Nhớ về cơ duyên đến với nghiên cứu khoa học chị cho biết bản thân được sinh ra trong gia đình bố mẹ đều là giảng viên đại học. Nên việc nghiên cứu đã trở nên quen thuộc với chị ngay từ nhỏ. Từ đó niềm đam mê nghiên cứu khoa học cứ lớn dần lên theo chị. Để rồi từ khi vào đại học cho đến học thạc sĩ và tiến sĩ tại Nhật Bản, chị vẫn theo đuổi con đường đầy chông gai này. Hiện PGS.TS. Phan Thị Phương Nhi là giảng viên trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế.
Chia sẻ về việc lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu liên quan nhiều đến khoa học cây trồng, PGS.TS cho biết vì yêu thích thiên nhiên nên muốn tìm hiểu sâu hơn. “Khi hòa mình vào thiên nhiên cây cối tôi cảm thấy được thư thái hơn. Chuyên môn của tôi là về di truyền và giống cây trồng nên muốn tập trung nghiên cứu về đặc tính di truyền và sự đa dạng trong di truyền”, chị kể.
Với 67 bài báo khoa học được đăng tải, đồng tác giả của 8 cuốn sách và giáo trình, thực hiện 24 đề tài khoa học, tất cả những “đứa con” tinh thần của chị Phương Nhi đều hướng đến mục đích chung là tuyển chọn được loại giống cây trồng tốt nhằm bảo tồn nguồn gen, gìn giữ được giống cây trồng bản địa.
PGS.TS Phương Nhi cho biết hiện nay các giống cây trồng bản địa có nhược điểm năng suất thấp song lại có phẩm chất tốt và khả năng chống chịu vượt trội. Tuy nhiên người nông dân chủ yếu chạy theo năng suất nên quên đi các giống cây này. Thực tế đây là nguồn gen vô cùng quý mà chúng ta cần phải bảo tồn.
Như kim chỉ nam cho các công trình nghiên cứu, khi thực hiện nghiên cứu tiến sĩ tại Nhật Bản chị cũng lựa chọn đề tài về đa dạng di truyền của cây dưa trong loài Cucumis melo ở Việt Nam.
Chia sẻ về ý tưởng cho ra đời đề tài này chị Phương Nhi cho biết bắt nguồn từ sở thích nghiên cứu về sự đa dạng của các cây trồng bản địa cùng sự tư vấn của thầy giáo hướng dẫn. “Giống cây trồng bản địa của một loài nào đó, được trồng ở các địa phương khác nhau nếu nhìn bằng mắt thường bạn khó có thể phân biệt được thông qua các đặc điểm hình thái . Song với việc ứng dụng chỉ thị DNA, tôi có thể phân biệt bằng các dẫn chứng khoa học dẫu có vẻ ngoài giống nhau”, chị bộc bạch.
PGS. TS Phương Nhi cũng cho biết đề tài nghiên cứu tiến sĩ này của chị là công trình đầu tiên ở Việt Nam tiến hành nghiên cứu đa dạng của loài Cucumis melo L. một cách có hệ thống.
Chia sẻ thêm về thời gian tiến hành công trình nghiên cứu khoa học này, chị cho biết đây cũng là thời điểm phải đối mặt với nhiều thử thách nhất. “3 năm nghiên cứu ở Nhật là thời gian tôi phải đối mặt với áp lực của cuộc sống mới. Để đủ điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ tôi phải có bài báo được đăng tải trên các tạp chí nước ngoài. Để đáp ứng được yêu cầu này tôi phải làm việc rất chăm chỉ trong suốt 3 năm. Thêm vào đó là áp lực làm sao nghiên cứu có kết quả để về nước đúng như dự kiến. Dẫu vậy đây cũng là thời gian bản thân tôi được rèn luyện về nghiên cứu và học hỏi được rất nhiều”, chị bộc bạch.
Hiện tại, PGS.TS Phương Nhi và các cộng sự đang ở giai đoạn đầu của việc tiến hành nghiên cứu về sự đa dạng của các giống chè ở miền Trung và sử dụng chỉ thị phân tử để nhận diện giống chè Truồi.
Thông thường mọi người chỉ biết đến các loại chè có nguồn gốc từ miền Bắc. Song đây sẽ là công trình đầu tiên đánh giá sự di truyền của các giống chè ở miền Trung. Hiện nay, chị đã tiến hành thu thập một số giống chè có nguồn gốc từ các tỉnh thuộc khu vực miền Trung như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, …
Đối với giống chè Truồi, PGS.TS cho biết đây là thức uống được các vua chúa xưa sử dụng, có vị thơm nồng, ngọt chát và dịu nhẹ. Hiện nay, người dân xứ Truồi (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) vẫn đang trồng loại cây này nhưng quy mô nhỏ, năng suất chưa cao. Nhận thấy được tầm quan trọng của giống chè này, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cũng rất quan tâm và đã đầu tư để phát triển thêm nhiều sản phẩm ứng dụng từ loại cây này.
Trước một số câu hỏi được đặt ra là liệu các giống chè có đặc điểm tương tự ở các địa phương khác có phải đều là một giống và tên gọi chè Truồi chỉ là sự ngẫu nhiên được đặt theo địa phương đang trồng. Hay giống chè Truồi của xứ Huế có sự khác biệt hoàn toàn. Với những câu hỏi này, chị Nhi mong muốn sử dụng chỉ thị phân tử để nhận diện giống chè đặc biệt của xứ Truồi.
“Đề tài nghiên cứu này góp phần bảo tồn và gìn giữ giá trị của giống chè Truồi. Đồng thời kết hợp với chính quyền địa phương tôi mong muốn đưa chè Truồi trở thành sản phẩm CO.OP”, chị chia sẻ.
Hiện nay, công trình này đang ở bước đầu của công việc nghiên cứu. PGS.TS cho biết phần thưởng từ giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2022 của L’Oréal - UNESCO sẽ giúp việc tiến hành nghiên cứu diễn ra thuận lợi hơn và đạt được kết quả như mục tiêu đề ra.
Chia sẻ về bài toán kinh tế trong việc nghiên cứu khoa học, PGS.TS Phương Nhi cho biết việc bỏ tiền túi để tiến hành nghiên cứu là câu chuyện phổ biến. “Không chỉ riêng tôi mà nhiều nhà khoa học khác cũng phải làm như vậy. Tuy nhiên kinh phí tự bỏ ra là ở mức cho phép. Bởi quỹ nghiên cứu khoa học có hạn nhưng ý tưởng để tiến hành rất nhiều. Với một số đề tài, ở thời điểm hình thành ý tưởng chúng tôi phải tự trang trải nhằm thử nghiệm . Sau khi có các nhận định ban đầu và có tính khả thi, chúng tôi mới bắt đầu tham gia vào các quỹ học bổng hay đăng ký đề tài các cấp để có được kinh phí hỗ trợ” chị nói.
Không chỉ về vấn đề kinh tế, các nhà khoa học khi nghiên cứu cũng đang gặp khó về tính thực tiễn của đề tài. “Hiện nay đề tài nghiên cứu rất nhiều nhưng xong đề tài là xong luôn. Nhiều đề tài có kết quả nghiên cứu rất tốt nhưng gặp khó khăn trong việc ứng dụng vào đời sống”, PGS.TS Phương Nhi chia sẻ.
Với kinh nghiệm 20 năm nghiên cứu khoa học, chị cho biết muốn thực hiện những đề tài có tính ứng dụng các nhà khoa học phải xuất phát từ nhu cầu địa phương để triển khai. Thứ hai, nhà khoa học nên có sự phối hợp với doanh nghiệp, hoặc liên kết với các đơn vị ngoài xã hội. Bởi đây là cơ sở để phát triển các sản phẩm sau nghiên cứu. “Một nhà nghiên cứu khoa học chỉ có thể hoàn thành tốt công việc nghiên cứu. Để phát triển xa hơn như sản xuất sản phẩm, tìm kiếm đầu ra, phân phối sản phẩm… họ cần có sự kết nối với doanh nghiệp, các đơn vị khác để gỡ rối vấn đề này”, PGS.TS Phương Nhi phân tích.
Nghiên cứu khoa học đã khó, đối với phụ nữ làm công việc này càng khó hơn. Nhiều lúc làm say sưa mà quên thời gian dành cho gia đình, bản thân là điều có thể xảy ra.
“Đặc biệt, ở thời điểm sinh em bé tôi đã nghĩ mình sẽ từ bỏ các ý tưởng nghiên cứu đang theo đuổi. Với đam mê và sở thích tôi vẫn không ngừng theo đuổi cho đến ngày hôm nay”, chị nói.
Dẫu con đường nghiên cứu khoa học có nhiều khó khăn, thử thách song nhờ bản tính của phụ nữ là tỉ mỉ, cẩn thận, chịu khó và hay lo lắng lại trở những ưu điểm. Vì lo lắng nên đôi khi các nhà khoa học nữ có thể hình dung được hết các trường hợp có thể xảy ra nhằm có sự chuẩn bị và phương án để khắc phục.