Xã hội

Nguy cơ thuốc giả tràn qua chợ mạng

Tóm tắt:
  • Công an Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả lớn, thu giữ gần 10 tấn thuốc.
  • 21 loại thuốc giả phổ biến bán trên mạng, gồm thuốc trị xương khớp, kháng sinh và thuốc trị ho.
  • Việc sản xuất, buôn bán thuốc giả bị xử lý hình sự, có thể bị phạt từ 2 năm tù đến tử hình.
  • Thuốc giả thường được bán qua các hình thức online trá hình, lợi dụng danh nghĩa và tâm lý tiêu dùng.
  • Cần kiểm soát chặt chẽ bán thuốc trực tuyến, xác thực người bán để tránh hàng giả và đảm bảo chất lượng.

Công an tỉnh Thanh Hóa vừa phối hợp với nhiều lực lượng chức năng triệt phá một đường dây sản xuất và buôn bán thuốc giả quy mô lớn, thu giữ gần 10 tấn thuốc thành phẩm và nguyên liệu.

Nhiều thuốc giả, không rõ nguồn gốc bán trên mạng

Đáng nói, 21 loại thuốc bị làm giả đều là những loại phổ biến, từ thuốc trị xương khớp đến bổ gan, tăng sức đề kháng. Một phần không nhỏ trong số này được rao bán công khai trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử (TMĐT), dưới vỏ bọc "thuốc xách tay giá rẻ", "thuốc nam gia truyền" hay "thuốc nhập khẩu không kê đơn".

Nguy cơ thuốc giả tràn qua chợ mạng - Ảnh 1.

Một số loại thuốc giả bị cơ quan công an thu giữ

ẢNH: PHÚC NGƯ

Trong số 21 loại sản phẩm (SP) này có 4 loại giả thuốc tân dược (44 hộp Tetracyclin, 40 hộp Clorocid, 49 hộp Pharcoter, 52 hộp Neo-Codion); còn lại là 39.323 hộp gồm 17 loại SP giả nghi là thuốc đông dược, SP có nhãn ghi mục đích sử dụng như thuốc chữa bệnh.

Đại diện Cục Quản lý dược (QLD, Bộ Y tế) cho biết Tetracyclin, Clorocid là 2 kháng sinh; Pharcoter và Neo-Codion là thuốc trị ho. Đây là các thuốc cần được kê đơn dùng theo liều có kiểm soát. Việc không dùng đúng liều lượng do thuốc giả không được sản xuất đúng tiêu chuẩn khiến người dùng điều trị không hiệu quả nhưng cũng có thể bị tăng liều gây các tác dụng không mong muốn.

Nguy cơ thuốc giả tràn qua chợ mạng - Ảnh 2.

Thuốc giả đang len lỏi qua nền tảng thương mại điện tử

Ảnh minh họa: Phát Tiến sử dụng AI

Trước đó, trong năm 2024, hệ thống giám sát của Bộ Y tế cũng đã phát hiện thuốc Cefi… 200 giả SP của Công ty CP Dược phẩm C.L. Cuối năm 2024, Cục QLD cũng thông báo về SP giả là viên Yuan bone trên bao bì ghi điều trị 15 triệu chứng bệnh thường gặp về xương khớp.

Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục QLD, khẳng định thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người bệnh. Hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả bị nghiêm cấm và phải chịu trách nhiệm hình sự. Người sản xuất, buôn bán thuốc giả có thể bị xử lý hình sự thấp nhất từ 2 năm tù, cao nhất là tử hình.

"Thời gian qua, Cục đã đề nghị các sở y tế chỉ đạo trung tâm kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên địa bàn đối với các thuốc có nguy cơ bị làm giả hoặc kém chất lượng; thiết lập đường dây nóng, tiếp nhận các thông tin về thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn để kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý", ông Hùng cho biết.

Lưu ý khi mua thuốc trực tuyến

Tình trạng đáng báo động hiện nay là người dân chỉ cần một cú click chuột đã có thể mua được bất cứ loại thuốc gì trên mạng. Chị Hà, ngụ Hà Nội, chia sẻ: "Tôi thấy thuốc bổ gan này được rất nhiều người khen trên TikTok, lại giảm giá chỉ còn 120.000 đồng/hộp. Mua về uống nửa tháng thấy không có tác dụng gì, đến khi tra lại mã vạch thì phát hiện SP không tồn tại trên hệ thống tra cứu của Bộ Y tế".

Nguy cơ thuốc giả tràn qua chợ mạng - Ảnh 3.

Hiện trường một trong các xưởng sản xuất thuốc giả khi công an bắt quả tang ở Thanh Hóa mới đây

ẢNH: T.N

Ông Tạ Mạnh Hùng lưu ý, thuốc giả thường được phân phối theo hình thức nhỏ lẻ, không chính thức, dưới nhiều vỏ bọc như "nhân viên dược", "hàng xách tay", hoặc tự nhận là dược sĩ, nhân viên phân phối của các công ty dược phẩm. Các đối tượng này thường giới thiệu thuốc giả là SP được tuồn ra từ các nguồn hàng thầu, hoặc lợi dụng danh nghĩa hàng chính hãng bán chạy nhưng "trái khu vực phân phối", không xuất được hóa đơn, nên rao bán với giá rẻ hơn để tạo lòng tin.

Với các SP giả mạo xuất xứ nước ngoài, các đối tượng thường quảng bá là hàng "xách tay" không có hóa đơn, chứng từ, qua đó lợi dụng tâm lý sính ngoại và tin tưởng hàng nhập khẩu của người tiêu dùng để tiêu thụ hàng giả.

Một chuyên gia của Hội Tin học y tế lưu ý, có nhiều hình thức trá hình cho việc bán thuốc online để xóa dấu vết, do đó, có thể là các SP giả, SP không rõ nguồn gốc không được kiểm soát chất lượng. Ví dụ, các chuỗi nhà thuốc cho mua, chọn thuốc trên website của mình và nếu là kê đơn thì gọi điện cho khách giao dịch trực tiếp và giao hàng. Một số ứng dụng di động khi khách chọn thuốc sẽ giới thiệu khách với một nhà thuốc và nhà thuốc sẽ gọi điện thoại tư vấn rồi giao xe ôm giao hàng nếu khách muốn mua… Chuyên gia này cho rằng xu hướng mua thuốc, kinh doanh này cần được quản lý chặt chẽ để giảm thiểu các rủi ro cho người dùng.

Cục QLD cho biết, đã có văn bản gửi các đơn vị, tổ chức bán hàng theo phương thức TMĐT như Meta Platforms Inc, Công ty TNHH Shopee… đề nghị có biện pháp kiểm soát và ngăn chặn các hành vi này.

Để tránh mua phải hàng giả, SP thuốc trôi nổi không được kiểm soát chất lượng, Phó cục trưởng Cục QLD Lê Việt Dũng, lưu ý: "Người mua thuốc cần mua bán có hóa đơn, chứng từ; người dân chỉ mua thuốc của các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, thuốc có đầy đủ thông tin, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ; tránh mua thuốc theo các thông tin không chính xác trên trang mạng xã hội".

Ông Phan Công Chiến, Trưởng phòng Kinh doanh dược (Cục QLD), cho hay từ 1.7 tới, kinh doanh thuốc qua mạng sẽ chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn nữa. Chỉ được bán thuốc không kê đơn, và buộc phải kinh doanh trên sàn TMĐT hợp pháp, không phải là bán hàng online, livestream như các giao dịch với hàng hóa thông thường.

Theo ông Chiến, một cơ sở kinh doanh dược muốn thực hiện TMĐT phải được đánh giá cụ thể điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, hồ sơ tài liệu và phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Nghĩa là, đây phải là một cơ sở kinh doanh hiện hữu, đã được cấp phép kinh doanh theo phương thức truyền thống và bán hàng trực tuyến chỉ được thực hiện song song với bán hàng truyền thống.

Cần định danh người kinh doanh trên mạng

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT (Cục TMĐT và kinh tế số, Bộ Công thương), cũng cho biết vẫn còn tình trạng bán hàng không đảm bảo an toàn chất lượng trên nền tảng số, như lô sữa giả mới đây. "Thậm chí những nền tảng dược phẩm rất lớn họ vẫn bán lẻ thuốc kê đơn trên sàn TMĐT, và chúng tôi đã có công văn nhắc, yêu cầu tháo gỡ ngay các thuốc kê đơn bán lẻ. Và sẽ rà soát liên tục", bà Hà thông tin thêm.

Theo bà Hà, cần phải định danh, xác thực được người kinh doanh trên mạng. Chủ quản các nền tảng kinh doanh trực tuyến cũng phải đảm bảo các chủ kinh doanh này đã được xác thực. Cục đang kiểm tra giám sát toàn bộ các chủ quản, tuy nhiên vẫn sẽ có các trường hợp, chủ quản nền tảng có thể cho phép bản chụp CCCD để xác thực, vẫn chưa đảm bảo về sự kiểm soát, vì có thể không phải là thông tin thật của người bán hàng đó.

Bà Hà cho rằng chỉ khi mọi thông tin được xác thực chính danh, minh bạch, thì khi xảy ra các vấn đề tranh chấp, có các SP không đạt chất lượng, thì chúng ta mới có cơ sở để tìm ra. Để quản được, cần có các đơn vị liên quan cùng vào cuộc kiểm soát TMĐT từ cơ quan hải quan, cơ quan thuế.

Các tin khác

Công dân có phải tự cập nhật quê quán sau sáp nhập tỉnh thành?

Thiếu tá Trần Duy Hiển, phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư cho biết, việc cập nhật thông tin địa giới hành chính thì Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ cập nhật ngay sau khi có quyết định điều chỉnh địa giới hành chính. Tất cả sẽ được làm trên chức năng của phần mềm.

Phó Chủ tịch NVIDIA ‘hé lộ’ kế hoạch chiến lược cho Việt Nam, kỳ vọng sẽ có hàng trăm công ty thành công như VinBrain

Mới đây, tại Diễn đàn Đầu tư Đổi mới Sáng tạo Việt Nam (VIPC) 2025 với chủ đề: "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn vốn tư nhân, đưa Việt Nam vào kỷ nguyên vươn mình", ông Steven Trương, Phó Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA đã chia sẻ lý do NVIDIA quyết định lựa chọn Việt Nam để đầu tư.

Cổ phiếu ngành tiêu dùng giữa "bão" thuế quan

Trong làn sóng bất ổn do căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, thị trường chứng khoán đã và đang chứng kiến sự dịch chuyển rõ rệt của các dòng vốn. Khi cổ phiếu công nghệ, xuất khẩu gặp khó vì rào cản thuế, nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt tại châu Á, đang trở thành nơi trú ẩn chiến lược của giới đầu tư.