Các triệu phú rất thông minh, năng động, có năng lực và am hiểu về kinh doanh. Nhưng nếu thiếu đi một yếu tố nào đó, họ sẽ thuê một hoặc nhiều đội ngũ chuyên gia để tư vấn và chỉ dẫn họ đi đúng hướng. Và khi có điều gì không ổn xảy ra, họ sẽ dùng tiền của mình để bù đắp các khoản lỗ. Dù sao, với khối tài sản "khủng" của mình, họ có khả năng tránh được nguy cơ phá sản.
Thế nhưng đó chỉ là những gì chúng ta nghĩ. Trên thực tế, rất nhiều người không chỉ xóa sổ hàng triệu USD trong tài khoản ngân hàng, mà họ còn phải đau đầu nghĩ cách để hạ giá trị tài sản ròng và nộp đơn phá sản.
Nếu mắc phải những sai lầm như họ, bạn sẽ mất tất cả, dù là 100 hay một tỷ USD. Và sẽ không có một giới hạn nào về số tiền bạn có thể đánh mất.
Đây là 4 sai lầm mà các triệu phú và các công ty triệu đô của họ đã từng mắc phải.
# 1 Không đa dạng hóa danh mục đầu tư
Đầu tư thông minh có thể đem lại sự giàu có cho bạn. Và điều tồi tệ hơn cả việc để tiền trong tài khoản ngân hàng là đánh mất nó cho một khoản đầu tư tồi tệ.
Khi nói đến đầu tư, tất cả các chuyên gia về kinh doanh đều nhấn mạnh ý nghĩa của đa dạng hóa danh mục đầu tư. Họ đều khuyên chúng ta: "Đừng bao giờ bỏ tất cả trứng vào một giỏ".
Những thất bại có thể sẽ được bù đắp bởi những khoản đầu tư thành công khác. Vì vậy, nếu bạn không đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình, bạn có khả năng sẽ mất đi tất cả.
Đó là lời khuyên cơ bản nhất trong lĩnh vực tài chính, và Patricia Kluge đã không làm theo. Sau khi kết hôn với người đàn ông giàu nhất thế giới, John Kluge, Patricia đã đầu tư hàng triệu USD và vay thêm 65 triệu USD để xây dựng hơn một chục ngôi nhà sang trọng. Khi cuộc khủng hoảng ngân hàng và nhà đất xảy ra năm 2008, Patricia không thể chi trả các khoản vay và buộc phải bán tất cả tài sản của mình, bao gồm cả đồ trang sức và nhiều thứ giá trị khác. Cuối cùng, cô đã phải nộp đơn phá sản.
Bất động sản là một trong những khoản đầu tư có khả năng sinh lời cao nhất trong nhiều thập kỷ. Nhưng sẽ không có một khoản đầu tư nào là an toàn trước những biến động và khủng hoảng của thị trường. Nếu Patricia dành một phần tiền đầu tư vào cổ phiếu và ngành công nghiệp xe hơi, thì tình hình tài chính của cô đã không tồi tệ đến mức như vậy.
#2 Không thích ứng với sự thay đổi của thị trường
Ở Phố Wall, bạn là một con sói, nhưng trong kinh doanh, bạn phải là một con tắc kè hoa.
Nếu muốn tồn tại trong giới kinh doanh thì những yếu tố mà bạn phải quan tâm hàng đầu là linh hoạt và khả năng thích ứng. Đây là tiêu chí số một để các công ty có thể vượt qua thử thách và tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Mặt khác, việc không thích ứng với một thị trường đang thay đổi đã khiến nhiều công ty trị giá hàng triệu USD phải nhận về vô số thất bại.
Trước Netflix, đã có Blockbuster. Blockbuster là một trong những thương hiệu nổi bật nhất trong lĩnh vực cho thuê phim. Vào thời kỳ đỉnh cao, năm 2004, nó có gần 85.000 nhân viên và có hơn 9.000 cửa hàng. Vì không thể chuyển đổi sang mô hình kỹ thuật số, Blockbuster đã đệ đơn phá sản vào năm 2010. Điều này có thể sẽ không xảy ra, nếu vào năm 2000, giám đốc điều hành của Blockbuster đồng ý thu mua Netflix. Khi đó, vì cho rằng Netflix là một doanh nghiệp rất nhỏ và thậm chí có thể thua lỗ nên ông đã từ chối đề nghị mua công ty này với giá 50 triệu USD. Hiện nay, với sự linh hoạt của mình, Netflix ngày càng phát triển, và có giá trị hàng tỷ USD.
Một trường hợp thất bại khác là sự sụp đổ của Kodak. Do không thể theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số, công ty này đã phải đệ đơn phá sản vào năm 2012. Thay thế cho nó là FUJIFILM, Agfa Gevaert, Nikon, Canon và Ricoh Imaging...
#3 Không chính trực
Những gì bạn cho đi chính là những gì bạn sẽ nhận được. Và nếu bạn xây dựng sự giàu có của mình dựa trên sự dối trá, lừa lọc và những điểm yếu của người khác, thì chúng sẽ khiến bạn suy sụp.
Bernie Madoff là người đứng đầu mô hình Ponzi, một mô hình lừa đảo lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Bernie là người giàu có với khối tài sản khoảng 825 triệu USD. Nhưng điều đó không thể ngăn được anh ta lừa các nhà đầu tư của mình và bỏ túi 20 tỷ USD. Cho đến hiện tại, số tiền bị đánh cắp vẫn chưa được hoàn trả đầy đủ cho các nhà đầu tư.
Khi cảnh sát điều tra và phát hiện ra những hành vi sai trái của Madoff vào năm 2008, anh ta đã bị kết án 150 năm tù giam và không còn một xu dính túi.
Nếu sống và làm việc không chính trực thì thứ mà bạn mất đi không chỉ là tiền, mà còn là nền tảng để xây dựng và lấy lại những thứ đã mất. Thậm chí, bạn sẽ mất cả tự do.
#4 Bội chi
Điều này không chỉ xảy ra ở những người giàu mà tất cả chúng ta, ai cũng có xu hướng đẩy chi tiêu vượt quá giới hạn của mình.
Một người Mỹ là Jocelyn Wildenstein từng chi 1 triệu USD cho những món đồ xa xỉ và 5.000 USD cho hóa đơn điện thoại mỗi tháng. Các khoản chi tiêu này đã kết thúc vào năm 2018, khi cô phá sản vì đã tiêu hết hàng triệu USD của mình.
Cô từng là một ngôi sao điện ảnh, một ca sĩ và là một người giàu có với cuộc sống vô cùng xa hoa.
Sẽ chẳng có vấn đề gì, nếu bạn có tiền và mua cho mình một món đồ, ví dụ như một ngôi nhà hay một chiếc xe hơi. Vấn đề sẽ xảy ra khi những giao dịch này dẫn đến rất nhiều, rất nhiều những giao dịch khác sau đó. Sự hài lòng của chúng ta bắt đầu phụ thuộc vào thứ được mua tiếp theo và với mỗi lần mua mới, chúng ta càng khó có thể hài lòng hơn. Có một hiện tượng thực tế đằng sau hành vi này, được gọi là hiệu ứng Diderot.
Hiệu ứng Diderot cho thấy, những vật sở hữu mới thường tạo ra một vòng tiêu dùng, nó khiến chúng ta phải liên tục mua nhiều thứ mới hơn. Do đó, chúng ta phải chấm dứt việc cố gắng sở hữu những thứ không cần thiết.
Bội chi là yếu tố quan trọng dẫn đến thất bại. Nhưng chúng ta có thể ngăn chặn được nó. Nếu có phương pháp phù hợp, cô Wildenstein sẽ dễ dàng tránh được nguy cơ phá sản.