Trường nghề tiền tỉ vắng học viên
Năm 2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự án Trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên H.Hương Khê với tổng mức đầu tư hơn 39 tỉ đồng. Công trình này được xây dựng trên diện tích hơn 3,5 ha ở xã Hương Bình (H.Hương Khê), do UBND H.Hương Khê làm chủ đầu tư.

Trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên H.Hương Khê hơn 39 tỉ đóng cửa do vắng học viên
ẢNH: PHẠM ĐỨC
Đến tháng tháng 9.2014, sau 3 năm xây dựng, trung tâm hoàn thành, đưa vào sử dụng. Trung tâm gồm các hạng mục: nhà hiệu bộ, nhà dạy học lý thuyết, nhà xưởng thực hành, nhà thực nghiệm, nhà ăn, ký túc xá 3 tầng…
Theo quy hoạch, trung tâm có khả năng đào tạo nghề sơ cấp và trung cấp cho 600 học viên/năm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, ngay từ đầu năm học 2014 - 2015, trung tâm chỉ có 130 học viên theo học. Sang năm học 2015 - 2016 giảm xuống còn 86 học viên và đến năm học 2016 - 2017 chỉ còn 48 học viên. Các năm học 2018 - 2019 và 2019 - 2021, trung tâm chỉ duy trì một số lớp với số lượng hơn 30 học viên.
Trong quá trình hoạt động, do không thu hút được học viên nên nhiều hạng mục tại trung tâm không sử dụng đến. Theo báo cáo của Trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên H.Hương Khê, do cơ sở nằm cách xa trung tâm thị trấn huyện, đi lại khó khăn, tỷ lệ huy động học viên vào học vì thế cũng đạt thấp.
Đến năm 2022, trung tâm phải đóng cửa và kể từ đó đến nay ở trong tình trạng bỏ hoang, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Ông Phan Hữu Long (46 tuổi, ngụ xã Hương Bình) cho biết, do vị trí xây dựng nằm xa trung tâm huyện nên học sinh không muốn đến học, cuối cùng trường được đầu tư tiền tỉ phải đóng cửa, gây lãng phí cơ sở vật chất.
"Việc trung tâm bỏ hoang không chỉ gây lãng phí mà còn có nguy cơ trở thành nơi tụ tập của các đối tượng xấu nếu không được bảo vệ tốt. Chúng tôi mong chính quyền sớm có biện pháp xử lý", ông Long bức xúc.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện bên trong khuôn viên trung tâm cỏ mọc um tùm, rêu mốc bám đầy từ sân đến tường các dãy nhà. Một số trang thiết bị bám đầy bụi bẩn, hệ thống cửa bị hư hỏng, tường và nền nhà bong tróc nham nhở. Nơi này đã trở thành địa điểm thả nuôi trâu bò và gia cầm của người dân trên địa bàn.
Chọn vị trí xây không phù hợp
Ông Lê Văn Hợp, Giám đốc Trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên H.Hương Khê, cho biết trước khi vào năm học 2021 - 2022, UBND H.Hương Khê đã cho đơn vị này sửa chữa lại Trường THPT Gia Phố (cũ) ở TT.Hương Khê để làm cơ sở đào tạo.
Ngôi trường này dù không có diện tích rộng lớn và hệ thống cơ sở vật chất bề thế so với điểm cũ ở xã Hương Bình, song do nằm ở gần trung tâm huyện nên thuận tiện hơn cho việc dạy học và thu hút học viên. Trong năm học này, trung tâm vẫn tiếp tục duy trì 3 lớp dạy nghề ở điểm cũ xã Hương Bình và mở 8 lớp ở nơi mới.

Người dân thả nuôi gia cầm tại trung tâm dạy nghề hàng chục tỉ
ẢNH: PHẠM ĐỨC
Đến năm học 2022 - 2023, trung tâm quyết định đóng cửa cơ sở ở xã Hương Bình, chuyển toàn bộ học viên về học tại cơ sở ở thị trấn huyện.
"Cơ sở dạy nghề ở xã Hương Bình nằm cách xa trung tâm thị trấn, trong khi số lượng học viên của chúng tôi chủ yếu đến từ các xã tại vùng thượng huyện. Do quãng đường từ nhà đến trường rất xa nên ngoài việc khó thu hút học viên thì số các em bỏ học giữa chừng cũng rất nhiều.
Đây là vấn đề mà chính quyền địa phương đã không tính toán được khi quyết định lựa chọn địa điểm để đầu tư xây dựng. Còn từ khi trung tâm chuyển về cơ sở ở TT.Hương Khê thì số lượng học viên tăng dần lên và hiện nay đang có hơn 500 em theo học", ông Hợp nói.
Theo ông Hợp, sau khi đóng cửa cơ sở ở xã Hương Bình, trung tâm đã chuyển toàn bộ trang thiết bị dạy học về địa điểm mới. Để tránh lãng phí, trung tâm sẽ đề xuất với UBND huyện cho bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với cơ sở ở xã Hương Bình vì không còn nhu cầu sử dụng.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Bảo, Phó chủ tịch UBND H.Hương Khê, cho hay vào năm 2011, Trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên H.Hương Khê là một trong 3 dự án cơ sở đào tạo nghề mẫu ở tỉnh Hà Tĩnh được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của Bộ LĐ-TB-XH. Mục đích xây dựng các trung tâm này là nhằm thực hiện việc đào tạo nghề cho lao động vùng nông thôn.
"Theo yêu cầu đặt ra lúc đó thì trung tâm đào tạo nghề phải đảm bảo diện tích tối thiểu 3 ha, nhưng khi khảo sát thì ở trung tâm huyện không có quỹ đất nào đủ rộng như vậy. Duy chỉ có khu đất ở xã Hương Bình là đủ diện tích yêu cầu, không phải giải phóng mặt bằng nên huyện đã chọn nơi đây để xây dựng trung tâm dạy nghề", ông Bảo giải thích.
Ông Bảo cũng thông tin, sau khi cơ sở dạy nghề ở xã Hương Bình đóng cửa, huyện này trước mắt giao cho Trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên H.Hương Khê tiếp tục quản lý và bảo vệ tài sản.
Chính quyền H.Hương Khê cũng đang lên kế hoạch giải quyết trụ sở trung tâm dạy nghề, với các phương án dự kiến là cho thuê hoặc bán đấu giá tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp để làm khu du lịch sinh thái.