Thành công vượt ngưỡng 1.060 trong tuần trước, VN-Index đã kích hoạt hành động hiện thực hóa lợi nhuận của nhà đầu tư. Cụ thể, diễn biến hưng phấn theo đà xuất hiện trong phiên đầu tuần đưa VN-Index vượt ngưỡng 1.070 tuy nhiên áp lực chối lời đã xuất hiện và nhanh chóng đẩy chỉ số rời xa mốc này.
Nhịp điều chỉnh cũng xuất hiện sau đó đưa VN-Index về kiểm định mốc 1.060. Mốc 1.060 được kiểm định hai lần trong tuần tại các phiên ngày 17 và 19/5, sau đó VN-Index đã hồi phục và chốt tuần tại 1.067,07, so với cuối tuần trước VN-Index tăng nhẹ 0,17 điểm tương đương 0,02%.
Theo góc nhìn của Chứng khoán Vietcombank, VN Index tạo nến có dạng hammer trong xu hướng tăng giá, phần nào đã phản ánh sự hụt hơi của chỉ số trong ngắn hạn. Điều này cũng được thể hiện rõ hơn trên khung đồ thị ngày khi mà VN Index vẫn đang dao động tích lũy trong vùng mây ichimoku.
Các chỉ báo MACD và RSI trên khung ngày hiện chưa cho tín hiệu đảo chiều, cho thấy VN-Index nhiều khả năng là đang tái tích lũy ngắn hạn sau một số phiên tăng điểm. VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục có những phiên tăng giảm đan xen trong xu hướng đi lên zigzag một cách chậm rãi.
VHM là điểm sáng nổi bật trong tuần, cổ phiếu này đã tăng 5,7% giúp VN-Index tăng 3,2 điểm, không những vậy diễn biến tăng giá của VHM còn giúp nhóm cổ phiếu bất động sản có diễn biến khởi sắc hơn trong phiên cuối tuần.
Trong top 10 mã đóng góp tích cực cho VN-Index có sự hiện diện của nhiều ngân hàng thuộc top trung bình như STB, VIB, OCB với mức tăng 3 – 4%. Chiều giảm điểm dẫn đầu bởi HPG với mức giảm 2,5% ảnh hưởng 0,8 điểm lên VN-Index.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HOSE
Khối ngoại đã giao dịch tích cực trở lại khi mua ròng 784 tỷ đồng trên HOSE trong tuần qua. Trong đó dẫn đầu là giao dịch thỏa thuận mã STG của Kho vận Miền Nam phiên cuối tuần với giá trị lên đến 1.316 tỷ đồng, bỏ xa HPG xếp thứ hai với giá trị mua ròng 396 tỷ đồng.
Theo quan sát, giao dịch cổ phiếu STG chủ yếu được thực hiện thỏa thuận nên cầu ngoại không hỗ trợ giúp cổ phiếu này khởi sắc. Kết phiên, STG giảm nhẹ 0,2% xuống 53.700 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh vẫn nhỏ giọt với 8.600 đơn vị.
Chiều bán ròng dẫn đầu là VNM với giá trị bán ròng gần 300 tỷ đồng. Liên quan đến hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 cho thấy doanh thu thuần hợp nhất của Vinamilk đạt 13.918 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 0,3% so với cùng kỳ năm 2022, thực hiện 22% kế hoạch năm và chấm dứt xu hướng giảm từ quý II/2022. Theo khu vực địa lý, doanh thu thuần nội địa đạt 11.491 tỷ đồng và doanh thu thuần các thị trường nước ngoài đạt 2.428 tỷ đồng.
Cùng chiều, nhiều cổ phiếu tài chính, ngân hàng cũng lọt Top bán ròng như CTG (252,4 tỷ đồng), STB (168,4 tỷ đồng), SHB (144,9 tỷ đồng), VPB (102,3 tỷ đồng), SSI (54,9 tỷ đồng), ...
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HNX
Trên sàn HNX, khối ngoại quay đầu mua ròng hơn 47 tỷ đồng.
Ở chiều mua, nhóm này rót ròng hơn 36,4 tỷ đồng mua gom cổ phiếu DTD của Đầu tư phát triển Thành Đạt. Kế tiếp là TNG (16,9 tỷ đồng), CEO (11,6 tỷ đồng), DDG (9 tỷ đồng) và các giao dịch tương tự dưới 2 tỷ đồng như IDJ, PVI, TVD, VNR, MBG, ...
Chiều ngược lại, khối ngoại tập trung bán ròng 31,2 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, theo sau là 2,5 tỷ đồng mã BVS. Cùng với đó là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu như VCS, IDC, ONE, ... với giá trị thấp hơn.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên thị trường UPCoM
Tại thị trường UPCoM, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng gần 61 tỷ đồng.
Tại chiều mua, cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời dẫn đầu với quy mô gần 22,3 tỷ đồng. Hoạt động giải ngân còn được chứng kiến ở các cổ phiếu DDV, PAT, CST, PHP, ... quanh ngưỡng 1 tỷ đồng.
Tại chiều bán, nhóm nhà đầu tư tập trung bán ròng các cổ phiếu IDP (32,3 tỷ đồng), QNS (26,5 tỷ đồng), VTP (13,5 tỷ đồng), BSR (7,6 tỷ đồng), MCH (3,4 tỷ đồng), …