Thấy linh mục Phương Đình Toại đến, bé Mận liền chồm lên đưa hai tay đòi bế. Được ôm vào lòng, bé úp mặt vào ngực ông, vung vẩy 2 cái tay bé xíu, mắt lấp lánh vui. 5 tháng trước, khi Mận mới 4 tháng tuổi, mẹ đặt bé vô cái thau rồi bỏ trước mái ấm Mai Tâm lúc trời tờ mờ sáng cùng mảnh giấy viết vội: "Xin cha giúp, bé bị nhiễm HIV và lao". Đã quá quen với chuyện này, cha Toại cùng các bảo mẫu lại bế vào, tắm rửa, thay quần áo, cho ăn. mái ấm Mai Tâm lại thêm một thành viên mới…
Những trái tim nhân hậu
Ấn tượng đầu tiên khi đến Mái ấm Mai Tâm là sự sạch sẽ và nền nếp. Đến giờ cơm, các bé tự động cầm chén đến cho các mẹ múc rồi ngồi ăn trật tự. Thấy cha Toại đến, các bé khoanh tay thưa, có đứa chạy lại ôm…

Các “mẹ” ở đây đều thương các em như con
ẢNH: LAM YÊN
Trên tường phòng ăn là một cái bảng lớn dán chi chít các mẫu giấy viết lời chúc của những người đến thăm, từ nhiều quốc gia khác nhau. "Rồi sẽ không còn sự kỳ thị nữa, mà chỉ còn tình yêu thương đối với các em", "Ông trời không lấy của ai tất cả. Rồi những điều tốt đẹp sẽ đến với những trái tim nhân hậu", "Luôn luôn theo đuổi giấc mơ của em. Bất cứ gì muốn làm, em đều có thể đạt được. Hãy tin vào bản thân mình!"…
Mai Tâm là mái ấm gia đình, ở đó, cha là các tu sĩ, mẹ là các cô bảo mẫu. "Mai Tâm hiện có 4 tu sĩ, sẽ cùng đến đón các bé mỗi buổi tan học ở trường tiểu học gần nhà. Chúng tôi muốn tụi nhỏ cảm thấy ấm áp, mỗi buổi học có cha đón về như các bạn", linh mục Trần Đức Toàn chia sẻ.
Ở nhà trẻ, mỗi cô bảo mẫu có thể chăm đến vài chục bé, và có thể thay đổi bảo mẫu. Còn ở đây, mỗi mẹ (bảo mẫu) sẽ có một phòng riêng, 2 - 4 bé sẽ ở chung phòng với mẹ cho đến hết lớp 1 (đối với bé trai) và hết cấp 1 (đối với bé gái).

Các bé ở mái ấm xem linh mục Phương Đình Toại như người cha của mình
ẢNH: LAM YÊN
"Các bé bị bỏ rơi nên thiếu thốn tình cảm và rất nhạy cảm. Nếu cứ vài tháng, một năm lại thay người chăm sóc, các bé sẽ bị hụt hẫng. Lớn lên, chúng sẽ khó lập gia đình, khó hòa nhập xã hội vì không tin vào một tình cảm lâu bền. Tôi muốn xây dựng Mai Tâm như một gia đình chứ không phải như một trường mồ côi", linh mục Phương Đình Toại tâm sự.
Mai Tâm có nhiều nhà gần nhau, nam nữ ở riêng. Nhà cho các bé từ vài tháng đến 6 tuổi (ở chung với "mẹ"), nhà cho trẻ từ 7 tuổi đến hết cấp học THCS, nhà cho các em cấp THPT…
Sống ở đây, các em không mặc đồng phục mà được bận theo sở thích. Các em lớp 7 - 9 sẽ được sử dụng điện thoại vào cuối tuần để giải trí. Mỗi em có điện thoại và mật khẩu riêng, người khác không được mở. Từ lớp 10 trở lên, các em được giữ điện thoại, đến 20 giờ 30 sẽ thu lại để không ảnh hưởng đến giấc ngủ (cuối tuần các em không phải nộp lại điện thoại).
Đáp đền tiếp nối
Vừa xong buổi dạy sáng ở Mai Tâm, sơ Nguyễn Thị Nga (thuộc dòng Phao lô) ngồi chờ xe ôm đến chở về. Đã 75 tuổi, mắt đã bắt đầu mờ, tay đã bắt đầu run nhưng sáng nào sơ cũng đến dạy học cho bọn trẻ vì "thương tụi nhỏ, tôi chỉ mong nó biết lễ nghĩa, học hành đến nơi đến chốn".

Các bé, các mẹ nhiễm HIV đều phải uống thuốc mỗi ngày do cha Toại chuẩn bị
ẢNH: LAM YÊN
Gần 20 năm qua, việc "trồng người" thầm lặng của sơ Nga đã cho ra đời nhiều "quả ngọt". Trần Văn Hiệp, cậu học trò nhỏ ở Mai Tâm 18 năm trước của sơ, giờ đây đã là sinh viên năm cuối đại học ngành công nghệ thông tin. Ngoài đi học, Hiệp còn đi làm thêm. Mỗi chiều từ 17 giờ 30 - 20 giờ 30, từ thứ hai đến thứ sáu, Hiệp đều ghé qua Mai Tâm để thăm "mấy đứa em khác cha khác mẹ", tắm rửa, dẫn đi công viên, kiểm tra bài, dạy học… "Những việc này không phải là nghĩa vụ bắt buộc, chỉ là tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm với gia đình, với những đứa em của mình", Hiệp nói.
Hỏi chuyện mọi người ở đây không dễ. Dù đã được cha Toại giới thiệu, nhưng lần đầu tiên tôi hầu như không thể bắt chuyện, đành phải ngồi chơi một chút rồi ra về. Lần sau quay lại, quen hơn, câu chuyện mới có thể bắt đầu bằng những câu trả lời ngắn và rời rạc. Cũng dễ hiểu, do mồ côi hoặc bị bỏ rơi từ nhỏ nên các em rất nhạy cảm, thiếu tự tin, khó kiểm soát cảm xúc…
Còi, 21 tuổi mà chỉ 38 kg, người nhỏ như bé gái chưa dậy thì. Còi quê Quảng Ngãi, vào mái ấm từ 10 năm trước. Ở quê học bữa đực bữa cái, nên vào Mai Tâm, Còi phải học lại từ lớp 3, trễ hơn so với tuổi đến mấy năm. Ráng học được đến lớp 9, nhưng không thể tiếp tục được nữa, Còi nghỉ học văn hóa để học nghề làm bảo mẫu. Lấy được chứng chỉ nghề bảo mẫu, Còi xin các cha được ở lại phụ chăm các em. Mỗi sáng Còi phụ các mẹ đưa em bé đi công viên phơi nắng, rồi về cho ngủ, ăn, tắm rửa, lui cui cả ngày. Hỏi tại sao muốn ở lại, Còi chỉ trả lời: "Tại thấy tội mấy em".

Nhà ăn sạch sẽ, thoáng mát
ẢNH: LAM YÊN
Chị Nguyễn Thị Thiên, 47 tuổi, nhiễm HIV từ chồng sử dụng ma túy, sinh ra con gái cũng bị nhiễm. Cuối năm 2006, chị và con gái mới 8 tháng tuổi xin vào Mai Tâm. Lúc mới vào, chị Thiên sức khỏe rất yếu. Những lần chị bệnh nằm một chỗ, cha Toại cho uống thuốc, chăm sóc rất chu đáo. Có lẽ chị không biết rằng tôn chỉ của dòng Camillo (với biểu tượng thánh giá đỏ trên ngực áo) là đem niềm vui, sự an ủi và nâng đỡ người đau bệnh "với tình yêu của một bà mẹ chăm sóc đứa con duy nhất của mình trong lúc đau ốm".
Con gái chị Thiên được nuôi dưỡng, học hành đến nơi đến chốn, đã rời khỏi mái ấm để đi làm, sống cuộc đời tự lập ở tỉnh Bình Dương. Còn chị xin cha Toại được ở lại Mai Tâm nấu bếp, chăm em bé…
"Đời tôi nếu không có cha thì không biết làm sao sống được. Tôi không thể tưởng tượng được tại sao người dưng nước lã lại có thể chăm sóc mình tận tình như vậy. Tôi sống ở đây đã gần 20 năm, xem cha như người cha thứ hai, xem đây như là nhà từ lâu lắm rồi. Tôi muốn ở lại nhà, làm gì cũng được để đáp lại chút ơn", chị Thiên nói về cha Toại mà mắt rưng rưng.
* (Trừ các tu sĩ, tên của những nhân vật trong bài đã được thay đổi)
Gia đình mái ấm Mai Tâm
Được thành lập vào năm 2005 bởi anh em tu sĩ dòng tá viên mục vụ bệnh nhân (dòng Camillo), Mái ấm Mai Tâm (số 23 đường 15, KP.1, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM) là nơi chăm sóc các bà mẹ đơn thân và trẻ nhỏ mồ côi bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Không chỉ được điều trị, nuôi ăn ở, họ còn được chăm sóc về y tế, tâm lý, giáo dục, học nghề, được sống trong một môi trường gia đình. Đến nay, mái ấm đã cưu mang 246 em và 96 bà mẹ. Hiện tại, 62 em đang sống tại đây, kinh phí chủ yếu vẫn đến từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm. Mái ấm Mai Tâm là một phần của "Gia đình mái ấm Mai Tâm". Mạng lưới yêu thương này còn có Mái ấm Gary (số 165/2 Tam Châu, P.Tam Bình, TP.Thủ Đức) chăm lo cho bệnh nhân nghèo mắc bệnh nghiêm trọng. Mái ấm Naza chăm sóc những người mắc AIDS giai đoạn cuối. Mái ấm Vị Hoàng chăm sóc người khó khăn trên 60 tuổi. Phòng khám đa khoa nhân đạo Kinh 7, phòng khám Mai Khôi - Đồng Tiến khám chữa bệnh miễn phí…