Chiều 22/4, giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á tăng dữ dội, có lúc thêm gần 100 USD, lên khoảng 3.495 USD/ounce (tương đương quy đổi là 111 triệu đồng/lượng). Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC vọt lên 124 triệu đồng/lượng, so với mức 90 triệu đồng/lượng hồi đầu tháng 3.
Cú tăng giá này gợi nhớ đến những đợt sốt vàng lịch sử như giai đoạn 1979-1980 hay 2010-2011, sau đó là những phiên lao dốc mạnh. Điều gì đứng sau những biến động này và liệu giá vàng có sụp đổ lần nữa?
Cơn sốt vàng 1979-1980 và cú sụp đổ 1980-1982
Từ đầu năm 1979 đến đầu năm 1980, giá vàng thế giới tăng vọt từ 230 USD/ounce lên đỉnh lịch sử 850 USD/ounce vào tháng 1/1980, tương đương mức tăng khoảng 3,7 lần trong chưa đầy một năm.
Nguyên nhân chính đến từ bất ổn kinh tế và địa chính trị toàn cầu. Lạm phát tại Mỹ tăng phi mã, đạt gần 14,5% vào năm 1980, do giá dầu tăng mạnh sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1979 cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ những năm trước đó.
Đồng USD suy yếu nghiêm trọng sau khi Mỹ chấm dứt chế độ bản vị vàng vào năm 1971 (chế độ bảo đảm giá trị USD bằng vàng).
Về mặt địa chính trị, thế giới cũng đối mặt nhiều biến động: Cuộc cách mạng Hồi giáo Iran (1979) làm gián đoạn sản lượng dầu, trong khi xung đột Afghanistan-Liên Xô bùng phát từ cuối năm 1979 càng làm trầm trọng thêm tình hình.
Trong bối cảnh bất ổn, vàng trở thành tài sản trú ẩn an toàn, thu hút dòng tiền từ giới đầu tư cá nhân và các quỹ đầu cơ, góp phần thổi bùng cơn sốt vàng.
Tuy nhiên, giá vàng đã chứng kiến một đợt giảm sâu sau đó, kéo dài từ cuối năm 1980 đến giữa năm 1982. Từ mức đỉnh 850 USD/ounce, giá rơi xuống khoảng 320 USD/ounce, tương đương mức giảm khoảng 62%, một cú sốc lớn đối với thị trường.
Nguyên nhân chủ yếu là do đồng USD tăng giá mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuyển sang chính sách thắt chặt tiền tệ. Đỉnh điểm, lãi suất cơ bản được nâng lên mức 20% vào tháng 6/1981 nhằm kiềm chế lạm phát.
Cùng với đó, tâm lý thị trường ổn định hơn khi các căng thẳng địa chính trị dần lắng dịu, khiến nhu cầu trú ẩn vào vàng suy giảm.
Tại Việt Nam, thị trường vàng trong nước thời kỳ này chưa liên thông với thế giới do nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và hạn chế giao dịch ngoại hối.

Đợt sốt giá vàng 2010-2011 rồi lao dốc từ 2011-2015
Trong vòng chưa đầy hai năm, từ đầu 2010 đến tháng 8/2011, giá vàng thế giới tăng gần gấp đôi, từ khoảng 1.000 USD/ounce lên 1.825 USD/ounce.
Cú tăng giá này xuất phát từ hệ quả nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, khi kinh tế Mỹ và châu Âu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Fed duy trì lãi suất gần 0%, đồng thời bơm tiền thông qua các chương trình nới lỏng định lượng (QE), khiến đồng USD suy yếu và lạm phát kỳ vọng tăng cao.
Cùng thời điểm, khủng hoảng nợ công châu Âu, đặc biệt tại Hy Lạp, đã làm gia tăng lo ngại về hệ thống tài chính toàn cầu. Nhà đầu tư tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn là vàng. Ngoài ra, nhu cầu vàng vật chất từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng mạnh, cùng với việc các quỹ ETF vàng liên tục mua vào, càng đẩy giá vàng lên cao.
Tuy nhiên, từ đỉnh cao 1.825 USD/ounce, giá vàng bắt đầu giảm mạnh từ năm 2013 và chạm đáy 1.060 USD/ounce vào tháng 11/2015, gần như xóa sạch mức tăng trước đó.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự thay đổi chính sách tiền tệ sau thời kỳ khủng hoảng. Fed bắt đầu thu hẹp chương trình QE từ năm 2013, sau khi đã bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế. Lạm phát suy giảm, đồng USD phục hồi, kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại, thị trường chứng khoán bùng nổ,... tất cả làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Cùng lúc, các quỹ ETF vàng bán ra mạnh mẽ, trong khi nhu cầu vật chất từ châu Á chững lại. Căng thẳng địa chính trị và khủng hoảng nợ châu Âu cũng dịu dần, đặc biệt sau khi Hy Lạp đạt được thỏa thuận nợ với EU.
Tại Việt Nam, giá vàng SJC dao động mạnh, từ 35 triệu đồng/lượng năm 2010, tăng lên 49 triệu đồng/lượng năm 2011, sau đó giảm về mức 34 triệu đồng/lượng vào năm 2015.
Thế giới hướng tới 3.500 USD/ounce, SJC nhắm 130 triệu: Có nguy cơ sụp đổ?
Thị trường vàng thế giới và trong nước đang trải qua một đợt tăng giá kéo dài từ cuối năm 2023 đến nay. Chỉ tính riêng từ tháng 4/2024 đến tháng 4/2025, giá vàng thế giới đã tăng gần 60%, từ 2.200 USD/ounce lên 3.495 USD/ounce.
Giá vàng SJC trong nước cũng tăng vọt, từ 80 triệu đồng/lượng (tháng 4/2024) lên 99 triệu đồng/lượng (tháng 4/2025) và hiện tiệm cận mốc 130 triệu đồng/lượng.
Đợt tăng giá này gắn liền với nhiều yếu tố kinh tế và địa chính trị, đặc biệt là các chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump sau khi ông nhậm chức lần hai vào tháng 1/2025. Việc tái khởi động chính sách thuế quan cao với hàng hóa Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã làm cuộc chiến thương mại leo thang, gây lo ngại lạm phát và làm suy yếu niềm tin vào đồng USD.
Căng thẳng địa chính trị cũng là động lực quan trọng thúc đẩy giá vàng. Xung đột Nga-Ukraine kéo dài, kèm theo các lệnh trừng phạt kinh tế lẫn nhau giữa Nga và phương Tây khiến nhu cầu vàng tăng mạnh. Trong khi đó, bất ổn ở Trung Đông, đặc biệt giữa Israel và các lực lượng trong khu vực, tiếp tục đẩy rủi ro địa chính trị toàn cầu lên cao.
Nền kinh tế Mỹ, dù vẫn tăng trưởng, đang đối mặt với áp lực nợ công vượt 36.700 tỷ USD và lạm phát kéo dài, khiến giới đầu tư tìm đến vàng như một kênh bảo toàn tài sản.
Nhu cầu vàng từ các ngân hàng trung ương, đặc biệt là từ Trung Quốc, Ấn Độ và các thị trường mới nổi, cũng tăng mạnh. Trung Quốc mua kỷ lục 225 tấn vàng trong năm 2023 và tiếp tục tích lũy trong năm 2024-2025 nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD.
Đồng thời, các quỹ ETF vàng quay trở lại mua vào sau giai đoạn bán ròng trước đó.
Dù giá vàng đang ở mức cao kỷ lục, nhưng nguy cơ đảo chiều như các giai đoạn 1980-1982 và 2011-2015 vẫn hiện hữu. Nếu Fed buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, lãi suất tăng có thể khiến đồng USD mạnh lên, làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Một kịch bản hạ nhiệt xung đột Ukraine hoặc Trung Đông cũng có thể làm giảm nhu cầu trú ẩn an toàn, tạo áp lực lên giá vàng. Các quỹ ETF vàng, vốn rất nhạy cảm với biến động thị trường, có thể bán ra nếu chứng khoán hoặc tiền mã hóa trở nên hấp dẫn hơn. Ngoài ra, nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hạ nhiệt, nhu cầu vàng vật chất toàn cầu cũng có thể chững lại.
Một số dự báo cho rằng, giá vàng thế giới có thể giảm về 2.500-2.800 USD/ounce vào cuối năm 2025, tương đương mức giảm 20-30% từ đỉnh hiện tại. Trên Business Insider, một số chuyên gia thậm chí cho rằng vàng có thể giảm về 1.820 USD/ounce trong vòng 5 năm tới, tức giảm gần 48% so với ngày 22/4.
Tại Việt Nam, nếu giá vàng thế giới giảm theo kịch bản này, giá vàng SJC trong nước có thể rơi về khoảng 60 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn khoảng 58 triệu đồng/lượng.