Theo đó, ngoài 5 phường hiện có, UBND tỉnh Bình Định xin thành lập thêm 6 phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 6 xã gồm: Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn An, Nhơn Hậu và Nhơn Phong.
Một góc của thị xã An Nhơn. Ảnh: Trương Định
Thành lập thành phố An Nhơn trên cơ sở nguyên trạng 244,494 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 180.019 người của thị xã An Nhơn hiện có.
Theo UBND tỉnh Bình Định, thị xã An Nhơn là đô thị vệ tinh của TP Quy Nhơn và là trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa-xã hội trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định.
An Nhơn có hệ thống giao thông rất thuận lợi, có đường QL1A, QL19 và đường sắt Bắc - Nam đi qua, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là địa phương có dự án Tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông và dự án Tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku (Gia Lai) đi qua.
Thị xã An Nhơn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhất là giai đoạn 5 năm gần đây, bình quân hằng năm đều đạt trên 15%, riêng năm 2021 do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19 nên đạt 8,5%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 gấp 3 lần năm 2011 (tăng từ 20,07 triệu đồng/người lên 59,85 triệu đồng/người).
Ngày 2/3/2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có Quyết định công nhận thị xã An Nhơn là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Bình Định, với phạm vi đánh giá khu vực nội thị gồm 5 phường (Nhơn Thành, Đập Đá, Nhơn Hưng, Bình Định và Nhơn Hòa) và ngoại thị gồm 10 xã (Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn An, Nhơn Hậu, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh, Nhơn Khánh, Nhơn Mỹ, Nhơn Tân).
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, việc thành lập các phường thuộc thị xã An Nhơn và thành lập thành phố An Nhơn là cần thiết và phù hợp với Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc, đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định và hiện trạng phát triển của thị xã An Nhơn và các xã hiện nay.