Tài chính

Trong khi các ông lớn trong ngành sa sút và đi ngang, Mcredit bất ngờ báo lãi 6 tháng 2021 lớn hơn cả năm 2020

Trên thị trường tài chính tiêu dùng hiện nay, có 4 công ty lớn gồm FE Credit, Home Credit, HD Saison và Mcredit. Trong đó, Home Credit có 100% vốn nước ngoài còn 3 công ty còn lại do các ngân hàng Việt đứng sau: FE Credit của VPBank, HD Saison của HDBank và Mcredit của MB.

Số liệu mới được các ngân hàng công bố cho thấy, lợi nhuận của FE Credit vừa giảm mạnh, HD Saison đi ngang trong khi Mcredit tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, MB cho biết Mcredit đạt doanh thu 2.168 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế lên tới 346 tỷ đồng, tăng trưởng 188%. Như vậy, lợi nhuận 6 tháng năm nay đã vượt qua tổng lãi của cả năm trước.

Trước đó, Mcredit báo lãi 320 tỷ đồng cho cả năm 2020, tăng trưởng 77% và tăng trưởng dư nợ hơn 18%.

Mcredit có tên đầy đủ là Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei, chính thức hoạt động từ tháng 12/2016 trên cơ sở liên doanh giữa Ngân hàng MB và Tập đoàn tài chính Shinsei Bank (Nhật Bản).

Sinh sau đẻ muộn so với các đối thủ, Mcredit lựa chọn phân khúc khách hàng thu nhập thấp và trung bình, không có tài sản thế chấp, khó chứng minh thu nhập theo chuẩn của ngân hàng. Với định hướng này, Mcredit lọt vào top 4 công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu thị trường, dù vốn điều lệ chỉ đứng thứ 10, với 800 tỷ đồng.

Trong khi các ông lớn trong ngành sa sút và đi ngang, Mcredit bất ngờ báo lãi 6 tháng 2021 lớn hơn cả năm 2020 - Ảnh 1.

Tính đến cuối năm 2020, Mcredit có tổng tài sản 11.000 tỷ đồng, số lượng điểm giao dịch đã lên 1.548, gấp 3 lần so với năm 2017. Mạng lưới đối tác thu hộ, chi hộ tại hệ thống của MB, VNPost, Viettel, Payoo, Momo... đạt đến 160.000 điểm, phủ rộng 63 tỉnh thành.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán ACBS, việc Mcredit tăng trưởng nhanh cũng có thể đồng thời khiến nợ xấu gia tăng. ACBS nhận định, việc thành lập Mcredit tham gia mảng tài chính tiêu dùng từ năm 2016 góp phần giúp quy mô của ngân hàng mẹ MB được mở rộng nhanh chóng. Tuy nhiên, điều này khiến rủi ro tín dụng tăng lên trong giai đoạn hiện nay.

Năm 2021, ACBS kỳ vọng nợ xấu sẽ giảm xuống, một phần do Mcredit đã siết chặt chính sách tín dụng kể từ đầu năm 2020 và không còn chú trọng tăng trưởng tín dụng nhanh như giai đoạn trước.

Đọc thêm