Tại cuộc ĐHĐCĐ thường niên ngày 22/4, Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC – mã HCM) trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu tổng doanh thu đạt 4.438 tỷ đồng, tăng 34% so với kết quả thực hiện năm 2024. Hội đồng quản trị cũng đề xuất được ủy quyền quyết định tỷ lệ chia cổ tức, không vượt quá 80% lợi nhuận sau thuế, trong đó cổ tức tiền mặt dự kiến ở mức 7%.
Đánh giá bối cảnh hiện tại, theo Tổng Giám đốc Trịnh Hoài Giang, thị trường hiện tại tiềm ẩn nhiều biến động, đặc biệt trong bối cảnh chính sách thuế toàn cầu, cụ thể là khả năng Mỹ áp thuế với các nước có thặng dư thương mại lớn, có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu và dòng vốn.
Mặc dù vậy, ông cho rằng nếu Việt Nam tiếp tục giữ được vai trò trong chuỗi cung ứng, tăng trưởng kinh tế vẫn có thể duy trì quanh mức 5-6%, từ đó tạo nền tảng ổn định cho thị trường chứng khoán.

CEO Trịnh Hoài Giang chia sẻ tại đại hội. (Ảnh: X.N).
Với quan điểm thận trọng, HSC không theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng nóng. Ông Giang nhấn mạnh, công ty đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các kịch bản điều chỉnh sâu của thị trường. Trong bối cảnh hiện tại, công ty cũng cẩn trọng trước kịch bản VN-Index rơi về dưới ngưỡng 1.000 điểm và hồi phục sau đó.
Trong giai đoạn vừa qua, công ty đã chủ động siết hoạt động cho vay ký quỹ (margin) từ sớm để giảm thiểu rủi ro. Chiến lược quản trị rủi ro này giúp HSC duy trì sự ổn định trong hoạt động cốt lõi và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.
Bên cạnh kiểm soát rủi ro, HSC cũng chú trọng mở rộng quy mô và năng lực tài chính để sẵn sàng nắm bắt cơ hội trong tương lai. Năm 2024, công ty đã hoàn tất các đợt phát hành cổ phiếu theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022, qua đó nâng vốn điều lệ từ 4.580 tỷ đồng lên hơn 7.208 tỷ đồng. Hiện tại, công ty đang triển khai phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, theo nghị quyết đã thông qua vào tháng 12/2024.
Theo ông Giang, việc mở rộng vốn điều lệ không chỉ phục vụ cho hoạt động cho vay ký quỹ và tự doanh – những mảng mang lại nguồn thu lớn – mà còn hướng tới mục tiêu dài hạn như phát triển hạ tầng công nghệ, tạo lập thị trường và đầu tư hệ thống quản trị rủi ro hiện đại.
Một điểm đáng chú ý trong định hướng của HSC là sự chuyển dịch danh mục tự doanh theo hướng phòng thủ. Trong bối cảnh thị trường chưa rõ xu hướng, công ty chủ trương nắm giữ trái phiếu ngân hàng và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung lập.
Điều này phản ánh quan điểm thận trọng và linh hoạt – sẵn sàng cơ cấu lại danh mục khi điều kiện thị trường trở nên thuận lợi hơn.

Diễn biến VN-Index qua ba tháng (đến 22/4). (Biểu đồ: TradingView).
Về mặt thị trường chung, ông Giang nhìn nhận môi trường đầu tư trong năm tới sẽ chịu tác động không nhỏ từ chính sách của Mỹ, cả về lãi suất lẫn các biện pháp thuế thương mại.
Mặc dù vậy, ông đánh giá mức độ tương quan giữa thị trường Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc hiện chưa quá lớn, do đó các tác động sẽ mang tính gián tiếp và không nhất thiết gây ra cú sốc toàn diện. Dù vậy, việc xây dựng các kịch bản ứng phó là cần thiết để doanh nghiệp không bị động.
Cũng tại cuộc họp, theo ông Chủ tịch Hội đồng quản trị Johan Nyvene, góc nhìn của Tổng Giám đốc Giang đang có phần thận trọng nhất định.
Ông Johan Nyvene, nhận thấy ngoài việc thuế quan của Mỹ với các nước, kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có những ảnh hưởng tích cực, nếu không lệ thuộc hoàn toàn vào nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ.