Câu chuyện doanh nghiệp hạnh phúc được các diễn giả Leaders Pit stop #02 với chủ đề "Công thức kích hoạt nguồn Năng lượng Tập thể đến từ các Huấn luyện viên Olympic" trong bối cảnh hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM đều đang áp dụng Chỉ thị 16, các ca dương tính với Covid-19 vẫn đang "nhảy số" từng ngày.
Học tập từ Bhutan – đất nước coi trọng chỉ số "Tổng Hạnh phúc Quốc gia" (Gross National Happiness - GNH) thay vì "Tổng sản phẩm quốc nội" (Gross Domestic Product – GDP), ở Biti’s, CEO Vưu Lệ Quyên đặt sứ mệnh xây dựng một môi trường làm việc, học tập Hạnh phúc và Hiệu quả.
"Chúng tôi đặt ‘Hạnh phúc’ trước sự ‘Hiệu quả’, bởi nhân viên của mình có hạnh phúc thì mới đem lại sự hiệu quả lâu dài cho doanh nghiệp", Lệ Quyên chia sẻ.
"Có những giai đoạn, tôi thấy công việc mang lại cho mình rất nhiều thứ, nhưng không có hạnh phúc, từ đó làm giảm đi rất nhiều năng lượng trong công việc", Vưu Lệ Quyên – Tổng Giám đốc Biti’s – chia sẻ trải nghiệm của chính bản thân.
Thước đo hạnh phúc đằng sau những đôi giày Biti's
Với quan điểm "một người không hạnh phúc có thể làm việc rất hiệu quả nhưng thời gian hiệu quả của họ sẽ rất ngắn", Lệ Quyên tìm cách lan tỏa hạnh phúc tới cộng đồng 10.000 cán bộ nhân viên của Biti’s.
Năm 2018, Lệ Quyên khởi xướng chương trình Happy Biti’s, mời GS. Hà Vĩnh Thọ - cựu Giám đốc Trung tâm Hạnh phúc Quốc gia của Bhutan - hướng dẫn để đưa hạnh phúc vào văn hóa doanh nghiệp của Biti’s.
Ở góc độ nhân viên, chương trình hướng dẫn cho các bộ công nhân viên kỹ năng hạnh phúc. Cụ thể, kỹ năng được định nghĩa gồm 3 kết nối:
1- Kết nối với bản thân thông qua tỉnh thức và nhận thức bản thân
"Tôi nghĩ đây là yếu tố then chốt, và đặc biệt quan trọng trong Covid. Mình sẽ phải hiểu rõ mình muốn gì? Mình như thế nào? Liệu mình đang có được sự bình an hay không? Trong giai đoạn biến động như vậy, chúng ta rất dễ bị lôi kéo bởi rất rất nhiều thông tin tiêu cực nếu không có sự vững chãi về mặt nội tâm, sẽ bị cuốn theo", CEO Biti’s nói.
2- Kết nối với người khác
Thông qua việc lắng nghe sâu, hiểu được mong muốn của người khác, làm sao để sự giao tiếp của mình luôn là một sự giao tiếp thấu cảm và yêu thương, từ đó giúp team có được niềm tin ở đồng nghiệp, từ đó cũng có được niềm tin với tổ chức.
3- Kết nối với thiên nhiên
"Thiên nhiên là một nguồn Quyên nghĩ đem lại hạnh phúc rất lớn cho mọi chúng ta. Thời điểm này khi có nhiều thời gian hơn, nhiều khi mình chỉ ngắm trời, mây, bình minh, hoàng hôn… đã rất vui, chưa chắc cần đi ra ngoài kết nối với người khác. Việc quan sát những chuyển hóa rất nhỏ sẽ giúp chúng ta thấy cuộc sống thật kỳ diệu".
"Ngoài kia, rất nhiều đồng bào đang vật lộn trong Covid, thậm chí giành giật với sự sống. Việc ngồi ở đây có được hơi thở, mái nhà, có được bữa ăn, có công việc… cũng là điều mình cảm thấy biết ơn", Quyên nói.
Ở khía cạnh tổ chức, CEO Biti’s cho biết tổ chức sẽ đo lường thành công dựa trên framework của chỉ số GNH (Gross National Happiness) gồm 9 lĩnh vực, như thời gian sử dụng của nhân viên, chuẩn sống, sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất, việc học tập và phát triển trong tổ chức, sức sống cộng đồng, việc bảo tồn phát huy văn hóa địa phương, bảo tồn sinh thái chung, quản trị tốt của doanh nghiệp…
Việc chuẩn bị cho nhân viên, cấp quản lý tại Biti’s rèn luyện các kỹ năng hạnh phúc từ 3 năm trước tạo nền tảng vững chắc giúp cộng đồng Biti’s vượt đại dịch trong bình an, đồng thời tạo thêm nhiều giá trị nhân văn cho xã hội như việc gây quỹ trao 45.000 suất ăn cho người nghèo khó, bệnh nhân ung thư tại TPHCM, gây quỹ y tế cung cấp các thiết bị, máy móc y tế cần thiết tại các bệnh viện tuyến đầu...
VPBank: Tạo hạnh phúc bằng việc để nhân viên khai phá hết tiềm năng, chứ không phải tính chuyện giảm KPI
Ảnh minh họa. Nguồn: VPBank.
Cũng là câu chuyện tạo hạnh phúc cho nhân viên, với VPBank, tạo hạnh phúc là tạo sự an toàn, tạo môi trường làm việc để nhân viên khai phá hết tiềm năng của bản thân.
Trước câu hỏi làm thế nào giữ chân nhân viên, nâng chỉ số hạnh phúc cho tổ chức trong bối KPI mùa dịch không giảm, bà Lưu Thị Thảo - Phó tổng Giám đốc Cao cấp VPBank cho biết: Mỗi nhân viên phải hiểu trong khó khăn cần tìm ra cơ hội.
"Chắc chắn không ai mong muốn bị giảm lương. Các bạn sẽ muốn doanh nghiệp vẫn hoạt động hiệu quả, và các bạn có lương, có thưởng. Như vậy, không có cách nào khác là tất cả chúng ta đều phải nỗ lực".
Khái niệm Hạnh phúc cần đặt trong một bối cảnh cụ thể để chúng ta cùng nghĩ lại xem mình làm được gì thay vì nghĩ rằng ai đó làm gì cho mình.
"Doanh nghiệp nào cũng phải làm quen với môi trường mới. Và chúng ta phải linh hoạt, tìm cách trả lời câu hỏi ‘Với bối cảnh mới, chúng ta sẽ làm gì’? Thay vì suy nghĩ về việc giảm KPI, tại sao chúng ta không đặt câu hỏi ngược lại: Làm thế nào để chúng ta có thể làm tốt hơn những gì đang làm, mang lại giá trị cho tổ chức? Từ đó, tổ chức mới có thể tồn tại bền vững, đảm bảo cho người lao động và đóng góp cho cộng đồng. Đúng không?", Phó Tổng Giám đốc VPBank đặt vấn đề.
Bà Thảo cũng chia sẻ, VPBank bên cạnh việc lo cho ‘cơm ăn áo mặc’ của mấy chục nghìn con người để nhân viên cảm thấy hạnh phúc, cảm nhận được ai đó đang quan tâm đến đời sống tinh thần, thể chất, còn chung tay với cộng đồng. 6 tháng đầu năm, ngân hàng này đã tham gia các hoạt động cộng đồng thông qua quỹ vaccine, mua máy hỗ trợ hô hấp ECMO, với tổng giá trị tính đến giờ khoảng 250 tỷ đồng.
"Nếu từng bạn không nỗ lực, doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, từng doanh nghiệp không lớn mạnh qua đại dịch thì chúng ta sẽ làm gì để cả cộng đồng vượt qua thử thách? Nếu suy nghĩ như vậy, với mỗi cá nhân, tôi nghĩ KPI lại trở thành thứ nhỏ bé. Khái niệm thế nào là hạnh phúc sẽ cần đặt trong bối cảnh đó để chúng ta cùng nghĩ lại xem mình làm được gì thay vì nghĩ rằng ai đó làm gì cho mình. Và chỉ giảm KPI có mang lại hạnh phúc cho các bạn không?"
"Đối với VPBank, không chỉ là KPI mà tất cả những gì chúng tôi đang có, sự quan tâm cho cán bộ công nhân viên, cho người thân của mình, bảo vệ cho sự an toàn của các bạn hay tạo ra môi trường làm việc để cá nhân mỗi ngày có thể khai phá hết tiềm năng của mình… Đấy chính là những giá trị chúng ta đang cùng nhau tạo ra môi trường hạnh phúc", bà Thảo nói.
Trong hoàn cảnh khó khăn như Covid-19, theo Coach Bernard Dewamme, từ Tập đoàn Mentally Fit Global, gắn kết đội ngũ (Team Glue) là việc vô cùng quan trọng. Để gắn kết đội ngũ, bên cạnh việc cùng hướng về mục tiêu chung, đưa ra các khuôn khổ hoạt động, ông Bernard cho biết các CEO còn cần tạo ra niềm tin (Trust) trong nhân viên.
Yếu tố Trust ấy được gây dựng bởi Uy tín, Độ tin cậy, và Sự gần gũi. 3 thành tố này được đo lường rõ ràng mới lột tả được mức độ tin tưởng lẫn nhau của những thành viên trong một tổ chức.
"Đôi khi một số xung đột lợi ích có thể xảy ra", ông Bernard nói.
"Nếu chúng ta chỉ chú ý đến sự ích kỷ, bản ngã của mình, sẽ không thể nào có được tiếng nói chung. Chỉ khi không có sự mâu thuẫn về mặt quyền lợi, lúc đó các thành viên trong tổ chức mới có thể tin tưởng lẫn nhau".