Xã hội

Nguy cơ thuốc giả tràn qua chợ mạng: Bịt lỗ hổng bằng "tường lửa" và pháp lý

Tóm tắt:
  • Cần luật hóa hoạt động bán thuốc online và quy định rõ đối tượng kinh doanh.
  • Các nền tảng như TikTok, Facebook cần kiểm duyệt nội dung bán dược phẩm.
  • Công nghệ Blockchain giúp xác minh hàng thật - giả và truy xuất nguồn gốc thuốc.
  • Quản lý bán thuốc online cần chặt chẽ, không qua mạng xã hội mà qua ứng dụng chuyên dụng.
  • Chương trình "Tích xanh trách nhiệm" sử dụng Blockchain để ngăn chặn giả mạo sản phẩm thực phẩm.

Bên cạnh đó, cần yêu cầu các nền tảng như TikTok, Facebook, Shopee triển khai bộ lọc tự động, kiểm duyệt nội dung bán hàng dược phẩm, đồng thời xử lý nghiêm hành vi quảng cáo thổi phồng, sai sự thật.

Bịt lỗ hổng thuốc giả bằng tường lửa và quy định pháp lý chặt chẽ - Ảnh 1.

Mô hình ứng dụng cho người tiêu dùng khi xác thực hàng thật hay giả do PGS-TS Nguyễn Đình Quân nghiên cứu

ẢNH: CHỤP LẠI MÀN HÌNH

Về mặt công nghệ, PGS-TS Nguyễn Đình Quân (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cho rằng giải pháp Blockchain là bước tiến quan trọng để chống hàng giả. Công nghệ này cho phép tạo mã ID duy nhất, không trùng lặp, có thể in lên nhãn sản phẩm (SP), cho phép người tiêu dùng xác minh thật - giả, còn hạn hay hết hạn sử dụng. "Chống hàng giả không chỉ vì lợi ích doanh nghiệp, mà là trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng", ông Quân nhấn mạnh, nhưng cũng cảnh báo ý thức chống giả của nhiều doanh nghiệp còn rất yếu, vì cho rằng hàng giả "chưa ảnh hưởng đến mức phải đầu tư công nghệ".

Ông Quân cho rằng, ứng dụng công nghệ này cho thị trường y dược, dược phẩm rất là cần thiết và thiết thực bởi thuốc giả gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đây là thực trạng nhức nhối không chỉ ở VN mà còn cả trên thế giới.

Liên quan các giải pháp quản lý hoạt động mua bán thuốc qua mạng, TS Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM, cho biết tại một số quốc gia, việc kinh doanh thuốc được kiểm soát rất chặt chẽ. Một số nước cho phép bán thuốc trực tuyến nhưng với những quy định nghiêm ngặt, như: chỉ được phép bán từ các hiệu thuốc online đã được kiểm soát, quy trình định danh người mua, kiểm soát toa thuốc rất nghiêm ngặt, và toàn bộ quá trình mua - bán phải được lưu trữ trên hệ thống, thậm chí là lưu trữ bằng công nghệ blockchain để đảm bảo truy xuất, minh bạch và hậu kiểm. Ở một số nước khác, các loại thuốc không kê đơn như thuốc cảm, thuốc đau đầu, vitamin… có thể được bán ở các cửa hàng tiện lợi hoặc trạm xăng để người dân dễ dàng tiếp cận.

Tại VN, theo TS Đào Hà Trung, việc kiểm soát mặt hàng thuốc, đặc biệt là thuốc bán online, cần được quản lý chặt chẽ hơn nữa. "Nếu là thuốc, thì nhất định không được phép bán qua các nền tảng mạng xã hội trực tuyến, mà phải thông qua các ứng dụng chuyên dụng được cấp phép và bảo đảm an toàn", ông Trung nhấn mạnh và đề xuất phải có quy định chặt chẽ từ khâu kê đơn, xác định bác sĩ chuyên môn nào được phép kê loại thuốc nào, liên quan biệt dược cụ thể và mã số bệnh lý tương ứng, cho đến quy trình giao - nhận thuốc, đảm bảo người bệnh được hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng. Bệnh nhân cần có khả năng liên hệ trực tuyến với dược sĩ trong quá trình sử dụng thuốc khi cần thiết. Ngoài ra, thuốc chỉ nên được phân phối qua hệ thống nhà thuốc online, các website có nhận diện rõ ràng và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Về mặt công nghệ, ông Trung nhấn mạnh truy xuất và truy vết đầy đủ là công cụ bắt buộc, không chỉ với thuốc mà cả với thực phẩm và các SP bổ trợ sức khỏe. Trong trường hợp cần thiết, hệ thống này phải hỗ trợ thu hồi điện tử một cách nhanh chóng, đồng bộ trên toàn quốc. "VN hoàn toàn đủ năng lực công nghệ để làm điều này", ông khẳng định.

Theo ông Trung, với các SP ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, dù là thực phẩm hay thực phẩm bổ dưỡng, đều cần được hậu kiểm bởi chính quyền hoặc đơn vị kiểm định độc lập.

TS Đào Hà Trung cũng cho biết Hội Công nghệ cao TP.HCM đang hỗ trợ Sở Công thương TP.HCM và các hệ thống bán lẻ triển khai chương trình "Tích xanh trách nhiệm" tại 11 chuỗi bán lẻ lớn. Theo đó, các SP thực phẩm được lựa chọn sẽ được gắn nhãn "Tích xanh trách nhiệm", và được quản lý chặt chẽ bằng công nghệ Blockchain nhằm ngăn chặn giả mạo, thay đổi dữ liệu. Nhà cung cấp tham gia chương trình phải tự nguyện giám sát chất lượng và chủ động ngăn chặn SP lỗi trước khi đến tay người tiêu dùng. Đặc biệt, nếu một nhà cung cấp vi phạm với một hệ thống bán lẻ, thì coi như vi phạm với toàn bộ 11 hệ thống còn lại - hình thành một cơ chế ràng buộc trách nhiệm liên kết chặt chẽ trong toàn thị trường.

Các tin khác

Công dân có phải tự cập nhật quê quán sau sáp nhập tỉnh thành?

Thiếu tá Trần Duy Hiển, phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư cho biết, việc cập nhật thông tin địa giới hành chính thì Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ cập nhật ngay sau khi có quyết định điều chỉnh địa giới hành chính. Tất cả sẽ được làm trên chức năng của phần mềm.

Phó Chủ tịch NVIDIA ‘hé lộ’ kế hoạch chiến lược cho Việt Nam, kỳ vọng sẽ có hàng trăm công ty thành công như VinBrain

Mới đây, tại Diễn đàn Đầu tư Đổi mới Sáng tạo Việt Nam (VIPC) 2025 với chủ đề: "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn vốn tư nhân, đưa Việt Nam vào kỷ nguyên vươn mình", ông Steven Trương, Phó Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA đã chia sẻ lý do NVIDIA quyết định lựa chọn Việt Nam để đầu tư.

Cổ phiếu ngành tiêu dùng giữa "bão" thuế quan

Trong làn sóng bất ổn do căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, thị trường chứng khoán đã và đang chứng kiến sự dịch chuyển rõ rệt của các dòng vốn. Khi cổ phiếu công nghệ, xuất khẩu gặp khó vì rào cản thuế, nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt tại châu Á, đang trở thành nơi trú ẩn chiến lược của giới đầu tư.