Nhiều ngày qua, mạng xã hội Tiktok lẫn Facebook đều xôn xao bàn tán về video cho trẻ sơ sinh xông khi bị Covid-19 . Xuất hiện trong video là hình ảnh của một bé sơ sinh mới 1,5 tháng tuổi chẳng may mắc Covid-19. Người nhà của bé đang bế và hướng mặt bé vào chiếc nồi cơm điện dùng để xông. Nồi nước sôi sùng sục, bốc hơi nóng ngùn ngụt lên mặt bé.
Nếu như bình thường, người ta vẫn đun xong nồi xông rồi tắt bếp, bắc nồi xuống xông thì ở đây, em bé này được cho thẳng toàn bộ khuôn mặt vào nồi xông đang sôi sùng sục cho đến khi xông xong.
Trong khi bé cố hướng mặt ra chỗ khác để tìm lấy cảm giác dễ chịu hơn thì người nhà, vì mong muốn con nhanh khỏi bệnh, cố gắng hơ mặt mũi con thẳng vào luồng khí nóng bốc lên từ chiếc nồi cơm điện đang sôi nước sùng sục.
Nhìn những hình ảnh này, cộng đồng mạng không ít người có những ý kiến trái chiều khác nhau. Đa số bày tỏ sự thương cảm, mong con nhanh khỏi bệnh. Một số ít bày tỏ sự không đồng tình với cách chữa bệnh này khi trẻ bị Covid-19.
Tuyệt đối không được cho trẻ bị Covid-19 xông hơi vì quá nhiều rủi ro nguy hiểm
BS Trương Hữu Khanh (Thầy thuốc Ưu tú, Chuyên gia Dịch tễ, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) khẳng định, tuyệt đối không được cho trẻ xông khi bị Covid-19. Điều này quá nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của trẻ.
"Việc cho trẻ xông khi bị Covid-19 rất nguy hiểm. Điều này có thể khiến trẻ gặp những rủi ro sức khỏe khó lường. Vô tình, cha mẹ biến trẻ đang từ bệnh nhẹ thành thêm bệnh, tình trạng càng khó hồi phục hơn", BS Trương Hữu Khanh khẳng định.
Những rủi ro khi cho trẻ xông khi bị Covid-19 được vị chuyên gia liệt kê như sau:
1. Nguy cơ bị bỏng nặng
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vốn có làn da rất non nớt, mỏng manh. Chỉ cần trái gió trở trời, trẻ cũng hay dễ mắc bệnh ngoài da, bị khô nẻ rất đau đớn. Bây giờ, phụ huynh hơ nguyên cái mặt của con trước nồi xông sôi sùng sục thì da của người lớn cũng dễ bị bỏng nữa là trẻ. Đặc biệt là trẻ sơ sinh.
Điều này dẫn đến hậu quả con bạn sẽ bị bỏng, thậm chí là bỏng nặng. Nhất là hình ảnh hơ mặt con nhỏ trước nồi xông sôi sùng sục trong toàn bộ thời gian xông thì nguy cơ đó chắc chắn sẽ xảy ra.
2. Trẻ bị mất nước, mất điện giải
Bình thường, việc xông hơi đã khiến cơ thể mất nước. Nhưng với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có hệ miễn dịch còn yếu kém, cho trẻ xông dưới nồi nước xông sôi sùng sục chẳng hóa đang giết con.
"Trẻ lúc này dễ bị mất nước, mất điện giải. Điều này có thể khiến trẻ mệt lả dần, nguy cơ tử vong cao", chuyên gia khẳng định.
3. Tổn thương niêm mạc đường hô hấp
Việc hít thở luồng khí nóng thường xuyên, liên tục trong một khoảng thời gian nhất định vốn quá sức đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Đường hô hấp của trẻ còn đang trong giai đoạn phát triển. Việc xông hơi nóng thẳng vào mũi khiến niêm mạc đường hô hấp của trẻ bị khô, mỏng, ngày càng trở nên yếu ớt hơn, nguy cơ kích ứng, chảy máu mũi...
"Việc xông khi bị Covid-19 vốn không được tùy tiện, không phải ai cũng có thể tiến hành. Với người trưởng thành, chẳng may bị sốt cao vẫn luôn khuyến cáo không được xông nếu không muốn diễn tiến nặng thêm. Với trẻ nhỏ, điều này càng không được tùy tiện. Và tóm lại, nghiêm cấm xông cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ khi bị Covid-19 vì quá nguy hiểm", BS Trương Hữu Khanh nói.
Vậy, để chăm sóc trẻ nhiễm Covid-19 đúng cách tại nhà giúp trẻ nhanh khỏi, không lo biến chứng, cha mẹ cần lưu ý những gì?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, ngoài từ bỏ việc xông cho trẻ, cha mẹ cần chú ý những việc sau không nên làm khi điều trị trẻ nhiễm Covid-19 tại nhà :
- Không tự ý sử dụng 2 loại thuốc ho cùng lúc hoặc các loại thuốc ho có thành phần chống dị ứng, giảm ho.
- Không lạm dụng các vitamin kể cả vitamin C hay multivitamin.
- Không tự dùng thuốc kháng sinh, thuốc chứa corticoid, thuốc kháng virus...
- Không dùng các đơn thuốc trên mạng.
- Không chia sẻ đơn thuốc của trẻ.
Thay vào đó, cha mẹ nên làm những việc sau để con mắc Covid-19 nhanh chóng hồi phục:
1. Chế độ dinh dưỡng
- Đảm bảo đủ nước (với trẻ từ 0-6 tháng cần bú mẹ hoàn toàn; trẻ từ 7-12 tháng tuổi cần 800ml nước/sữa; Trẻ từ 1-3 tuổi cần 900ml; trẻ từ 4-8 tuổi cần 1.200ml; 9-13 tuổi cần 1.60-1.800ml; trẻ từ 14-18 tuổi cần 1.800-2.600ml).
- Ăn đầy đủ chất, cho trẻ ăn tăng cường trái cây, uống nước hoa quả…
- Không bỏ bữa.
- Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần bú mẹ kể cả mẹ là F0.
2. Vệ sinh cho trẻ
- Vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ, không kiêng nước.
- Vệ sinh tay thường xuyên.
- Vệ sinh mũi nếu trẻ chảy nhiều nước mũi/nước mũi đặc quánh. Nếu chảy mũi ít chỉ cần lau bằng khăn mềm sạch.
3. Khi trẻ bị sốt từ 38,5 độ C trở lên
- Chườm hạ sốt.
- Uống thuốc hạ sốt như paracetamol (Hapacol, Efferalgan, Doliprane, Tylenol…) liều 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 h, ngày không quá 4 lần.
- Bù nước.
Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, cần thông báo ngay cho Cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà để được xử trí.
4. Khi trẻ bị ho, đau họng
- Dùng thuốc ho phải theo chỉ định của bác sĩ, dùng khi thật cần.
- Thuốc ức chế ho: Dùng khi ho quá nhiều, không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi.
- Thuốc loãng đờm: Có thể thay thế bằng uống nhiều nước, không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.
- Thuốc ho thảo dược: Chú ý khuyến cáo dùng.
5. Đồ dùng thiết yếu cho trẻ mắc Covid-19
- Khẩu trang.
- Nước sát khuẩn.
- Máy đo SpO2 cầm tay.
- Nhiệt kế.
- Điện thoại.
- Thuốc hạ sốt dạng uống, đặt hậu môn, Oresol, thuốc ho, vitamin tổng hợp.
- Nước muối sinh lý.
6. Khi cần tư vấn hoặc thấy trẻ có biểu hiện bất thường cần báo cho ai?
- Cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu…
- Liên hệ điện thoại của các bệnh viện có khoa Nhi hoặc các cơ sở xử trí của từng phường/huyện để được tư vấn.
Ví dụ tại Bệnh viện Bạch Mai, có thể liên lạc số điện thoại 086.958.7716 của Trung tâm Nhi khoa.
Hotline 0241022 nhánh số 3 của mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tại Hà Nội, Các ứng dụng, các group zalo, facebook tư vấn sức khỏe miễn phí đáng tin cậy của các thầy thuốc...