Shark Tank Việt Nam mùa 4 ghi nhận 1.200 hồ sơ đăng ký tham dự chương trình từ các startup – con số lớn nhất từ mùa 1 tới nay. Không chỉ có các startup trên khắp mọi miền Tổ quốc đăng ký tham dự, Shark Tank mùa 4 còn thu hút sự tham gia các kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và các startup người nước ngoài khởi nghiệp tại Việt Nam như Úc, Mỹ.
Trải qua 16 tập phát sóng, Shark Tank Việt Nam mùa 4 đón chào 54 startup thuộc 20 lĩnh vực khác nhau, bao gồm: công nghệ, ẩm thực, thời trang, nhựa sinh học, y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ y tế, thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng, giáo dục, khai vấn, nội thất, du lịch, giao thông, hàng hải, âm nhạc, kho vận, xuất khẩu lao động, đồ chơi, tranh nghệ thuật.
Trong đó có 27 startup công nghệ và ứng dụng công nghệ vào mô hình kinh doanh, chiếm 50% số startup tham gia Shark Tank mùa 4.
Mùa 4 đã ghi nhận 35 thương vụ nhận được cam kết đầu tư từ các Shark với tổng số tiền cam kết là 204.678.000.000 đồng, đạt tỷ lệ 64,81%.
Các Shark nuối tiếc vì không có nhiều deal triệu đô
Sau 1 năm tạm ngưng bởi sự xuất hiện đột ngột của Covid-19, Shark Tank Việt Nam đã trở lại trong sự chờ đợi háo hức của các fan hâm mộ cũng như giới startup. Tuy nhiên, hy vọng nhiều thì thất vọng lớn.
Bởi thị trường khởi nghiệp của Việt Nam đang trong giai đoạn sơ khai, để một startup ra đời và phát triển nhanh cần rất nhiều thời gian; trong khi hầu hết ‘trái chín’ đã bị vặt ở 3 mùa trước cộng với đại dịch khiến các startup không đi nhanh được như kế hoạch.
Vậy nên, như nuối tiếc của các Shark, mùa này chúng ta không thể chứng kiến các deal lớn – mang lại sự phấn khích cho ‘cá mập’ lẫn độc giả như các mùa trước. Hầu hết các startup đến với chương trình mùa này vẫn còn khá non và xanh.
Là Shark phong cách đầu tư tỉnh táo, chắc chắn về số liệu tài chính, Shark Phú nhận định: "Bệnh cố hữu của startup thì vẫn chưa thay đổi nhiều, đặc biệt trong quản trị tài chính, họ cần phải thuộc lòng các chỉ số".
Shark cho rằng, startup cần phải cân đối được doanh thu, dòng tiền, lợi nhuận, thậm chí phải trực tiếp ký thu chi và phải đọc sổ sách hàng ngày. Đặc biệt, startup cần phải nhớ số liệu thì mới ra quyết định mới nhanh được. "Còn nếu cứ lơ mơ, tiền có 5 đồng mà tiêu hết 10 đồng thì sẽ ‘chết’ trước khi thành công", Shark Phú cảnh báo.
Shark Bình chia sẻ điều chưa hài lòng ở Shark Tank mùa 4 là chưa có một mega-deal, tức là một deal lớn, có giá trị cao, một startup thực sự mạnh và chất lượng. Theo ông, chẳng biết vì lý gì, nhiều startup mạnh và giỏi ngoài kia vẫn ngại ngùng không đến với Shark Tank Việt Nam.
Thế nên, Shark Bình nhắn nhủ: "Shark Tank có thể làm bệ phóng giúp cho các bạn tăng trưởng nhiều lần. Bạn càng mạnh thì bạn càng phải lên Shark Tank, bởi vì đó chính là cơ hội bứt phá....
Có rất nhiều startup sau khi gọi vốn trên Shark Tank thì lượng truy cập hoặc khách hàng đã tăng lên 3 lần, 5 lần, thậm chí 10 lần. Tôi mong muốn trong mùa 5 sẽ nhìn thấy các mega-deal của các startup mạnh và sẽ nhìn thấy những unicorn - kỳ lân tỷ USD được phóng lên từ sân chơi Shark Tank".
Đồng quan điểm với Shark Bình, Shark Hưng cũng bày tỏ sự nuối tiếc rằng mùa này không có deal triệu USD như các mùa trước và vẫn ‘ấm ức’ vì đã thua Shark Liên trong thương vụ iGreen.
Đưa ra lời khuyên cho startup chinh phục nhà đầu tư, Shark Hưng chia sẻ: "Khi các Shark đầu tư thì phải nghĩ đến chuyện nó bùng nổ gấp hàng chục lần, hàng trăm lần. Chứ tăng trưởng dưới 30% một năm thì không hấp dẫn các Shark đâu. Đó là lập nghiệp chứ không phải khởi nghiệp". Shark Hưng cũng khuyên các startup phải quan tâm đến tiền của các Shark một cách có trách nhiệm, đừng kêu gọi chỉ để lấp chỗ trống.
Cú bứt phá mạnh mẽ của Shark Liên
Trong lần 2 ngồi ghế nóng, ‘cá mập’ Đỗ Liên đã có cú bứt phá mạnh mẽ: 12 deal với số tiền đầu tư hơn 62 tỷ đồng, gần gấp đôi các Shark khác. Bà còn là người duy nhất có thương vụ triệu đô - iGreen.
Theo đó, Shark Đỗ Liên trở thành người có nhiều thương vụ nhất mùa 4 với 12 thương vụ thành công cùng tổng số tiền cam kết rót vốn là 62.178.900.000 đồng.
Bà cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới các startup mang yếu tố bảo vệ môi trường và nhân văn. Các startup nhận được cam kết đầu tư từ Shark Đỗ Liên bao gồm: Vua Cua, COVO, Cloud Cook, Vulcan Augmestic, Dr. Thin, Cuccu, VMeat, VNG Education 21, iGreen, dầu lạc Tâm Trường Sinh, Mực nhảy biển Đông, LMS.
Điều khiến Shark Liên ấn tượng trong Shark Tank mùa 4 là có nhiều startup quan tâm đến môi trường và công việc cho chị em phụ nữ. Shark Liên chia sẻ rằng đã cho startup những ‘món quà’, những bài học xương máu mà cần thiết bởi các Shark cũng đã phải trả giá rất nhiều.
"Tôi vẫn đồng ý với các bạn, mơ là phải mơ lớn. Nhưng các bạn phải có cơ sở để chúng ta đạt được giấc mơ đó chứ không thì nó vẫn chỉ là một giấc mơ. Tôi khuyên các bạn nên thực tế", Shark Liên nêu quan điểm.
3 Shark cố định còn lại trong chương trình là Shark Phú, Hưng và Bình đều xuống tiền với số lượng gần tương đương nhau.
Tổng kết Shark Tank mùa 4, Shark Nguyễn Hòa Bình có 9 thương vụ thành công với tổng số tiền cam kết đầu tư là 37.032.550.000 đồng. Các startup được Shark Nguyễn Hòa Bình cam kết rót vốn bao gồm: Coolmate, Cloud Cook, Woay, Petkix, eLink Gate, VNG Education 21, Nobita Pro, iCare, LMS.
Danh mục đầu tư của ông chủ yếu là startup về công nghệ, phục vụ cho mảng chuyển đổi số. Coolmate là thương vụ lớn nhất của ông – đầu tư 11,5 tỷ. Ngoài việc đặt cọc ngay cho startup này trên sóng truyền hình, ông cũng đã nhanh chóng hoàn tất ký kết đầu tư với Coolmate và biến thương vụ này trở thành màn giải ngân nhanh nhất trong lịch sử chương trình.
Về số lượng deal đầu tư thành công, Shark Hưng đứng ngay sau Shark Liên với 10 deal - trong đó có 8 thương vụ độc quyền, với tổng số tiền cam kết đầu tư là 34.026.650.000 đồng. Shark Hưng đặc biệt quan tâm đến các startup công nghệ, các sản phẩm kỹ thuật độc đáo, có khả năng mang sự đột biến.
Ông không ngại cùng start up tấn công vào thị trường ngách, tạo lối đi riêng với dòng tiền ổn định, ít sự cạnh tranh. Các startup được Shark Hưng cam kết đầu tư bao gồm: COVO, Call Center, Home3D, My Storage, Cello Fundamento, CNV Holdings, Star Global 3D, EIY, Thế giới số, LMS. Deal đầu tư lớn nhất của ông là vào Star Global 3D – 10 tỷ đồng.
Tiếp theo là Shark Phú, ông đã cũng thể hiện được sự đa dạng trong "khẩu vị" đầu tư của mình khi chốt deal với các startup ở nhiều lĩnh vực như công nghệ, nhựa sinh học, khai vấn, chăm sóc sức khỏe...
Với lợi thế sở hữu hệ sinh thái sản xuất lớn mạnh và phân phối rộng khắp, trong mùa 4, Shark Phú đã thành công chốt 8 deal và cam kết đầu tư 34.331.150.000 đồng cho 8 startup bao gồm: BioPlas, WiiBike, Lock Cuff, Self Hiil, AnHome, Nobita Pro, dầu lạc Tâm Trường Sinh, LMS. Deal đầu tư lớn nhất của ông là với Nhựa sinh học Bioplas, với cam kết khoản vay chuyển đổi 15 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm, kèm cam kết thế chấp 3 căn nhà. Sau 3 năm nếu chuyển đổi sẽ tương ứng 35% cổ phần.
3 Shark khách mời là Louis Nguyễn – Thái Vân Linh – Nguyễn Thanh Việt thành công giành về 8 deal. Cụ thể: Shark Việt có 3 thương vụ đầu tư vào BluSaiGon, JVM, Equo cùng số tiền cam kết đầu tư là 28.609.000.000 đồng; Shark Louis Nguyễn cam kết đầu tư cho 2 startup Vmeat và VNG Education 21 với tổng số tiền là 3.000.000.000 đồng; Shark Linh có 3 thương vụ thành công với startup EIY, Edubox, LMS cùng tổng số tiền cam kết đầu tư là 5.960.900.000 đồng.
Về phần các startup, cũng như mọi năm, startup công nghệ chiếm phần lớn trong số các thí sinh kêu gọi vốn thành công; tuy nhiên năm nay chúng ta chứng kiến thêm sự lên ngôi của các startup phục vụ cho lối sống xanh. Ngoài iGreen, chúng ta còn chứng kiến những màn tỏa sáng khác như VMEAT, Bioplas – lần lượt là deal đầu tư lớn nhất của Shark Louis và Phú.