
Indonesia
Số liệu thống kê chính thức từ cơ quan thống kê Indonesia cho biết, trong quý I/2025, quốc gia này ghi nhận tăng trưởng GDP ở mức 4,87% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng quý I thấp nhất mà Indonesia từng ghi nhận trong ba năm qua.
Theo Cơ quan Thống kê Trung ương (BPS), trong giai đoạn 2022-2024, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đã ghi nhận tăng trưởng 5,11% trong Q1/2024. Trong khi đó, tăng trưởng trong Q1/2022 và Q1/2023 lần lượt đạt 5,02% và 5,04%.
Giám đốc BPS Amalia Adininggar Widyasanti cho rằng tốc độ tăng trưởng của quốc gia này trong Q1/2025 thấp hơn so với cùng kỳ là do năm ngoái quốc gia này đã diễn ra bầu cử. Cụ thể, vào tháng 2/2024, Indonesia đã tổ chức cuộc bầu cử một ngày lớn nhất thế giới, khiến chi tiêu của Chính phủ tăng vọt vào thời điểm đó.
Trong mức tăng trưởng 4,87%, tiêu dùng hộ gia đình chiếm phần lớn, đóng góp 2,61 phần trăm. Tiếp theo là hình thành vốn cố định gộp (0,65%), xuất khẩu ròng (0,83%) và các yếu tố khác (0,86%). Tuy nhiên, tiêu dùng của Chính phủ ghi nhận tăng trưởng âm 0,08% trong 3 tháng đầu tiên của năm 2025.
Bộ trưởng điều phối kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết, tốc độ tăng trưởng của Indonesia cao hơn mức 4,4% của Malaysia, 3,8% của Singapore.
"Trong ASEAN, chúng tôi chỉ thấp hơn một chút so với Việt Nam", Bộ trưởng điều phối kinh tế Indonesia chia sẻ.
Việt Nam
Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2025 của Việt Nam ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước , đạt mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025.
Kết quả tăng trưởng này đã vượt mục tiêu đặt ra cho quý I/2025 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP , nhưng chưa đạt mục tiêu phấn đấu cao hơn tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 do thế giới biến động nhanh, nhiều bất ổn đã ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nước ta. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, đóng góp 40,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,70% , đóng góp 53,74%.
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về triển vọng phát triển châu Á - Thái Bình Dương, các chuyên gia đánh giá, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2025 và 6,5% trong năm 2026, sau khi tăng mạnh ở mức 7,1% vào năm ngoái. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ được sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm 2025, nhờ gia tăng du lịch trong nước và quốc tế cũng như các ngành công nghiệp công nghệ.
Malaysia
Dữ liệu chính thức từ Malaysia cho thấy, trong quý đầu tiên của năm 2025, nền kinh tế Malaysia tăng trưởng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng trưởng 4,9% của qusy 4/2024.
Ngân hàng trung ương Malaysia cho biết, tăng trưởng kinh tế trong quý đầu tiên được thúc đẩy bởi tăng trưởng chi tiêu hộ gia đình trong bối cảnh thị trường lao động tích cực, cũng như sự mở rộng ổn định về đầu tư và tăng trưởng xuất khẩu liên tục.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia Abdul Rasheed Ghaffour cho biết, tăng trưởng trong quý đầu tiên được thúc đẩy bởi xuất khẩu khi các công ty tích cực mua hàng trước khi mức thuế đối ứng được áp dụng, với nhu cầu đối với các sản phẩm điện và điện tử của Malaysia dự kiến sẽ được duy trì.
"Tăng trưởng bị ảnh hưởng bởi sản lượng dầu khí thấp hơn và hoạt động bán và sản xuất ô tô trở lại bình thường. Mức tăng trưởng năm nay dự kiến sẽ thấp hơn một chút so với mức dự báo từ 4,5% đến 5,5%", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia cho hay.

Thái Lan
Nền kinh tế Thái Lan trong quý đầu tiên của năm 2025 tăng trưởng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan Kế hoạch dự báo mức tăng trưởng GDP năm 2025 của Thái Lan sẽ dao động trong khoảng 1,3% - 2,3%, giảm so với mức ước tính 2,3% - 3,3% được dự báo hồi tháng 2.
Philippines
Theo dữ liệu chính thức từ cơ quan thống kê Philippines, trong quý 1/2025, GDP của quốc gia này ghi nhận tăng trưởng ở mức 5,4%, tăng nhẹ so với mức tăng trưởng 5,3% của quý 4/2024.
Theo đó, tiêu dùng hộ gia đình và chi tiêu công là những yếu tố chính góp phần giúp Philippines đạt được mức tăng trưởng này trong bối cảnh nước này phải đối mặt với những trở ngại ngày càng tăng từ thuế quan của Hoa Kỳ.
Cụ thể, chi tiêu công của Philippines trong quý 1/2025 tăng vọt ở mức 18,7%. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất kể từ quý 2/2020. Bên cạnh đó, tiêu dùng hộ gia đình cũng tăng 5,3%, cao hơn so với mức 4,7% của quý trước, nhờ vào việc lạm phát giảm
Singapore
Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) Singapore mới đây thông tin, trong quý I/2025, GDP của Singapore ghi nhận tăng trưởng ở mức 3,8% , thấp hơn mức tăng trưởng 5% ghi nhận trong quý IV/2024.
Đối với triển vọng tăng trưởng cả năm 2025, MTI đã hạ dự báo xuống còn 0-2% từ mức 1-3% trước đó trong bối cảnh Singapore chuẩn bị ứng phó với tác động của thuế đối ứng từ Hoa Kỳ.
Bộ này cho biết, những diễn biến liên quan đến thuế quan trong thời gian tới dự kiến sẽ tác động đáng kể đến thương mại và tăng trưởng toàn cầu. Trong bối cảnh này, triển vọng nhu cầu bên ngoài của Singapore cũng đã suy yếu đáng kể.
Đặc biệt, ngành sản xuất có khả năng bị ảnh hưởng bởi nhu cầu toàn cầu yếu hơn. Thương mại toàn cầu yếu đi cũng sẽ ảnh hưởng đến ngành bán buôn cũng như ngành vận tải và lưu trữ, thông qua việc kéo giảm nhu cầu về dịch vụ vận chuyển và hàng không.
Trong khi đó, hoạt động thương mại trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm có thể suy yếu do tâm lý ngại rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực đến ngân hàng, quản lý quỹ, ngoại hối và giao dịch chứng khoán.
"Ngoài ra, bối cảnh kinh tế không chắc chắn có thể sẽ làm giảm chi tiêu đầu tư vốn của các công ty và hạn chế hoạt động trung gian tín dụng. Sự tăng trưởng của các công ty thanh toán cũng có thể chậm lại cùng với hoạt động kinh doanh ảm đạm và chi tiêu của người tiêu dùng thấp hơn, MTI cho hay.
Thứ hạng tăng trưởng của các nước ASEAN-6 thay đổi ra sao?
Như vậy, với GDP ghi nhận tăng 6,93% trong quý đầu tiên của năm 2025, Việt Nam trở thành quốc gia có tăng trưởng cao nhất trong nhóm các nước ASEAN-6.
Theo sau là Philippines với tăng trưởng GDP đạt 5,4%. Với tăng trưởng GDP quý 1/2025 đạt mức 4,87%, Indonesia là nền kinh tế có tăng trưởng GDP cao thứ ba trong khối các nước ASEAN-6.
Xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng tăng trưởng là Malaysia với tăng trưởng GDP quý 1/2025 đạt 4,4%. Xếp vị trí thứ 4 và thứ 5 lần lượt là Singapore và Thái Lan, với tăng trưởng GDP lần lượt đạt 3,8% và 3,1%.