Nhân viên sân bay Wong Ng đã vô cùng mừng rỡ khi chính quyền Bắc Kinh muốn dỡ bỏ những căn hộ cũ kỹ vào năm 2049 để lấy đất xây nhà mới. Động thái này có thể giúp người đã đi thuê nhà 7 năm trời như anh có cơ hội thuê nhà ở công.
"Có thể tôi sẽ thuê được nhà ở công, nhưng nhiều người có lẽ chẳng thể chờ nổi đến năm 2049. Vẫn còn đến 28 năm nữa để chờ đợi cơ mà", anh Wong ngậm ngùi nói.
Xếp hạng khả dụng mua nhà trên thế giới, Hong Kong được cho là nơi khó sở hữu nhà nhất toàn cầu
Chương trình nhà công cho thuê giá rẻ được thành lập từ những năm 1954 khi chính quyền Hong Kong cho xây dựng các khu chung cư cho thuê với giá thấp hơn thị trường. Chính quyền địa phương sẽ bù đắp nguồn thu từ mặt bằng cho thuê kinh doanh quanh khu dân cư.
Hiện anh Wong đang sống cùng vợ và một đứa con nhỏ trong căn hộ rộng chỉ có 11 m2. Căn hộ bé đến nỗi họ phải thay phiên dùng bữa bởi chẳng kê nổi một chiếc bàn ăn tử tế.
Hàng tháng, anh Wong phải trả 6.800 Dollar Hong Kong (HKD), tương đương 874 USD/tháng cho tiền thuê nhà cộng với khoảng 700 HKD tiền điện nước.
Câu chuyện của Wong chỉ là một trong vô số những phận đời sống tại những căn hộ chật hẹp khắp Hong Kong. Tính đến cuối tháng 3/2021, Hong Kong có khoảng 153.300 hộ gia đình nộp đơn thuê nhà công giá rẻ mà vẫn phải đợi.
Thời gian đợi trung bình là khoảng 5,8 năm và dài nhất là 22 năm mới đến lượt thuê nhà công giá rẻ.
Với những người độc thân, Hong Kong có khoảng 100.500 người đang xếp hàng để đợi thuê nhà công. Cho đến khi đó, những bạn trẻ này vẫn phải trả hàng nghìn USD mỗi tháng để thuê nhà riêng ngoài thị trường tự do.
Tăng giá bất chấp dịch bệnh
Trên thực tế, Hong Kong không chỉ đối mặt với áp lực thiếu nguồn cung nhà ở xã hội giá rẻ mà ngay cả thị trường căn hộ tư nhân cũng thiếu. Mức giá bất động sản tư nhân ở đây lên cao quá mức khiến đa phần người dân không đủ khả năng mua nổi.
Mức giá nhà bình quân hạng A tại khu Kowloon-Hong Kong (HKD)
Có lẽ Hong Kong là một trong những nơi hiếm hoi trên thế giới mà chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng thị trường bất động sản vẫn nóng bỏng. Tính đến tháng 5/2021, giá nhà tại đây đã lên mức cao nhất 2 năm qua do lãi suất thấp và nền kinh tế hồi phục sau dịch.
Giá nhà bình quân cho một căn hộ 46 m2 tại Hong Kong tính đến tháng 6/2021 vào khoảng 9,44 triệu HKD. Con số này ngoài tầm với của đa số người dân cho dù họ có cố gắng cả đời. Báo cáo năm 2021 của Demographia cho thấy bình quân một hộ gia đình sẽ phải tiết kiệm đến 20,7 năm mà không chi tiêu đồng nào thì có thể mới mua nổi một căn hộ.
Với những yếu tố trên, Hong Kong được xếp vào hàng thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới.
Ngoài yếu tố thiếu cung, việc ngày càng nhiều người di cư từ Trung Quốc đại lục sang cũng là nguyên nhân khiến giá nhà Hong Kong tăng mạnh. Ví dụ như anh Wong cũng là người từ đại lục di cư đến Hong Kong năm 1988. Dù phải sống trong cảnh chật chội nhưng anh vẫn bám trụ lại vì hệ thống giáo dục tốt cho con cái.
Trong một cuộc khảo sát của Cơ quan quản lý nhà ở Hong Kong năm 2020, khoảng 1/5 số hộ gia đình có người di cư từ đại lục từ năm 2017.
Giấc mơ chưa bao giờ thành hiện thực
Sau khi Hong Kong được trả về cho Trung Quốc vào năm 1997, các nhà lãnh đạo địa phương đã đặt mục tiêu 70% dân cư sở hữu nhà ở và coi đây là nền tảng cho ổn định xã hội.
Thế nhưng cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 đã khiến kế hoạch đổ vỡ và tỷ lệ sở hữu nhà của người Hong Kong chưa bao giờ vượt quá mức đỉnh 54,3% vào năm 2004.
Thậm chí vào năm 2019, con số này còn xuống mức thấp kỷ lục trong 20 năm qua ở 49,8%. Tại thời điểm đó, giá nhà ở Hong Kong đã tăng gần 4 lần trong hơn 15 năm.
Hệ quả tất yếu là giới trẻ Hong Kong chẳng có cơ hội sở hữu nhà ở. Tỷ lệ sở hữu nhà của người Hong Kong dưới 35 tuổi đã giảm mạnh từ 22% năm 1997 xuống chỉ còn 7,6% năm 2019. Trái lại, tỷ lệ này tăng gần gấp đôi trong cùng kỳ với người trên 60 tuổi, từ 21% lên 41%.
Anh Ken Choi là một thanh niên mới lấy vợ đã phải trả 3,7 triệu HKD cho căn chung cư rộng có 22 m2, thuộc loại những khu nhà bé (nano flat) đang ngày càng được xây nhiều ở Hong Kong trong bối cảnh quỹ đất eo hẹp còn người dân không có nhiều tiền.
Dù chật hẹp nhưng gia đình anh Ken lại khá hài lòng bởi họ còn may mắn hơn nhiều người dân Hong Kong khác.
"Thật buồn cho người Hong Kong khi dù có dành dụm toàn bộ số tiền tiết kiệm cũng chỉ mua được một nơi ở nhỏ bé thế này mà thôi", anh Ken ngậm ngùi.
Đồng quan điểm, phó giáo sư Terence Chong Tai Leung của trường đại học Chinese University tại Hong Kong nhận định chính quyền địa phương nên học tập Singapore khi thúc đẩy các dự án nhà ở công cho thuê giá rẻ, hạn chế nhu cầu sở hữu bất động sản.
"Chúng ta có tỷ lệ dân sở hữu nhà cao tới 50% và điều này không hề tốt. Khi một nửa người có sở hữu nhà còn nửa kia thì không, chúng sẽ khiến xã hội bị chia rẽ", ông Terence nhấn mạnh.