Một buổi sáng giữa tháng 4, tại nhà máy của Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), từng dòng sữa tươi được tự động hóa hoàn toàn từ khâu tiếp nhận nguyên liệu, xử lý, đóng gói đến lưu kho.
Nó khác hẳn với những dòng sữa đầu tiên của công ty này sản xuất thủ công trong điều kiện máy móc thiếu thốn, thô sơ thời bao cấp.
Hình ảnh này không chỉ là biểu tượng của sự hiện đại hóa. Chúng đánh dấu bước chuyển mình ngoạn mục của các doanh nghiệp nhà nước tại TP HCM như Vinamilk, REE, Sabeco, PNJ... sau khi thực hiện cổ phần hóa.
Từ chỗ bị ràng buộc bởi cơ chế bao cấp, vận hành trì trệ, bộ máy cồng kềnh, nay họ đã trở thành những công ty trị giá hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí đạt ngưỡng tỷ USD về vốn hóa hoặc tổng tài sản.
Những doanh nghiệp quốc doanh 'ốm yếu'
Vinamilk từng chỉ là một xí nghiệp nhỏ tiếp quản từ hãng Foremost sau năm 1975, hoạt động với quy mô khiêm tốn, sản xuất thủ công và chịu sự quản lý hành chính nặng nề. Những năm đầu Đổi mới, Vinamilk vẫn vật lộn với thiếu thốn nguyên liệu, công nghệ lạc hậu, và sức ép cạnh tranh ngày càng lớn.
Tuơng tự, trường hợp của Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) - doanh nghiệp đa ngành với các lĩnh vực cơ điện công trình (M&E), hạ tầng nước, môi trường và bất động sản tại Việt Nam - trước đây cũng chỉ là Xí nghiệp liên hiệp Thiết bị lạnh được thành lập 2 năm sau ngày giải phóng.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch REE, cho biết ban đầu máy móc, thiết bị tại xí nghiệp này phần lớn là đồ secondhand (đã qua sử dụng) đem ra tân trang để cung cấp cho các nhà máy sản xuất nước đá phục vụ đánh bắt hải sản ở miền Tây. Vật tư cạn kiệt dần, cũng không thể nhập khẩu do bị cấm vận.

Máy móc thiết bị của Xí nghiệp liên hiệp Thiết bị lạnh trong những năm đầu thành lập. (Ảnh: REE).
"Sau đó, xí nghiệp đổi tên thành Công ty Cơ Điện Lạnh, nhưng nội tại gần như không đổi, vẫn thuộc sở hữu nhà nước và chưa có nhiều việc để làm", bà Thanh nói.
Đây chỉ là hai trong số 12.000 doanh nghiệp nhà nước lúc ấy rơi vào tình thế khó khăn khi vừa được chuyển đổi, hợp nhất từ các xí nghiệp và nhà máy sản xuất. Nhiều doanh nghiệp thực tế không còn hoạt động hay tài sản, chỉ tồn tại trên pháp lý.
"Doanh nghiệp nhà nước ở TP HCM khi đó chiếm phần lớn trong số 12.000 đơn vị này nên việc quản lý trở nên rất cồng kềnh, tốn nhiều nguồn lực", TS. Trần Du Lịch, nguyên thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhớ lại.
Lệnh cấm vận gay gắt của Mỹ khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại hợp tác. Chỉ một số doanh nghiệp nhỏ từ Hong Kong, Quảng Châu hoặc các nước xã hội chủ nghĩa cũ tiếp tục giao thương. Kinh tế của TP HCM khi đó gần như kiệt quệ, vận hành theo quán tính của một chiếc xe ngày càng cạn nhiên liệu, ông Lịch kể.
Theo ông, thành phố lẫn Trung ương đều thấy tái cơ cấu nền kinh tế và tổ chức lại khu vực kinh tế quốc doanh là yêu cầu sống còn. Giữa năm 1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) chỉ thị mỗi tỉnh thành lớn, trong đó có TP HCM, chọn 1-2 doanh nghiệp nhà nước để thí điểm cổ phần hoá và chuyển đổi mô hình hoạt động.
Tiêu chí được liệt kê thành 3 gạch đầu dòng ngắn gọn. Đầu tiên, doanh nghiệp có quy mô vừa. Thứ hai, không thuộc diện nhà nước cần phải giữ 100% vốn. Cuối cùng là đang kinh doanh có lãi hoặc trước mắt khó khăn nhưng triển vọng sẽ tốt dần.
"Đó là nhiệm vụ lớn và gian nan", ông Lịch nhớ lại lúc đang là trưởng phòng tại Viện Kinh tế (thuộc UBND TP HCM) và được lãnh đạo giao nghiên cứu đề án thí điểm cổ phần hóa cho các doanh nghiệp nhà nước tại thành phố.
Hành trình 'lột xác'
Xí nghiệp Giày da và May mặc Xuất khẩu (Legamex) khi đó thuộc UBND quận 10, là công xưởng may mặc lớn nhất cả nước lúc bấy giờ với trên 4.000 nhân viên và hàng hóa xuất khẩu qua hàng chục quốc gia. Đây được thành phố chọn là "chuột bạch" cho đề án thí điểm cổ phần hóa.
Bà Nguyễn Thị Sơn, người đứng đầu Legamex khi đó hăng hái hưởng ứng bởi ước mong có thêm cơ hội phát triển xí nghiệp. Tuy nhiên, mọi việc đang suôn sẻ bỗng khựng lại đột ngột khi thanh tra thành phố cho rằng có sai phạm pháp lý trong quá trình thực hiện.
Nhiều doanh nghiệp nhà nước sau đó không mặn mà với quyết sách này. Ông Nguyễn Phước Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM - nói lúc đó một số lãnh đạo e ngại vấn đề pháp lý khi thí điểm, số khác lại nghĩ "nếu tư nhân chen chân vào sẽ rất phiền".
Không ít người lo quyền lợi họ nhận được từ "ghế nóng" không còn nếu nhà nước thoái vốn, tư nhân xuất hiện.
Tình thế này buộc nhóm chuyên viên của Viện Kinh tế nghĩ cách tiếp cận mới. Một tuần vài lần, ông Lịch xuất hiện trên truyền hình để nói về mô hình công ty cổ phần và lợi ích khi "thoát kén".
Ngoài 3 tiêu chí "cứng" theo chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng, đề án của thành phố bổ sung một tiêu chí "mềm": doanh nghiệp nào xung phong cổ phần hóa sẽ được ưu tiên ngay.
Công ty Cơ Điện Lạnh (REE) là doanh nghiệp đầu tiên "giơ tay". Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Tổng Giám đốc REE khi đó, công ty không nằm trong danh sách 6 doanh nghiệp được thành phố nhắm đến. Nhưng nghe chủ trương mở ra, bà lập tức gửi công văn tới Sở Công nghiệp, đề xuất trở thành "chuột bạch".
Lý giải quyết định đi ngược số đông, bà Thanh nói rằng khi còn là doanh nghiệp quốc doanh, REE bị ràng buộc nhiều thứ. Bà giữ chức cao nhất nhưng đầu tư, vay mượn, tuyển dụng, lương thưởng của nhân viên đều không được tự quyết, mà phải xin phép cơ quan chủ quản.
Cảm giác này dâng lên mạnh hơn khi bà thấy những công ty nước ngoài đến TP HCM thuê mặt bằng, phát triển kinh doanh vào đầu thập niên 90.
"Họ làm may mặc, gia công kim cương. Ngành nghề không giống mình nhưng nhìn cách họ tổ chức công ty lớp lang, điều hành và ra quyết định nhanh gọn, tôi thấy khác lạ, mới mẻ vô cùng và rất muốn học tập".
Đề xuất thí điểm lập tức được chấp thuận, bà Thanh và nhân viên rốt ráo chuẩn bị hồ sơ. Mọi thứ từ định giá doanh nghiệp, điều lệ công ty, cấu trúc vốn và Hội đồng quản trị... được hoàn thành chỉ trong một năm.
Bà nhớ lại khâu khó nhất là định giá tài sản cũng được giải quyết nhanh chóng khi chuyên viên của Ban quản lý đổi mới doanh nghiệp (Bộ Tài chính) trực tiếp từ Hà Nội vào thực hiện. Họ xem kỹ lưỡng từ nhà xưởng, máy móc cho đến chiếc ôtô đã dùng gần chục năm để định giá công ty 16 tỷ đồng, tương đương 1 triệu USD.
Nhà nước giữ 30% vốn của REE. Phần còn lại 50% vốn bán cho nhân viên và 20% cho người bên ngoài. Chuyển đổi mô hình thành công, nhiều ngân hàng và quỹ đầu tư nước ngoài tìm đến gặp bà Thanh, đề xuất cho công ty vay vốn để tiếp tục phát triển.
Các chỉ tiêu tài chính của REE đều tăng trưởng bằng lần trong vài năm sau. Từ 16 tỷ đồng vào thời điểm cổ phần hóa năm 1993, vốn chủ sở hữu của REE đầu năm 2000 đã lên 180 tỷ đồng và hiện nay là 22.455 tỷ đồng. Doanh thu từ 47 tỷ đồng tăng đều qua từng năm, lên hơn 8.300 tỷ đồng vào năm ngoái.

Thành công của REE trở thành bài học và động lực cho nhiều doanh nghiệp nhà nước khác ở TP HCM. Phong trào "thoát kén" và chuyển đổi mô hình hoạt động lan rộng nhanh chóng.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, từng cho biết đã có ý định cổ phần hóa từ đầu thập niên 90 nhưng đến 2003, công ty mới được "gật đầu". Tỷ lệ bán vốn lúc đó chỉ 10%, còn Nhà nước vẫn nắm 90% và thoái dần trong nhiều năm sau.
So với ngày đầu cổ phần hóa, doanh thu của Vinamilk hiện tại gấp hơn 15 lần, lên mức 61.700 tỷ đồng. Vốn điều lệ ban đầu là 1.590 tỷ đồng, nay xấp xỉ 20.900 tỷ đồng, còn giá trị vốn hóa hơn 118.000 tỷ đồng (hơn 4 tỷ USD).
Cùng thời điểm với Vinamilk, Nhựa Bình Minh - một doanh nghiệp đặt trụ sở ở quận 6, TP HCM - cũng từ nhà máy công tư hợp doanh chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần. Ban lãnh đạo gọi đây là "cột mốc cực kỳ quan trọng", tạo tiền đề cho họ phát triển về sau. Trong 3 năm sau đó, Nhựa Bình Minh mở rộng nhà máy, đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán và tiến ra thị trường phía Bắc.
Hàng loạt doanh nghiệp khác sau đó như PNJ, Sabeco... cũng chính thức cổ phần hóa. Động thái này giúp các công ty vận hành linh hoạt hơn, thoáng hơn về cơ chế quản lý và đặc biệt là có điều kiện để phát triển mạnh hơn.
Nhờ đó, các công ty này có thể chủ động mở rộng thị trường, đầu tư vào công nghệ sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chỉ dựa vào cổ phần hóa là chưa đủ
Tuy nhiên, cổ phần hóa không phải là yếu tố duy nhất quyết định thành công của những doanh nghiệp nhà nước ở TP HCM.
"Khi còn điều hành doanh nghiệp nhà nước, tôi không cho rằng vấn đề nằm ở cơ chế, mà đến từ tư duy của người lãnh đạo", bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - nói với VnExpress.
Bà cho rằng sự linh hoạt và tư duy đổi mới là yếu tố quyết định sự sống còn và phát triển của một doanh nghiệp, bất kể nhà nước hay tư nhân. Còn cổ phần hóa chỉ là chất xúc tác giúp doanh nghiệp như "hổ mọc thêm cánh".
Theo ông Trần Thanh Tân - đồng sáng lập Dragon Capital kiêm Phó Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ DCVFM, tiêu chí quỹ này chọn doanh nghiệp nhà nước đã "thoát kén" để rót vốn là hoạt động kinh doanh, cơ sở vật chất và khả năng sinh lời tốt. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, đặc biệt người đứng đầu doanh nghiệp.
"Chúng tôi đoán xem họ có thực sự dám nghĩ dám làm và đủ khả năng thực hiện các cam kết với cổ đông không", ông Tân chia sẻ.
Ông Nguyễn Phước Hưng cũng cho rằng tư duy đổi mới và thức thời của lãnh đạo đã thay đổi diện mạo của nhiều doanh nghiệp nhà nước tại TP HCM.
Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là một điển hình. Nắm quyền chi phối sau khi mua 53,6% cổ phần trong đợt bán vốn nhà nước vào cuối năm 2017, Thaibev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi bắt đầu một loạt cải tổ.
Họ rót tiền mạnh tay cho quảng cáo để cạnh tranh trực diện với các thương hiệu bia ngoại. Nhiều người xem đây là chi phí, còn họ nhìn nó như một khoản đầu tư. Nhờ vậy, thị phần ở miền Bắc - nơi không phải thị trường chủ lực - tăng gấp đôi trong 8 năm qua.
Cấu trúc tiền lương được ban lãnh đạo mới thay đổi để người làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít.
Một năm sau khi kết thúc thương vụ bán vốn lịch sử, Sabeco đạt đỉnh doanh thu gần 38.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 5.370 tỷ đồng. Sau đó, họ tiếp tục lập kỷ lục lợi nhuận 5.500 tỷ đồng.
Công ty này thường xuyên góp mặt trong danh sách doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất cho thành phố với trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm.
PNJ cũng thành công không kém. Từ lãi vài chục tỷ đồng một năm, họ đều đặn báo lãi dao động 100-500 tỷ đồng trong 10 năm sau đó.
Thị phần bán lẻ trang sức liên tục tăng giúp doanh số vượt mức 10.000 tỷ đồng vào 2017, còn lợi nhuận lên nghìn tỷ từ 2019 và kéo dài đến hiện tại. Tổng tài sản cũng tăng hơn 30 lần sau hai thập kỷ cổ phần hóa.

"Sau cổ phần hoá, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp nhà nước không bị mất ghế, mà thậm chí còn như hổ mọc thêm cánh.
Họ không bị ràng buộc bởi những quy trình xin phép cơ quan chủ quản nên làm ăn rất hiệu quả, trở thành "sếu đầu đàn" cho kinh tế thành phố và cho chính lĩnh vực của mình", ông Nguyễn Phước Hưng nhận định.
Theo TS Trần Du Lịch, một khi doanh nghiệp được vận hành theo chuẩn mực thị trường - có cạnh tranh, có kiểm soát rủi ro, có mục tiêu tăng trưởng rõ ràng, thì xuất phát điểm là quốc doanh hay tư nhân, họ đều có thể thành công.
Tạo hàng cho thị trường chứng khoán
Sự chuyển mình của những doanh nghiệp nhà nước không chỉ mang lại kết quả tích cực cho riêng thành phố, mà còn thay đổi diện mạo thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây cũng là khởi phát cho sự ra đời của Trung tâm Giao dịch chứng khoán (nay là Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM).
"Muốn lập chợ phải có hàng hóa. Các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa chính là "hàng hóa" chất lượng cho thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn sơ khai", ông Trần Thanh Tân - đồng sáng lập Dragon Capital kiêm Phó Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ DCVFM - nói.
Trong vai trò là người kết nối chuyên gia nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, ông Tân nhìn ra tiềm năng của doanh nghiệp nhà nước từ sớm.
Năm 1994, khi mới 26 tuổi, ông cùng Dominic Scriven - một người nước ngoài mới đến Việt Nam - thành lập Dragon Capital để tìm cơ hội đầu tư.
Khi luật chưa cho phép cá nhân và quỹ đầu tư nước ngoài nắm vốn, Dragon Capital đề xuất phát hành trái phiếu chuyển đổi cho doanh nghiệp - điều mà khi đó luật còn chưa quy định.
Đến khi nhà đầu tư ngoại được giao dịch, Dragon Capital liên tục rót vốn vào các doanh nghiệp "sếu đầu đàn". Phân nửa trong số 10 doanh nghiệp niêm yết đầu tiên từng là doanh nghiệp nhà nước có trụ sở ở TP HCM.
Ông Tân kỳ vọng rổ hàng cho Dragon Capital và nhà đầu tư lựa chọn sẽ còn đa dạng hơn trong thời gian tới, khi thành phố còn nhiều doanh nghiệp nhà nước được giao kế hoạch "thoát kén".
Theo kế hoạch của UBND TP HCM, từ nay đến hết năm 2025 sẽ có 10 doanh nghiệp được cổ phần hóa.
Trong số này, thành phố có kế hoạch nắm trên 65% vốn của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn. Những công ty khác trong lĩnh vực địa ốc, xây dựng, cơ khí, công nghiệp... sẽ giảm vốn nhà nước về còn 50-65%, riêng một doanh nghiệp bao bì không còn chi phối bởi thành phố.

Tổng công ty Công nghiệp - in - bao bì Liksin là doanh nghiệp nhà nước dự kiến không còn chi phối sau cổ phần hóa. (Ảnh: Liksin).
Ông Hưng cho rằng để sản sinh thêm nhiều "sếu đầu đàn" cho thành phố, doanh nghiệp nhà nước nào không thuộc lĩnh vực trọng yếu nên được giảm đáng kể tỷ lệ chi phối, cho thành phần kinh tế tư nhân tham gia.
"Chủ doanh nghiệp tư nhân làm bằng tiền, bằng vốn của họ nên mất một đồng cũng xót. Họ phải suy nghĩ làm sao một đồng đẻ ra được hai đồng, ba đồng. Còn chủ doanh nghiệp nhà nước về bản chất là người làm thuê nên họ sợ mất chức hơn mất tiền", ông Hưng nói.
Đồng quan điểm, bà Cao Thị Ngọc Dung nhấn mạnh tư duy quản trị theo hướng tư nhân sẽ giúp doanh nghiệp sinh tồn và phát triển qua mọi biến động của thị trường.
"Nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn ngày đó đã biến mất, nhưng cũng có số khác chuyển đổi và vươn lên mạnh mẽ. Nếu không có tư duy quản trị theo hướng tư nhân, doanh nghiệp nhà nước không thể bắt kịp thị trường", bà Dung nói.
Từ câu chuyện của Vinamilk, PNJ, REE..., có thể thấy rằng cổ phần hóa không phải là đích đến, mà là điểm khởi đầu của một hành trình đổi mới.
Để thành công, doanh nghiệp không chỉ cần vốn, mà cần chiến lược đúng, con người phù hợp và môi trường vận hành tự do sáng tạo.
TP HCM, với vai trò đầu tàu kinh tế, đang chứng minh rằng cải cách doanh nghiệp nhà nước nếu được làm đúng, sẽ tạo ra những "cỗ máy tăng trưởng" mạnh mẽ và bền vững cho nền kinh tế đô thị.
Dẫu vậy, các chuyên gia cho rằng câu chuyện cổ phần hóa của thành phố vẫn nhiều thách thức. Một số doanh nghiệp còn gặp vướng mắc về xác định giá trị tài sản, quỹ đất, hoặc chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược phù hợp. Cơ chế giám sát sau cổ phần hóa cũng cần minh bạch và hiệu quả hơn.