Năm 2019, bà Nguyễn Thị Hoài Thanh (Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) mua một căn biệt thự hơn chục tỷ đồng tại một dự án ở Quảng Ninh. Dự án có chính sách thanh toán khá hấp dẫn là hỗ trợ lãi suất 0% trong vòng 18 tháng. Với chính sách này, bà Thanh không ngần ngại, mạnh tay vay ngân hàng 70% giá trị căn biệt thự và tính toán trong 18 tháng với lãi suất 0%, dự án tăng giá theo tiến độ, bà sẽ bán ra kiếm lời.
Từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 nhiều lần bùng phát và phức tạp khiến việc bán ra của bà gặp khó khăn. Đến thời điểm hại tại, chương trình ưu đãi lãi suất đã kết thúc vài tháng, bà vẫn chưa bán được căn biệt thự dù chỉ là bán bằng giá mua vào và sẵn sàng cắt lỗ nhẹ nếu gặp khách thiện chí. Một số khách hỏi thì biết tình trạng khó khăn của bà nên ép cắt lỗ sâu đến 30% giá trị căn biệt thự khiến bà không đành lòng bán.
Đầu năm 2021, dịch bùng lần thứ 3 và sau đó kiểm soát được, bà Thanh tin thị trường sẽ sớm phục hồi, khả quan hơn. Nhưng với những diễn biến hiện tại, bà đang đứng ngồi không yên. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc kinh doanh chính của bà đã thua lỗ hơn năm nay, bà gần như cạn kiệt nguồn tiền để trả lãi ngân hàng và đến giờ bà chấp nhận cắt lỗ sâu hơn nhưng lại không có người hỏi mua.
Nhiều khu đất đã phân lô nhưng không thể triển khai bán do dịch bệnh
Trong khi đó, cuối năm 2020, ông Phan Hữu Tuyến (Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) chi hơn 8 tỷ đồng mua một lô đất có diện tích lớn ở ven Hà Nội. Thời điểm đầu năm 2021, ông đã hoàn thành việc tách lô đất này thành nhiều nền và dự định tách xong sẽ rao bán luôn.
Thế nhưng dịch Covid-19 bùng phát khiến kế hoạch bị hoãn lại hoàn toàn. Với tình hình diễn biến phức tạp và khó lường hiện tại, ông không rõ sự ảm đạm này sẽ kéo dài đến khi nào và bản thân rất sốt ruột khi hơn một nửa trong số 8 tỷ đồng đó là nguồn tiền ông đi vay ngân hàng và người thân. Hàng tháng ông đang phải gánh một khoản tiền gốc và lãi không hề nhỏ.
Khác với bà Thanh và ông Tuyến, ông Mai Thanh Tùng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại đứng ngồi không yên vì không thể đi khảo sát được thị trường do dịch bệnh. Sau cơn sốt đất đầu năm, ông thu được khoản lời lớn và dự định sẽ "Nam tiến" mua đất nền ven biển.
Từ các mối quan hệ trong đó, ông nắm được rất nhiều nguồn hàng ven biển đang bán giá thời Covid nhưng dịch bệnh với các chỉ thị giãn cách xã hội khiến ông buộc phải "ngồi im một chỗ". Rất nhiều hàng giá tốt trong đó ông không thể tiếp cận, sau đó đã được chính các nhà đầu tư địa phương và môi giới ôm luôn, chờ dịch được kiểm soát để bán ra.
Anh Trịnh Hải Cường, một môi giới chuyên bán bất động sản khu vực Nha Trang, Đà Nẵng cho biết, từ năm ngoái đến nay, khá nhiều nhà đầu tư bất động sản dùng đòn bẩy tài chính ngân hàng rơi vào tình cảnh khó khăn khi thị trường trầm lắng do dịch bệnh.
Nhiều nhà đầu tư đã cố cầm cự trong suốt năm 2020, hy vọng thị trường 2021 sẽ khởi sắc trở lại nhưng đến thời điểm hiện tại khi dịch nặng nề hơn, họ rơi cảnh kiệt quệ và buộc phải bán cắt lỗ. Thế nhưng việc giao dịch cũng rất khó khăn khi do giãn cách nhà đầu tư không thể đi xem đất mà đều hẹn người bán và môi giới sau dịch.
Ngoài ra, trước đó, nhiều khách hàng của anh Cường ở Hà Nội, Quảng Ninh và TP.HCM đã lên lịch hẹn anh đi xem đất tại Nha Trang, Đà Nẵng thì đều phải hủy dự định. Thậm chí trước khi Hà Nội áp dụng chỉ thị 16 về giãn cách xã hội đã có khách đầu tư vốn thông thổ thị trường Đà Nẵng, sau khi xem giấy tờ online đã tin tưởng chuyển cọc trước cho anh Cường để giữ đất và hẹn sớm bay vào Đà Nẵng để thực tế thị trường và quyết định kí mua bán. "Tuy nhiên, Hà Nội sau đó giãn cách và tiếp tục kéo dài giãn cách khiến vị khách này vẫn chưa thể bay vào được", anh Cường ngán ngẩm cho biết.