Thông tin trên là kết quả khảo sát mới công bố của Adecco, công ty tuyển dụng, tính lương và cung cấp các giải pháp nhân sự. Khi được hỏi về tần suất mong đợi được làm việc tại nhà, gần 40% thế hệ Z (người dưới 25 tuổi) muốn làm việc từ xa hoàn toàn. Thế hệ Y (25-40 tuổi) và thế hệ X (41-55 tuổi) lại chuộng hơn cả hình thức tối ưu là tỷ lệ 50:50 giữa làm việc tại chỗ và làm việc từ xa.
Tuy nhiên, khảo sát cũng chỉ ra 5 thách thức lớn nhất khi làm việc từ xa đối với mọi thế hệ là "Các vấn đề về làm việc nhóm và giao tiếp" (57,1%), "Các yếu tố gây phân tâm ở nhà" (48,5%), "Duy trì sự tương tác/động lực của tập thể" (46,2%), "Không gian làm việc thực tế" (44,2%) ), và "Cách ly xã hội" (38,8%).
Hơn 53,7% người tham gia chia sẻ họ cảm thấy "căng thẳng hơn" trong đợt bùng phát dịch gần đây so với năm 2020. Cụ thể, 43% thế hệ Z căng thẳng "gần như luôn luôn" và "hầu hết thời gian", tỷ lệ cao nhất so với các thế hệ Y (27,6%), thế hệ X (18,5%).
5 yếu tố gây căng thẳng chính là sự an toàn trong thời điểm dịch, khả năng tài chính dài hạn, đảm bảo công việc và triển vọng nghề nghiệp, sức khỏe tâm thần và thể chất, và tiếp nhận quá nhiều thông tin. Đáng chú ý là trong khi khoảng 80% nhân viên coi trọng sức khỏe tâm thần thì gần 33% doanh nghiệp không đưa ra bất kỳ hỗ trợ nào về khía cạnh này.
International SOS Việt Nam đánh giá hầu hết doanh nghiệp hiện nay vẫn ưu tiên các vấn đề sức khỏe tổng thể liên quan đến công việc. Trong khi đó, ngay từ trước đại dịch, sức khỏe tâm thần đã được coi là mối quan tâm lớn và "cơn sóng thần" mới quét qua môi trường làm việc hiện đại.
Tại Việt Nam, lao động gặp rào cản khi thoả thuận về chủ đề này vì sự kỳ thị thường thấy về sức khỏe tâm thần phổ biến ở châu Á. Thêm vào đó, các lãnh đạo cũng không nhận thức được về vấn đề sơ cứu sức khỏe tâm thần. Một số doanh nghiệp còn yêu cầu nhân viên làm việc ngoài giờ, liên tục trên các trang mạng xã hội, các cuộc họp và trao đổi trực tuyến.
Theo khảo sát, để nâng cao sức khỏe tinh thần, người lao động kỳ vọng chính sách làm việc linh hoạt hơn và thúc đẩy sự cân bằng lành mạnh giữa công việc - cuộc sống. Một số phương thức khác mà họ cũng quan tâm như: thực hành chánh niệm (mindfulness), tổ chức các buổi trị liệu, đào tạo đội ngũ quản lý để nhận biết các triệu chứng về sức khỏe tâm thần...
Ông Andree Mangels, Tổng giám đốc Adecco Việt Nam cho rằng, các nhà lãnh đạo nên lắng nghe nhu cầu và mối quan tâm của nhân viên để hỗ trợ kịp thời. Điều này có thể được thực hiện thông qua các khảo sát định kỳ, buổi gặp mặt riêng 1-1, họp hàng tháng hoặc các kênh phản hồi ẩn danh.
"Cách các nhà lãnh đạo dẫn dắt lực lượng lao động trong thời kỳ đại dịch có thể để lại dấu ấn trong văn hóa công ty và quyết định liệu nhân viên có gắn bó lâu dài hay không", ông đánh giá.
Ngoài ra, để lao động làm việc từ xa an tâm và thuận lợi hơn, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến phúc lợi và đào tạo.
Khảo sát của Adecco cho biết, phụ cấp hàng tháng cho tiền điện hoặc điện thoại là yếu tố được mong đợi nhất với người lao động. Điều này cũng dễ hiểu khi hơn 32% người tham gia khảo sát gặp khó khăn về các chi phí hàng ngày khi làm việc tại nhà. Các hỗ trợ được mong đợi khác bao gồm các khoản hoàn trả cho việc sắp xếp văn phòng tại nhà, duy trì giờ làm việc linh hoạt...
96,6% người trả lời khảo sát cũng cho biết sẵn sàng tham gia vào các hoạt động tái đào tạo. "Các doanh nghiệp có thể cung cấp thêm chương trình đào tạo trực tuyến chuyên sâu trong gói phúc lợi nhân viên", ông Minh Đỗ, Trưởng phòng Học thuật tại CoderSchool khuyến nghị.
Vị chuyên gia gợi ý 2 giải pháp. Phổ biến nhất là chia người học thành các nhóm nhỏ với các chương trình đào tạo dành riêng cho họ. Phương pháp này tương đối hiệu quả khi trình độ và năng lực của mỗi cá nhân trong nhóm tương đương nhau. Một giải pháp khác là xây dựng các bài học nhỏ, sau đó sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và Machine learning để theo dõi và đánh giá lộ trình học tập của mỗi người. Từ đó, các nội dung tiếp theo sẽ được giới thiệu một cách hợp lý nhất".
PGS TS Phạm Thành Dương, Đại học Việt Đức, khuyến nghị các doanh nghiệp nên tìm kiếm những nhân viên có khả năng tự học ngay từ đầu, hợp tác với các trường đại học và trung tâm nghiên cứu để cập nhật công nghệ mới và đào tạo nguồn nhân lực đạt trình độ cao hơn. Việc tổ chức các buổi hội thảo thường xuyên cũng giúp truyền cảm hứng cho nhân viên chia sẻ ý tưởng để cải thiện quy trình làm việc của họ.