Giám sát chất lượng tận vườn
Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) tăng cường nhân lực, hoạt động 24 giờ mỗi ngày và 7 ngày một tuần để kiểm định và nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan. Báo chí Thái Lan ví những nỗ lực của các quan chức chính phủ như mở "luồng xanh" cho sầu riêng nước này khi mùa thu hoạch bắt đầu. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký VINAFRUIT, thời gian gần đây, mỗi ngày có khoảng 500 container sầu riêng (tương đương khoảng 10.000 tấn) của Thái Lan được đưa đến cửa khẩu Trung Quốc. Số lô hàng có tồn dư hóa chất bị phát hiện và trả về chỉ một vài container. Do tỷ lệ vi phạm ít nên GACC mới ưu tiên mở "luồng xanh" cho người Thái. Đó cũng là cơ sở để quan chức Chính phủ Thái Lan đàm phán với Trung Quốc.
Cũng theo ông Nguyên, để kiểm soát chất vàng 0, Thái Lan đã triển khai hơn 300 nhà môi giới, thực chất là các phòng kiểm định địa phương (chưa được GACC chấp nhận). Các phòng môi giới này có trách nhiệm kiểm tra giám sát chất lượng tại các vườn. Đây là giai đoạn kiểm tra bước 1, có giấy xác nhận của các nhà môi giới là hàng không tồn dư "chất cấm" thì chủ vườn mới bán được hàng cho các cơ sở thu mua, đóng gói xuất khẩu. Sau đó, sản phẩm được các cơ sở kiểm định chất lượng được GACC chấp nhận tiến hành hậu kiểm trước khi đưa hàng lên cửa khẩu.
"Người Thái đã kiểm tra, giám sát và truy xuất chất lượng sầu riêng đến tận vườn, còn Việt Nam chỉ mới truy xuất tới cơ sở đóng gói. Các cơ sở thu mua gom từ nhiều vườn khác nhau và khi lô hàng bị phát hiện vấn đề sẽ không biết nguồn gốc từ đâu. Đây là lý do khiến hoạt động xuất khẩu sầu riêng vẫn phập phồng", ông Nguyên phân tích.

Thái Lan mở được luồng xanh cho sầu riêng xuất khẩu vào Trung Quốc nhờ giám sát và truy xuất nguồn gốc tận vườn
ẢNH: CHÍ NHÂN
Báo cáo của ngành rau quả Thái Lan cho biết, lũy kế từ đầu năm đến ngày 20.4.2025 nước này đã xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc đạt giá trị lên đến 287 triệu USD, tương đương 71.000 tấn. Trong khi đó, 3 tháng đầu năm 2025, tổng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam mới đạt 98 triệu USD.
Một yếu tố không kém phần quan trọng là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ ngành liên quan. Khi Bộ Nông nghiệp đàm phán mở được luồng xanh thì gần như cùng lúc, Bộ Thương mại tổ chức hội chợ, livestream mời "ngôi sao" từ Trung Quốc đến tham gia bán hàng.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký VINAFRUIT cho rằng Việt Nam cần học người Thái trong việc triển khai giám sát và truy xuất nguồn gốc tận vườn để ngành hàng tỉ USD xuất khẩu bền vững. Việt Nam cần hành động nhanh hơn trước khi quá muộn
ẢNH: C.N

Ngành hàng tỉ đô của Việt Nam lung lay, ảnh hưởng đến nhiều nhà vườn khắp cả nước
ẢNH: CHÍ NHÂN
Việt Nam không còn độc quyền sầu riêng vụ nghịch
Đáng nói, nếu như trước đây chúng ta tự hào sầu riêng Việt Nam có quanh năm, đặc biệt là vụ nghịch ở các tỉnh miền Tây. Thế nhưng, kết quả xuất khẩu những tháng đầu năm nay cho thấy, Thái Lan cũng chuyển sang trồng sầu riêng vụ nghịch ở các tỉnh miền Nam. Ngoài Thái Lan và Việt Nam, "sân chơi" này còn có thêm nhiều nước khác như Philippines, Malaysia và mới nhất là Campuchia.
"Sau một thời gian siết chặt nguồn cung vì chất lượng, thị trường Trung Quốc đang khan hiếm sầu riêng và "cơn thèm" sầu riêng của người tiêu dùng cũng gia tăng. Sầu riêng Thái sẽ hốt bạc với hàng loạt chiến lược thương mại rầm rộ hiện tại. Đối với Việt Nam, sầu riêng miền Đông sắp vào vụ và sau đó là các tỉnh Tây nguyên, nếu chúng ta vẫn mãi chậm chân trong việc mở "luồng xanh" thì thị phần sẽ rơi vào tay người Thái. Điều này không chỉ ảnh hưởng vụ mùa trước mắt mà có thể là thiện cảm của người tiêu dùng Trung Quốc trong cả những năm tiếp theo. Nếu để mất thiện cảm của người tiêu dùng thì rất khó lấy lại", ông Nguyên khuyến cáo.