại hội thảo.
“Ở cấp Mẫu giáo và Tiểu học, chúng tôi dạy học sinh theo phương pháp tiếp cận STS (cách tiếp cận khoa học - công nghệ - xã hội). Các em sẽ được dạy cách dùng khoa học để giải thích các hiện tượng hàng ngày, và sử dụng cuộc sống hàng ngày để hiểu được khoa học là gì”, ông Doron giải thích.
- Cấp 2 – 3: Học STEM theo phương pháp tiếp cận liên ngành (Interdisciplinary approach). Thay vì dạy học sinh để biết từng môn học riêng biệt, các giảng viên cố gắng tích hợp các môn đó với nhau trong bài giảng. Tức, giảng viên tổng hợp kiến thức ở mỗi môn học để dạy thành một môn tổng hợp.
“Ở cấp Mẫu giáo và Tiểu học (7-13 tuổi), chúng tôi có những bài học siêu nhỏ về khoa học như “Chạm tới bầu trời””...
“Khi học sinh lớn hơn, chúng tôi cho chúng vào các phòng thí nghiệm để thực hiện dự án, Quan sát phòng thí nghiệm di động, Trại hè thiên văn để có thêm trải nghiệm thực tiễn”, ông Doron bổ sung.
Trong lớp học, học sinh luôn được khuyến khích học hỏi và trải nghiệm. Có những chương trình học mà các học sinh được chơi Lego để học hỏi về vật lý cũng như tính sáng tạo.
Từ mảnh đất hoang mạc khô cằn, Israel nay là vùng “màu mỡ” để khởi nghiệp
Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam cho biết: Hệ thống giáo dục đặc biệt của Israel là một mảnh đất màu mỡ cho Startup và doanh nghiệp phát triển, bởi ở đây có sự gắn kết chặt chẽ giữa Chính phủ, các học viện và các doanh nghiệp tư nhân.
Ông Doron Lebovich - Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp tư nhân sẽ được Chính phủ hỗ trợ vốn để kết hợp với các trường, nằm đưa lý thuyết vào thực tiễn trong quá trình học tập của học sinh.
“Một trong những cách chúng tôi làm là kết hợp với các công ty lớn như IBM hoặc Google để tạo ra những trải nghiệm thực tiễn cho học sinh. Khi học sinh thực hành, đó ngược lại cũng là nguồn nhân lực dồi dào cho các công ty lớn”, ông Doron nói thêm.
“Ở Israel, chúng tôi không coi giáo viên chỉ là người dạy, mà coi họ là nhân tố hình thành nên nội dung của nền giáo dục nước nhà. Vì vậy, các giáo viên được cho phép tự do thiết kế khóa học của mình”.
Chia sẻ về Việt Nam, ông Doron cho biết 3 năm trước khi đến thăm Việt Nam, ngồi gần Bờ Hồ, ông đã được rất nhiều em nhỏ và phụ huynh “vây” xung quanh trò chuyện để luyện tập tiếng Anh.
“Lúc đó, tôi nhận ra ở Việt Nam, giáo dục cực kỳ quan trọng. Khi trở lại Việt Nam 2 năm trước với tư cách Phó Đại sứ, ngay lập tức tôi nhận ra keyword ở Việt Nam là “Khởi nghiệp” và “Sáng tạo”. Đó là điều các bạn hướng tới tương lai”…
“Cuối cùng, tôi muốn nhắn nhủ: Đầu tư vào giáo dục không thể nhìn thấy kết quả ngay lập tức. Đó là một hành trình dài, cần 10 - 15 năm, thậm chí lâu hơn nữa”, ông Doron nói.
Chia sẻ quanh câu chuyện Giáo dục và Khởi nghiệp, TS. Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK - Holdings (Đại học Bách khoa Hà Nội), chia sẻ: “Để khởi nghiệp thành công, doanh nghiệp Startup không chỉ cần có cảm hứng, niềm đam mê mà cần phải có sự chuẩn bị, tích lũy kiến thức và những kỹ năng mềm ngay từ môi trường phổ thông”.
Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo, BK - Holdings (Đại học Bách khoa Hà Nội), Trung tâm hỗ trợ và phát triển thanh niên Hà Nội (Hanoi ADC) – Thành đoàn Hà Nội và Junior Achievement Vietnam (JA Vietnam) đã ký kết hợp tác nhằm hỗ trợ các Trường Phổ thông trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi ngiệp đổi mới sáng tạo.