Sau mùa đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, thị trường ghi nhận nhiều công ty chứng khoán có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành thêm cổ phiếu, trong đó có những công ty dự kiến tăng vốn lên gấp 2 - 3 lần trong năm nay.
Như Chứng khoán Nhất Việt (mã: VFS), công ty chứng khoán này đã thông qua kế hoạch tăng vốn gấp 3 lần từ 802,5 tỷ đồng lên 2.400 tỷ đồng, thông qua hai hình thức là chào bán 39,75 triệu cổ phiếu riêng lẻ và chào bán tối đa 120 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1.
VFS cho biết mục đích của đợt tăng vốn này nhằm gia tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động truyền thống như cho vay ký quỹ, tự doanh, song song với việc mở rộng các nghiệp vụ kinh doanh như phái sinh, mở rộng địa bàn kinh doanh. Đặc biệt hơn là đầu tư công nghệ mới, giải pháp số mới, để nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm dịch vụ đến khách hàng.
Một công ty khác với kế hoạch tăng vốn lên gấp 2,3 lần là Chứng khoán VICS (mã: VIG). Đại hội đồng cổ đông năm 2023 VIG đã thông qua phương án chào bán 50 triệu cổ phiếu riêng lẻ với mức giá chào bán 12.000 đồng/cp, tăng vốn điều lệ từ 451 tỷ đồng lên 1.051 tỷ đồng. Mục đích đợt phát hành này là để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và xoá một phần lỗ luỹ kế của công ty.
Một số công ty chứng khoán khác có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên thêm 35 - 70% như Chứng khoán HD, Chứng khoán APEC, Chứng khoán APG và Chứng khoán SBS.
Cụ thể, Chứng khoán HD (HDS) dự kiến tăng vốn từ 1.023 tỷ đồng lên 1.750 tỷ đồng thông qua hai hình thức là chào bán 20,46 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 10:2 với giá chào bán 10.000 đồng/cp; và chào bán riêng lẻ 52,24 triệu cổ phần với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp.
Tương tự, Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (APEC, mã: APS) muốn phát hành 50 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Số tiền huy động sẽ được APEC cân đối sử dụng cho các hoạt động tự doanh, dịch vụ tài chính – chứng khoán, cung ứng vốn cho hoạt động cho vay margin.
Đồng thời, để bổ sung vốn lưu động, APEC sẽ phát hành cổ phiếu ESOP với số lượng không vượt quá 5% số cổ phiếu đang lưu hành của công ty trong 12 tháng và giá phát hành không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Nếu hoàn thành các đợt phát hành này, vốn điều lệ APEC sẽ tăng từ 830 tỷ đồng lên 1.372 tỷ đồng.
Một công ty khác là Chứng khoán APG (mã: APG), dự kiến phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu với giá phát hành không thấp hơn 11.000 đồng/cp, đồng thời phát hành hơn 7,3 triệu cổ phiếu ESOP với giá phát hành 10.000 đồng/cp. Nếu cả hai đợt phát hành đều thành công, vốn điều lệ của Chứng khoán APG sẽ tăng từ 1.463 tỷ đồng lên hơn 2.236 tỷ đồng.
Nói về sự cần thiết phải tăng vốn, APG cho biết, sau một năm sụt giảm về cả về điểm số và thanh khoản của VN-Index, thị trường đang dần cho thấy sự phục hồi với những diễn biến tích cực trong thời gian gần đây. Việc chào bán cổ phiếu tăng vốn điều lệ là thực sự cần thiết, tạo cơ sở để công ty đạt được các mục tiêu chiến lược, giúp gia tăng năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn cho hoạt động margin, tự doanh…
Chứng khoán SBS (mã: SBS)ẽ được SBS phân bổ sử dụng cho các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán của công ty bao gồm hoạt động môi giới chứng khoán, giao dịch ký quỹ chứng khoán, đầu tư tự doanh chứng khoán.
Nhìn chung, việc tăng vốn điều lệ của các công ty chứng khoán sẽ giúp bổ sung thêm nguồn lực nhằm tăng vốn kinh doanh, cho vay margin, tự doanh, đầu tư… Các hoạt động này có thể giúp gia tăng dòng tiền tham gia vào thị trường chứng khoán, giao dịch trên thị trường sẽ diễn ra sôi động hơn.
Bên cạnh đó, việc tận dụng bối cảnh thị trường đi ngang như hiện tại để cải thiện năng lực tài chính, tăng quy mô nguồn vốn, sẵn sàng với những đợt sóng mới của các công ty chứng khoán là điều cần thiết và hợp lý.