Kinh doanh

Tiền gửi vào ngân hàng bất ngờ sụt giảm

Tóm tắt:
  • Tiền gửi từ các tổ chức kinh tế giảm sau 5 tháng tăng liên tiếp.
  • Trong tháng 1, huy động vốn giảm 0,75% so cuối năm 2024.
  • Lãi suất huy động các ngân hàng liên tục giảm kể từ cuối tháng 2.
  • Ngân hàng Nhà nước tập trung hỗ trợ thanh khoản và giảm lãi suất cho vay.
  • Hệ thống ngân hàng đối mặt với thách thức trong việc duy trì mục tiêu tăng trưởng.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tháng 1, tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế của toàn hệ thống ngân hàng đạt 14,62 triệu tỷ đồng, giảm 0,75% so với cuối năm 2024.

Cụ thể, trong tháng 1, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế giảm tới 233.000 tỷ đồng so với tháng trước (giảm 3,04% so với cuối năm 2024). Như vậy, sau 5 tháng tăng liên tiếp, huy động vốn từ tổ chức kinh tế ghi nhận sụt giảm khá mạnh ngay từ đầu năm, dù các ngân hàng đang nỗ lực huy động vốn để chuẩn bị nguồn cho tăng trưởng tín dụng cao năm nay.

Tính đến cuối năm 2024, huy động vốn thấp hơn gần 1 triệu tỷ đồng so với tín dụng (15,7 triệu tỷ đồng).

Tiền gửi vào ngân hàng bất ngờ sụt giảm ảnh 1

Tiền gửi vào ngân hàng giảm trong bối cảnh lãi suất thấp (ảnh: Như Ý).

Tiền gửi ngân hàng giảm trong bối cảnh lãi suất huy động các ngân hàng liên tục giảm. Cũng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, kể từ sau ngày 25/2, đã có 28 ngân hàng thương mại trong nước giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,1-1,05%/năm.

Riêng trong tháng 4, có thêm một số ngân hàng giảm lãi suất huy động gồm VPBank, MB, Eximbank, Nam A Bank, OCB và GPBank. Hiện mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng về dưới 6%/năm.

Cục Thống kê - Bộ tài chính cho biết, tại thời điểm ngày 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,36%, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,49%. Như vậy, tính tới 25/3, chênh lệch giữa huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng đã lên tới 1,1 triệu tỷ đồng.

Huy động tăng chậm hơn cho vay đang gây áp lực cho hệ thống ngân hàng trong đáp ứng mục tiêu tăng trưởng nhanh giai đoạn tới.

Phát biểu tại một hội thảo cuối tháng 2, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8-10% là nhiệm vụ nặng nề với ngành ngân hàng. Quy mô GDP cả nước 12 triệu tỷ đồng trong khi dư nợ tín dụng đạt gần 16 triệu tỷ đồng, chiếm tương đương 135% GDP.

Ông Tú cho biết hiện ngành ngân hàng cho vay ra nền kinh tế nhiều hơn số dư huy động. Tức huy động được 9 đồng nhưng ngành ngân hàng cho vay 10 đồng, phần thiếu hụt còn lại là phải sử dụng cả vốn tự có và vốn tái cấp từ Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, tạo điều kiện cung ứng vốn tín dụng hỗ trợ tăng trưởng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết năm nay sẽ tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt có các chính sách thúc đẩy mạnh mẽ cho tín dụng tiêu dùng. Ngoài hỗ trợ thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước cũng ổn định lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy vậy, với diễn biến phức tạp của chính sách thuế mà Mỹ đưa ra cùng với đà tăng sốc của giá vàng và sự sốt nóng của thị trường bất động sản trong nước, việc ổn định lãi suất với Ngân hàng Nhà nước là mục tiêu rất thách thức.

Các tin khác

Cơ hội cuối cùng sở hữu The Vista Residence tại sự kiện mở bán chính thức đầu năm 2025

Sự kiện mở bán các căn hộ tinh tuyển cuối cùng của The Vista Residence, do Đất Xanh Miền Trung tổ chức vào 26/4/2025 tại Novotel Danang Han Premier đang thu hút hàng trăm khách hàng đăng ký tham dự. Đây là cơ hội cuối cùng để sở hữu BĐS trung tâm với giá ưu đãi, trước khi dự án điều chỉnh tăng giá.

Giá vàng tăng sôi sục, cách nào "hạ nhiệt" lúc này?

Giá vàng trong nước tăng mạnh, tăng nhanh hơn giá vàng thế giới vì nguồn cung khan hiếm. Việc điều chỉnh giá vàng có cần thiết khi giá vàng trong nước bỏ xa thế giới hơn 13 triệu đồng/lượng? Theo chuyên gia, muốn "hạ nhiệt" giá vàng không có cách nào là nhập khẩu vàng.

Tòa án Mỹ ra phán quyết, Google vi phạm luật chống độc quyền trong quảng cáo

Một thẩm phán liên bang tại Virginia đã ra phán quyết Google đã xây dựng "quyền lực độc quyền" bất hợp pháp thông qua hoạt động quảng cáo trên web của mình. Phán quyết này đứng về phía Bộ Tư pháp Mỹ trong một vụ kiện mang tính bước ngoặt chống lại gã khổng lồ công nghệ có thể định hình lại nền kinh tế cơ bản của việc vận hành một trang web hiện đại.