Khách mua sắm bên trong một cửa hàng UNIQLO tại TP.HCM - Ảnh: Q.N.
Trong dịp đáng nhớ này, Ngài Tadashi Yanai - chủ tịch, giám đốc điều hành Tập đoàn Fast Retailing - tập đoàn sở hữu thương hiệu UNIQLO - cũng đã có mặt không chỉ để cùng cắt băng khánh thành cửa hàng UNIQLO đầu tiên tại Việt Nam mà còn để cam kết "cùng nhau phát triển".
Ít ai ngờ rằng, từ số lượng nhân viên rất hạn chế đến nay số lượng nhân viên của UNIQLO tại Việt Nam đã vượt con số 1.000, đang làm việc và vận hành cho 15 cửa hàng tại TP.HCM, Hà Nội và Hải Phòng cùng cửa hàng trực tuyến.
Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh hàng ngàn khách hàng xếp hàng để được tham quan và mua sắm các sản phẩm LifeWear của chúng tôi trong những ngày đầu khai trương. Đây cũng chính là động lực giúp chúng tôi quyết tâm mở thêm cửa hàng, nâng cao dịch vụ và đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội Việt Nam.
Ông Osamu Ikezoe (tổng giám đốc UNIQLO Việt Nam)
Theo ban giám đốc của UNIQLO Việt Nam, tốc độ phát triển của UNIQLO tại Việt Nam là "đúng kế hoạch". Nhưng trên thực tế, nhiều người đã nhìn nhận tốc độ phát triển của thương hiệu này tại Việt Nam là "thần kỳ" bởi ba năm UNIQLO vào Việt Nam cũng trọn ba năm cả thế giới rung chuyển vì đại dịch COVID-19, mọi nhu cầu cơ bản của con người đều phải cắt giảm huống chi là chuyện "quần quần áo áo".
Với những ai yêu và hiểu thì UNIQLO là hiện thân của phong cách sống - một phong cách sống hết sức giản dị nhưng chứa đầy sự thấu hiểu. Kiểu dáng chỉ là câu chuyện nhỏ. Ẩn sâu trong những sản phẩm thời trang dung dị đó là câu chuyện vô cùng ấm áp, khơi gợi nhiều suy nghĩ về sự thấu hiểu, chất liệu tái chế, "sống xanh" kèm những cam kết phát triển cùng cộng đồng.
Các tín đồ của jeans chắc hẳn đã từng hoảng hồn khi biết người ta tốn đến 11.000 lít nước trong việc chế biến vải giặt ủi để tạo ra một chiếc quần jeans xanh. Nhưng giờ đây UNIQLO đã có thể tạo nên những chiếc quần jeans đẹp mỹ mãn với lượng nước chỉ bằng... một tách trà! (Dữ liệu dựa trên nghiên cứu với Quần Jeans Regular Fit (màu 68 Blue). Mức tiết kiệm nước có sự chênh lệch nhỏ giữa các sản phẩm).
Và đó chỉ là một trong những cách UNIQLO chinh phục thế giới. Còn tại Việt Nam, mấu chốt thành công sẽ được hé lộ một phần trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ cùng ông Osamu Ikezoe, tổng giám đốc UNIQLO Việt Nam.
* UNIQLO Việt Nam có phải đưa ra những thay đổi hay quyết định gì đặc biệt trong ba năm khởi đầu nhưng lại... phải đương đầu với thử thách từ đại dịch COVID-19 tại Việt Nam?
- Điều duy nhất chúng tôi có thể làm lúc đó là cùng người dân Việt Nam vượt qua đại dịch. Chúng tôi đã trao tặng 600.000 khẩu trang y tế trong những ngày đầu cả nước cùng chung tay đẩy lùi dịch COVID-19. Hơn 45.000 sản phẩm AIRism và DRY-EX với chức năng thấm hút mồ hôi tốt, khô thoáng UNIQLO được gửi đến đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên tiếp sức tuyến đầu chống dịch.
Cùng với Fast Retailing Việt Nam, chúng tôi ủng hộ 11 tỉ đồng đến Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19. Chúng tôi cũng hợp tác cùng Hội Doanh nhân hàng Việt Nam chất lượng cao để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp và nông dân địa phương thông qua việc quảng bá sản phẩm tại cửa hàng, tổ chức chuỗi Phiên chợ xanh tử tế.
Khi dịch cơ bản được đẩy lùi, chúng tôi tiếp tục với chương trình Re.UNIQLO. Hơn 15.000 sản phẩm thu thập từ tất cả các khách hàng đã được gửi đến hàng ngàn em nhỏ, người dân các huyện miền núi khó khăn nhất của cả nước thuộc các tỉnh như: Hà Giang, Điện Biên, Sơn La...
Ngoài ra, chúng tôi cũng tôn vinh văn hóa Việt và tinh thần sáng tạo trẻ với hoạt động hợp tác cùng họa sĩ Việt, đồng thời thúc đẩy sự phát triển chung cộng đồng thông qua những dự án kết hợp cùng các thương hiệu, doanh nghiệp địa phương để đưa lên các sản phẩm của UNIQLO.
Ông Osamu Ikezoe và hành trình 3 năm UNIQLO tại Việt Nam - Ảnh: Q.N.
* Đâu là cửa hàng khiến ông "xao xuyến" khi nghĩ về nhất?
- Là cửa hàng UNIQLO Đồng Khởi. Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh hàng ngàn khách hàng xếp hàng để được tham quan và mua sắm các sản phẩm LifeWear của chúng tôi trong những ngày đầu khai trương.
Đêm trước ngày khai trương, tôi rất căng thẳng, không biết khách hàng có đón nhận mình hay không. Việt Nam là một thị trường mới đầy tiềm năng và tổng công ty lẫn ngài Yanai đã đặt rất nhiều kỳ vọng nên chúng tôi không thể thất bại. Khi thấy dòng người xếp hàng thật dài ngày qua ngày, tôi đã rất vui mừng.
Tất cả như một giấc mơ, thật sự khách hàng đã rất yêu quý chúng tôi. Đây cũng chính là động lực giúp chúng tôi quyết tâm mở thêm cửa hàng, nâng cao dịch vụ và đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội Việt Nam.
* Đâu là điều ông thấy tự hào nhất sau ba năm UNIQLO chính thức có mặt tại Việt Nam?
- UNIQLO đã trở thành thương hiệu không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người Việt.
Ba năm ở đây, chúng tôi đã có gần 1.000 nhân viên ngày đêm tận tụy phục vụ khách hàng. Chúng tôi đã đào tạo được một đội ngũ nhân sự chất lượng cao, đủ trình độ làm việc toàn cầu.
Rất nhiều vị trí cao của UNIQLO tại Việt Nam là do người Việt nắm giữ. Dù mọi thứ không hoàn toàn diễn ra suôn sẻ, có lên có xuống, thậm chí phải đóng cửa hàng vì dịch bệnh nhưng tôi hạnh phúc khi tất cả nhân viên đều đồng lòng. Tôi thật sự tự hào về đội ngũ nhân viên của mình.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã bắt tay với nhiều đối tác địa phương nhằm phát triển chuỗi cung ứng toàn diện.
* Người Việt có phong cách thời trang riêng. UNIQLO đã thay đổi như thế nào để thích ứng với một thị trường mới như Việt Nam?
- Ngoài phong cách còn phải kể đến tính cách, hình thể... Thế giới hiện nay là "borderless" (không biên giới) vậy nên LifeWear đã thể hiện được tinh thần đó rõ ràng nhất. LifeWear - những trang phục thường ngày đơn giản, mang tính ứng dụng và chất lượng cao - của UNIQLO là sản phẩm mà tất cả mọi người đều có thể sử dụng.
Việt Nam có đặc trưng vùng miền riêng. Khí hậu cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn trang phục của mọi người, vì vậy chúng tôi cũng tập trung vào việc phát triển các sản phẩm sao cho phù hợp với khí hậu từng vùng.
Ngoài ra, người Việt thường di chuyển bằng xe máy, thời tiết lại có khi nắng khi mưa, làm sao các sản phẩm của UNIQLO có thể mang đến nhanh nhất các sản phẩm có tính năng phù hợp là điều mà chúng tôi luôn nỗ lực thực hiện trong thời gian qua.
* Dịch bệnh và sau đó là suy thoái kinh tế hẳn sẽ chi phối thói quen tiêu dùng thời trang. Ông đánh giá như thế nào về xu hướng mua sắm trong tương lai gần?
- Khách hàng sẽ mua sắm những gì hợp lý nhất. Vậy nên khách hàng cần gì và chúng tôi có thể làm được gì để đưa ra sớm nhất những sản phẩm phù hợp trong giai đoạn này là một thử thách đối với chúng tôi.
Về chiến lược kinh doanh, chúng tôi mong muốn phát triển hơn nữa, mở nhiều các cửa hàng hơn nữa nhằm trao thêm cơ hội việc làm cho mọi người. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã tuyển dụng nhân sự người khuyết tật, trao cơ hội được hòa nhập, làm việc và cống hiến trong môi trường UNIQLO.
Không chỉ câu chuyện đội ngũ, việc bắt tay với các công ty sản xuất hay chuỗi cung ứng cho UNIQLO cũng vậy. Đó là một phần UNIQLO đang đóng góp cho sự phát triển cho xã hội Việt Nam.
* Ông có thể bật mí "kế hoạch hành động" trong năm 2023?
- Có ba mục tiêu chính. Đầu tiên là mở thêm cửa hàng. Thứ hai là tăng số lượng sản xuất sản phẩm tại Việt Nam vì Việt Nam là đất nước vừa có cơ sở bán lẻ vừa có cơ sở sản xuất. Và thứ ba là đào tạo nhân lực.
UNIQLO mong muốn đào tạo nhân tài của Việt Nam, những người có thể làm việc và phát triển, trở thành lãnh đạo trên toàn cầu. Đó là điều mà ngài Tadashi Yanai và UNIQLO đã cam kết cùng Chính phủ Việt Nam từ năm 2019. Tôi hy vọng trong năm 2023, kết quả của lời hứa đó sẽ đạt được nhiều hơn nữa so với năm nay.